Nhưng trong tình cảnh như hiện nay, có lẽ VFF cần xác định rõ tiêu chí, phụ trách tài chính phải là người giỏi kiếm tiền chứ không đơn thuần là người có thể đi xin tiền nhờ các mối quan hệ cá nhân.
12 tháng không Phó Chủ tịch
Vị trí Phó Chủ tịch phụ trách tài chính của VFF là câu chuyện dài và… khó hiểu. Vào cuối tháng 6/2019, ông Lê Khánh Hải, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL kiêm Chủ tịch VFF chính thức xác nhận ông Cấn Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch tài chính VFF đã xin từ chức. Và cho đến nay, gần một năm trôi qua, vị trí người phụ trách tài chính vốn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của VFF vẫn đang bỏ trống.
Trước đó, ngày 8/12/2018, ông Cấn Văn Nghĩa (nguyên Giám đốc Khu liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình, đã nghỉ hưu từ ngày 1/9/2018) bất ngờ vượt qua 3 ứng cử viên sáng giá là các doanh nhân thành đạt để trúng cử chức Phó Chủ tịch tài chính VFF.
Tại Đại hội VFF, ông Nghĩa được đánh giá là ứng viên yếu nhất trong 4 ứng viên tham gia tranh cử, không có kinh nghiệm về kêu gọi tài trợ cho bóng đá. Sau khi trúng cử, ông Nghĩa tuyên bố sẽ mang về cho nhiệm kỳ VIII của VFF 400 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, ngay sau khi trúng cử, tân Phó Chủ tịch VFF Cấn Văn Nghĩa đã vấp phải rất nhiều khó khăn, sức ép từ nhiều phía, từ những vấn đề khi ông còn là Giám đốc Khu liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình.
Đặc biệt, đầu năm 2019, Kiểm toán Nhà nước công bố kết luận kiểm toán Khu liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình chỉ ra nhiều sai phạm trong quá trình cho thuê đất tại đây. Khu liên hợp cũng được xác định đang nợ vài chục tỷ đồng tiền thuê đất của Nhà nước không có khả năng chi trả.
Ngày 6/5/2019, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra toàn diện việc chấp hành quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại Khu liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình. Đây là cuộc thanh tra đột xuất được thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình.
Theo quyết định được công bố, thời kỳ thanh tra từ năm 2009 đến năm 2018. Những diễn biến ấy, ông Nghĩa đã gửi đơn xin từ chức. Theo thông tin từ VFF, trong 6 tháng tại vị ông Nghĩa không đem được hợp đồng tài trợ giá trị nào về cho bóng đá Việt Nam.
Đơn từ chức của ông Cấn Văn Nghĩa đã được thông qua và về nguyên tắc, VFF có thể tiến hành đại hội bất thường ngay vào thời điểm đó để tìm người thay thế. Tuy nhiên, cho đến cuối năm 2019, bộ máy VFF vận hành vẫn không có vị trí phó phụ trách tài chính.
Lãnh đạo VFF dường như không mấy mặn mà tìm kiếm người thay thế. Lý do được hiểu, VFF kết thúc năm tài chính 2019 với những con số ấn tượng. Thành công của các đội tuyển Việt Nam giúp tổ chức xã hội nghề nghiệp này ký kết được rất nhiều bản hợp đồng với các nhà tài trợ.
Theo báo cáo tại Hội nghị ban chấp hành ngày 28/12/2019, doanh thu của VFF đã tăng 150%, thu về được 240 tỷ đồng, con số cao nhất trong lịch sử và vượt chỉ tiêu đề ra khoảng 160 tỷ đồng. Lợi nhuận thu về tăng 747% so với mục tiêu đề ra.
Đó là kết quả chuẩn bị lâu dài và sâu rộng, đặc biệt trong công tác đào tạo trẻ cũng như các giải pháp tổng thể. Vì thế, trước câu hỏi về việc bổ nhiệm nhân sự cho chiếc ghế Phó Chủ tịch phụ trách về mảng tài chính mà ông Cấn Văn Nghĩa để lại, Phó Chủ tịch truyền thông VFF Cao Văn Chóng cho biết, thời gian qua hoạt động tài trợ của VFF vẫn cực kỳ hiệu quả.
Sau đó, tại Đại hội thường niên tháng 12/2019, VFF tự tin cho biết dù không có Phó Chủ tịch tài chính nhưng tổ chức này vẫn ký được nhiều hợp đồng, bảo đảm đủ tài chính hoạt động cho bóng đá Việt Nam. Từ đó, VFF đặt mục tiêu năm 2020 sẽ thu được 256 tỷ đồng.
Đại hội cũng thống nhất, không bầu bổ sung nhân sự cho vị trí Phó Chủ tịch phụ trách tài chính. Cho dù, trong tay VFF lúc đó vẫn còn 2 ứng cử viên sẵn sàng ngồi “ghế nóng” là ông Phạm Thanh Hùng - Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh) và ông Lê Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thể thao Động Lực.
Cần người kiếm tiền
Thế nhưng không ai ngờ đại dịch Covid-19 ập đến, tàn phá thế giới, trong đó có các môn thể thao. Bóng đá Việt Nam rơi vào khó khăn khi tất cả các giải đấu trong nước và quốc tế phải tạm dừng, CLB không có nguồn thu, cầu thủ phải giảm lương. Các doanh nghiệp khó khăn không còn đua nhau tài trợ cho bóng đá.
Thậm chí tiền giải ngân các gói đã tài trợ cũng chưa chắc diễn ra như kế hoạch vì sự “đóng băng” của các giải đấu. VFF đã có quyết định giảm lương và các khoản phụ cấp cho khoảng 70 cán bộ, nhân viên của mình.
Phát biểu trên báo Tuổi trẻ vào ngày 16/4, ông Lê Khánh Hải - Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL kiêm Chủ tịch VFF cho biết, tại Đại hội thường niên VFF cuối năm 2019 đã quyết định tạm thời giữ ổn định bộ máy, năm 2020 mới bầu bổ sung Phó Chủ tịch tài chính.
Ngoài ra, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc bầu bổ sung người mới chưa thể diễn ra. Mặc dù vậy, tình thế khó khăn buộc VFF phải thay đổi kế hoạch, đôn thời gian tổ chức đại hội thường niên từ tháng 12 lên tháng 8 để có thể tìm cho được người giữ vai trò kiếm tiền cho bóng đá Việt Nam.
Ông Lê Hoài Anh, Tổng Thư ký VFF cho biết, tổ chức này đang gấp rút xây dựng tiêu chí ứng viên Phó Chủ tịch tài chính. Sau đó sẽ gửi đến hơn 70 đơn vị thành viên để họ giới thiệu, đề cử người vào vị trí này.
Việc bầu Phó Chủ tịch phụ trách tài chính sẽ diễn ra đúng quy trình. Về cơ bản, các tiêu chí dành cho vị trí Phó Chủ tịch phụ trách tài chính là có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tài chính, thương mại, có năng lực quản trị, am hiểu về pháp luật tài chính, có quan hệ rộng trong giới doanh nhân…
Trong giai đoạn phát triển kinh tế thị trường, vị trí Phó Chủ tịch tài chính VFF được chuyên trách hóa thì tất cả đều muốn giao chiếc ghế này cho những doanh nhân, trông cậy nguồn tiền từ doanh nghiệp “người nhà” hay các mối quan hệ trong giới của doanh nhân đó.
Quay lại các nhiệm kỳ gần nhất của VFF, nhân vật ngồi ở vị trí Phó Chủ tịch phụ trách tài chính của tổ chức này đều là các doanh nhân thành đạt, đó là các ông Lê Hùng Dũng (Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank) ở các nhiệm kỳ 5 và 6, cùng ông Đoàn Nguyên Đức (HA Gia Lai) ở nhiệm kỳ 7.
Thế nên, nếu không kêu gọi được tài trợ, các doanh nhân như ông Dũng hay ông Đức có ngay nguồn tài chính từ chính mình, hoặc từ doanh nghiệp do chính mình quản lý. Theo đó, ông Dũng từng đưa Eximbank rót tiền tài trợ cho V-League và VFF hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Không kêu gọi nhiều tài trợ, bầu Đức vẫn có thể tự trả lương cho HLV Park Hang Seo đều đặn 700 triệu đồng/tháng (tính luôn tiền thuế phải đóng cho thu nhập của ông Park), tính sơ sơ cho 2 năm hợp đồng cũng ngót hàng chục tỷ đồng.
Đến nhiệm kỳ 8 (2018 - 2022), xu hướng chọn các doanh nhân tiếp tục được ủng hộ, song quan điểm ít nhiều thay đổi. Theo đó, Phó Chủ tịch tài chính VFF phải là doanh nhân giỏi kiếm tiền chứ không chỉ đơn thuần là đi xin tiền bằng các mối quan hệ cá nhân như trong quá khứ.
Chủ tịch CLB SLNA Nguyễn Hồng Thanh nêu quan điểm: “Bóng đá Việt Nam đang có tài nguyên chính là các ĐTQG và HLV trưởng, nên Phó Chủ tịch tài chính VFF phải biết biến tài nguyên đó thành tiền bạc. ĐTQG là hàng hóa, người làm tài chính phải biết bán hàng thay vì đi xin tiền”.
Trong cuộc đua đến vị trí phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF nhiệm kỳ 8, ứng viên Trần Văn Liêng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Ciám đốc Công ty Ca cao Việt Nam cam kết nếu trúng cử, có thể mang về cho VFF 10 triệu USD/năm.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tập đoàn Berjaya Việt Nam Nguyễn Hoài Nam nêu đề án xây dựng một hệ thống quản trị tài chính, tiếp thị và tài trợ thể thao một cách hiệu quả, vận hành theo cơ chế thị trường chuyên nghiệp và bài bản, kết hợp chặt chẽ với nhau. Ngay cả ứng viên Lê Văn Thành cũng là Chủ tịch Công ty Động lực, tài trợ nhiều giải đấu của VFF.
Thế nhưng đến vòng bỏ phiếu, cả 3 doanh nhân thành đạt với những đề án tranh cử mới mẻ, ấn tượng đã thua ông Cấn Văn Nghĩa, người đã về hưu và không phải là doanh nhân.
Thực tế sau đó như chính VFF thừa nhận, ông Nghĩa không mang hợp đồng giá trị nào về cho VFF và phải từ chức vì nhiều sức ép sau 6 tháng tại vị. Lời hứa sẽ kiếm về 400 tỷ đồng khi nhậm chức của ông Nghĩa cũng theo gió bay. Đến lúc đó, vấn đề trách nhiệm của lá phiếu, những người ủng hộ ông Nghĩa mới được đặt ra. Chỉ tiếc là đã quá muộn. VFF bỏ lỡ cơ hội tuyển dụng người tài.
Trong diễn biến mới nhất, ông Trần Văn Liêng sẵn sàng tham gia ứng cử lại vị trí ông đã từng thất bại 2 năm trước nếu VFF tổ chức được một cuộc bầu cử “công khai, minh bạch”.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Berjaya Nguyễn Hoài Nam phát biểu, ông chưa biết thông tin gì về cuộc bầu cử Phó Chủ tịch tài chính mới của VFF bởi không có ai thông báo. Có thể VFF sẽ chọn người trong ban chấp hành hay đôn người khác mà họ đang có lên nắm giữ vị trí này. Ông chưa thể trả lời có tham gia tranh cử tiếp không dù đang có rất nhiều ý tưởng đóng góp cho bóng đá Việt Nam.
Vậy nên, VFF có chọn được người thực tài, thực tâm cho vị trí Phó Chủ tịch tài chính hay không vẫn còn là ẩn số.
VFF đang có ba thành viên trong ban chấp hành là doanh nhân, chủ sở hữu các doanh nghiệp. Đó là các ông: Lê Văn Thành (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP thể thao Động Lực), Trần Anh Tú (Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH thương mại Thái Sơn Nam và Thái Sơn Bắc), Phạm Thanh Hùng (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Khai thác khoáng sản Vàng Hà Giang). Không loại trừ khả năng, tân Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF nằm trong số 3 doanh nhân trên.