Ví điện tử - xóa bỏ nỗi lo tiền mặt cho học viên và phụ huynh

GD&TĐ - Không hạn chế thời gian, nhà mạng giao dịch, không cần số tài khoản vẫn thanh toán được học phí cùng các khoản thu của nhà trường...

Sinh viên đóng học phí qua ứng dụng công nghệ của thời kỳ chuyển đổi số.
Sinh viên đóng học phí qua ứng dụng công nghệ của thời kỳ chuyển đổi số.

Cùng với xu thế phát triển tất yếu của thanh toán không tiền mặt, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng nổ, càng cho thấy sự cần thiết của ví điện tử.

“Tranh thủ” chuyển tiền đóng học phí 

Cầm chiếc điện thoại trên tay chị Lại Thị Hương trú phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) đang tranh thủ nộp tiền học phí qua ứng dụng cho con gái đang theo học tại Trường THCS Hoàng Liệt. Chị Hương cho biết, chỉ cần một thao tác trên ứng dụng ViettelPay, điện thoại “ting ting” báo tiền đã “đến nơi”. “Không chỉ đóng tiền học phí, tôi còn thanh toán nhiều khoản chi tiêu khác như: Tiền điện, tiền nước… Tôi cùng nhiều phụ huynh khác trong lớp của cháu đánh giá cao tính thuận tiện, an toàn của ứng dụng này...”, chị Hương bày tỏ.

Có con theo học tại Trường THCS Phan Chu Trinh (quận Ba Đình), chị Nguyễn Thị Hà cho rằng, nhiều phụ huynh lo ngại việc đưa tiền mặt cho con tự đóng học phí. Chị Hà lý giải, trẻ cấp 2 còn mải chơi hay quên dẫn đến rủi ro khi cầm nhiều tiền mặt. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh khá bận công việc không thể đến trường nộp học phí cho con được.  

“Trước đây đưa tiền cho con đóng học, song nhiều lần quên không hỏi lại, con lại không đóng, chậm đóng, thậm chí làm mất tiền... Việc ứng dụng công nghệ giúp gia đình chủ động, giám sát tốt các khoản thu chi...”, chị Hà bày tỏ.

Dưới góc độ quản lý, cô Đặng Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) nhấn mạnh: “Không thu tiền mặt thực hiện đúng tinh thần, yêu cầu của Chính phủ về việc không thanh toán tiền mặt. Qua hệ thống các khoản thu được rành mạch rõ ràng. Ví dụ: Thu học phí có mục học phí, danh mục tên của phụ huynh và học sinh nộp hay chưa nộp…”.

“Có khoảng hơn 80% phụ huynh nhà trường sử dụng phần mềm này để thực hiện giao dịch nộp tiền cho các em. Việc thực hiện thanh toán không qua tiền mặt sẽ bao phủ và đáp ứng yêu cầu thực tế của thời đại công nghệ số. Thực hiện ứng dụng công nghệ giúp quản lý thuận tiện, đồng bộ trong công tác của nhà trường...”, cô Hà nói.

Giáo dục chuyển mình trong thời đại số

Năm học 2020 - 2021, sinh viên của Trường Đại học Giao thông Vận tải tiếp tục thực hiện nộp học phí qua ứng dụng ViettelPay. Chia sẻ với Báo GD&TĐ, PGS.TS Nguyễn Ngọc Long - Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết, hiện trường đã thực hiện thu tất cả các khoản học phí qua ngân hàng và ViettelPay. Việc chi trả học bổng hỗ trợ học tập cũng được chi trả cho sinh viên qua tài khoản ngân hàng. Tất cả các khoản lương và thanh toán giáo dục đều được trả qua tài khoản ngân hàng cho giáo viên và người lao động.

“Đúng xu hướng phát triển của xã hội. Người tiếp nhận dịch vụ phản hồi rất tốt. Giảm thời gian đi lại, chờ đợi đáng kể. Việc chi trả kịp thời không phụ thuộc vào giờ làm việc của ngân hàng. Lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt là tính kịp thời, thuận tiện và chính xác đến đối tượng thụ hưởng. Dịch vụ ngân hàng điện tử phát triển mạnh và có tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian qua…”, PGS.TS Long nói. 

“Với ứng dụng này, phụ huynh khi đóng học phí cho con chỉ cần đến các điểm giao dịch tại địa phương và nạp tiền vào tài khoản. Bên cạnh đó, dịch vụ rất phù hợp với sinh viên khi không tốn data 3G/4G, không cần Internet, không cần số dư tài khoản và liên kết tất cả các ngân hàng nội địa. Thanh toán học phí bảo đảm chính xác tuyệt đối, sinh viên chỉ cần nhớ duy nhất mã sinh viên…”, PGS.TS Long cho biết thêm.

Tiện ích và minh bạch 

Thầy Hoàng Anh - Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) bày tỏ, ViettelPay đã giải quyết bài toán thu học phí không dùng tiền mặt của    hơn 30.000 học sinh, sinh viên nhà trường. 
“Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi nhanh chóng về mọi mặt của đời sống xã hội, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đang chuyển mình mạnh mẽ để bắt kịp với thời đại thông tin toàn cầu và thực hiện hóa mục tiêu trở thành trường đại học đào tạo ứng dụng hàng đầu Việt Nam.

Một trong những chuyển mình trong thời đại số đó là việc từ năm học 2019 - 2020, Đại học Công nghiệp Hà Nội mang đến cho sinh viên nhà trường những tiện ích thuộc hệ sinh thái ViettelPay, bao gồm đóng học phí, thanh toán, nạp rút tiền… và hơn 100 tính năng khác. Các giao dịch này trở nên dễ dàng, nhanh chóng và an toàn đối với sinh viên chỉ với chiếc điện thoại thông minh…”, thầy Hoàng Anh nói.

Sau 2 năm Đại học Công nghiệp Hà Nội triển khai ứng dụng đến nay có trên 80% tân sinh viên nhà trường sử dụng. Nộp học phí online, giúp dòng tiền về tài khoản nhà trường nhanh, công khai, minh bạch, hạn chế các rủi ro cho nhà trường từ tiền mặt. “Ứng dụng này giúp sinh viên chủ động mọi lúc, mọi nơi khi đóng tiền học phí. Điểm thuận lợi của dịch vụ này là không hạn chế thời gian giao dịch, không cần số tài khoản và không giới hạn nhà mạng…”, thầy Hoàng Anh nói.

Sinh viên Ngô Quang Huy - Khoa CNTT (Đại học Công nghiệp Hà Nội) cho biết: “Qua 2 năm sử dụng , em thấy ứng dụng rất an toàn. Em chỉ cần nhớ duy nhất mã sinh viên khi giao dịch. Ngoài học phí, em có thể thanh toán, nạp rút tiền cùng nhiều tính năng khác rất thiết thực với sinh viên”. ViettelPay đã được thực hiện tại nhiều trường đại học trên cả nước như: Đại học Bách khoa, Đại học FPT, Đại học Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Vinh, Trường Đại học Ngoại ngữ Huế…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.