Vết trượt quốc gia

GD&TĐ - Sri Lanka đang phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Ngày 12/4, nước này tuyên bố không đủ khả năng trả khoản nợ nước ngoài 51 tỷ USD và đang chờ gói hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Sau lệnh cấm hàng loạt đối với những mặt hàng nhập khẩu không thiết yếu để bảo toàn nguồn cung ngoại hối, lạm phát tại Sri Lanka đã tăng lên mức cao nhất ở châu Á. Đồng nội tệ rupee cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Nghiên cứu của Trường Đại học Peradeniya cho thấy, tỷ lệ người Sri Lanka không thể mua được thực phẩm dinh dưỡng đã tăng từ 11% lên 33% trong khoảng thời gian từ tháng 3/2020 đến tháng 3/2022. Đường phố vắng tanh, các cửa hàng đồng loạt đóng cửa do không đủ khả năng chi trả tiền điện.

Trong những tháng gần đây, giá lương thực đã tăng chóng mặt. Thịt gà, từng là lương thực chính, giờ cũng là một mặt hàng xa xỉ sau khi giá tăng gấp đôi. Các mặt hàng khác cũng rơi vào tình trạng khan hiếm. Điện bị cắt, nguồn nước cũng có thể sớm bị gián đoạn.

Khủng hoảng kinh tế trầm trọng gây tác động tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày của người dân, từ người có thu nhập thấp nhất đến giàu nhất trên đất nước. Nó cũng báo hiệu một tầng lớp tại Sri Lanka sắp biến mất khi tiền của họ không còn giá trị.

Tầng lớp trung lưu, vốn đang trên đà phát triển ở Sri Lanka, nay phải chứng kiến sinh kế của họ bị phá hủy, tiền tiết kiệm mất giá trị. Từ những cuộc tiệc tùng thâu đêm trong quán bar đến kế hoạch cho con cái du học nước ngoài, mối quan tâm của tầng lớp trung lưu giờ chỉ xoay quanh việc tìm mua nhiên liệu, thực phẩm giá phải chăng.

Nằm ở vị trí chiến lược trên các tuyến đường thương mại hàng hải quốc tế, Sri Lanka từng được đánh giá là “thiên đường du lịch”. Là ngành trọng điểm của Sri Lanka, du lịch đóng góp 12% GDP và là nguồn thu ngoại tệ lớn thứ 5 của đất nước.

Từ du lịch, Sri Lanka đã đẩy mạnh xuất khẩu chè, phát triển các ngành chế biến lương thực, dệt may đưa quốc gia thoát khỏi cảnh lầm than sau hơn 130 năm dưới ách cai trị của người Anh.

Cùng với đó, quốc gia này chứng kiến sự xuất hiện và tăng lên mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu, những người “đổi đời” nhờ du lịch và và kinh doanh xuất nhập khẩu. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, khi Sri Lanka vỡ nợ, tầng lớp trung lưu sẽ là nhóm đầu tiên biến mất. Họ bị đẩy khỏi giới trung lưu, rơi vào tình cảnh thu nhập thấp hoặc nghèo đói.

Trong giai đoạn Covid-19, tầng lớp này đã có dấu hiệu giảm theo xu hướng chung của thế giới. Nhưng khủng hoảng kinh tế đã đẩy số phận của họ đến bờ vực.

Trong các tuần qua, hàng trăm cuộc biểu tình tự phát đã nổ ra trên khắp Sri Lanka. Nhiều cuộc biểu tình do tầng lớp trung lưu đứng đầu, thu hút các nhóm đông đảo hơn như người thu nhập thấp... Họ yêu cầu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức với cáo buộc gây nên khủng hoảng kinh tế quốc gia.

Các văn phòng thị thực trên khắp thủ đô Colombo, Sri Lanka, ghi nhận tăng đột biến những người có trình độ học vấn muốn rời khỏi đất nước, trong đó chiếm phần đông là tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên, rất ít người có cơ hội “đổi đời” do đồng rupee mất giá. Thay vào đó, tầng lớp này đang bị trói buộc vào điều kiện sống trượt dốc không phanh.

Không ai có thể dự đoán tương lai của Sri Lanka nhưng chắc chắn khả năng phục hồi của tầng lớp trung lưu là không dễ dàng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ