VFF bị phạt

GD&TĐ - Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) quyết định phạt 10.000 USD với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF).

VFF nhận án phạt từ AFC với những sai phạm ở vòng loại U17 nữ châu Á 2024.
VFF nhận án phạt từ AFC với những sai phạm ở vòng loại U17 nữ châu Á 2024.

Trước đó (tháng 9/2023), Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đăng cai tổ chức bảng B vòng loại U17 nữ châu Á 2024 tại sân Trung tâm bóng đá trẻ Việt Nam, Hà Nội.

Ở bảng đấu này, U17 Việt Nam đã thi đấu không thành công khi xếp sau hai đội U17 nữ Úc và U17 nữ Philippines, qua đó để vuột vé tham dự vòng chung kết U17 nữ châu Á.

Trong quá trình tổ chức 6 trận đấu, AFC ghi nhận VFF đã mắc 2 lỗi liên quan đến trang thiết bị y tế trong bốn trận, gồm: Úc - Philippines, Bangladesh - Việt Nam, Philippines - Bangladesh và Việt Nam - Úc.

Vì lỗi này, AFC đã ra án phạt đối với VFF. Án phạt được công khai trên trang chủ AFC ghi: “VFF đã không trang bị đầy đủ cho xe cứu thương các thiết bị hỗ trợ sự sống tiên tiến, thuốc cấp cứu và nhân viên y tế được đào tạo; không trang bị đầy đủ phòng y tế có thiết bị cấp cứu.

Trong quy định điều hành thi đấu của AFC, đây là những lỗi được quy định ở điều 70.2 và điều 71.1. Theo đó, "các thiết bị hỗ trợ sự sống tiên tiến" được liệt kê phải có máy khử rung tim, mặt nạ oxy, bộ truyền dịch I/V và thuốc cấp cứu.

Trong khi phòng y tế trang bị đầy đủ thiết bị cấp cứu phải đáp ứng nhiều yêu cầu như: Có 2 phòng với đầy đủ 9 yêu cầu về trang thiết bị để điều trị khẩn cấp cho cầu thủ”.

AFC thông báo mức phạt chính thức đối với liên đoàn bóng đá Việt Nam là 10.000 USD (gần 250 triệu đồng) trong quyết định được thông qua vào ngày 24/9.

Liên đoàn bóng đá châu Á cũng khuyến cáo nếu VFF tái phạm nhiều lần, mức phạt có thể sẽ nặng hơn.

Đây là lần đầu ghi nhận AFC phạt Liên đoàn bóng đá Việt Nam về công tác y tế. Trước đó, vào tháng 12/2022, Liên đoàn bóng đá Việt Nam bị phạt 5.000 USD vì để người không phận sự vào khu vực kỹ thuật Thái Lan và Đài Loan ở vòng loại U17 châu Á 2022 tại Phú Thọ.

Ngoài ra, VFF chủ yếu bị phạt vì các hành động quậy phá của cổ động viên, như tại vòng loại U23 châu Á 2020 ở Hà Nội năm 2019 (bị phạt 39.500 USD vì để cổ động viên đốt pháo sáng, ném vật thể lạ trong hai trận đấu ở sân vận động Mỹ Đình), ở bán kết ASIAD 2018 (12.500 USD vì cổ động viên đốt pháo sáng khi Việt Nam thua Hàn Quốc 1-3) và tại bán kết lượt về AFF Cup 2016 (38.000 USD khi cổ động viên ném đá vỡ kính xe buýt chở Indonesia ở sân Mỹ Đình).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ