Vết cắn tố cáo sát thủ giết ba bé trai tại Mỹ

Kẻ giết người nhằm vào các bé trai đi một mình, trói chặt bằng sợi dây đặc biệt rồi cắn khắp cơ thể.

Vết cắn tố cáo sát thủ giết ba bé trai tại Mỹ

Tối 23/8/1982, Ricky Stetson, 11 tuổi, rời nhà ở thành phố Portland, bang Maine, Mỹ để chạy bộ nhưng tới khuya không thấy quay về. Hôm sau, xác cậu bé được tìm thấy tại khe suối gần đường chạy bộ.

Giám định pháp y cho thấy nạn nhân bị đâm vào ngực và bị thắt cổ. Không có dấu hiệu xâm hại tình dục nhưng khắp thi thể xuất hiện nhiều vết thương, dường như dạng chữ ký của kẻ giết người. Ở chân có vết cắn. Một số nhân chứng cho biết nhìn thấy người thanh niên tóc tối màu đạp xe sát đằng sau Ricky Stetson.

Sau một năm điều tra, cảnh sát xác định nghi phạm là Joseph Anderson, 24 tuổi. Đây cũng là nghi phạm giết hại bé gái 9 tuổi khác. Joseph Anderson cuối cùng được trả tự do vì dấu răng không trùng khớp với vết cắn trên thi thể.

Thời điểm này, công nghệ ADN vẫn chưa được áp dụng phổ biến trong khoa học pháp y hình sự. Hơn nữa, trong khi Joseph Anderson đang bị tạm giam, một vụ giết hại trẻ em lại xảy ra với cách thức tương tự ở bang Nebraska, cách Maine 1.500 dặm.

Ngày 18/9/1983, Danny Eberle, 13 tuổi, biến mất bí ẩn trong khi đưa báo vào buổi sáng ở thành phố Bellevue, bang Nebraska. Chiếc xe đạp cậu yêu quý bị bỏ lại tại ngôi nhà thứ 4 trên lộ trình giao báo cho 70 hộ, không có dấu hiệu vật lộn.

Bạn bè Danny Eberle cho biết trước đó vài ngày có người đàn ông da trắng lái ôtô màu nâu vàng nhạt bám theo lũ trẻ. Người dân cùng cảnh sát ráo riết tìm kiếm Danny Eberle. Ba ngày sau, xác cậu bé được tìm thấy cách chiếc xe đạp bốn dặm, sát đoạn đường cụt vắng vẻ.

Danny Eberle bị cứa cổ và đâm 11 nhát, ngực bị khoét nhiều đường tạo thành hình ngôi sao đè lên vết cắn, tương tự Ricky Stetson. Thi thể chỉ mặc quần lót nhưng không có dấu hiệu xâm hại tình dục. Kẻ giết người dùng băng dính dán miệng và buộc tay nạn nhân.

Phần cổ chân bị trói bằng đoạn dây rất đặc biệt, vỏ ngoài là nilon trắng thông thường, nhưng phần lõi là 24 loại sợi với 106 màu khác nhau, bao gồm các chất liệu nilon, polyetylen, acrylic, len, cotton, rayon... Đoạn dây được gửi tới Viện Dây thừng Quốc gia nhưng không xác định được nguồn gốc nhà sản xuất tại Mỹ.

Sợi dây thừng đặc biệt dùng để trói chân nạn nhân.

Sợi dây thừng đặc biệt dùng để trói chân nạn nhân.

Vụ việc khiến cư dân thành phố hoang mang. Nhưng bất chấp sự đề phòng của mọi người, kẻ giết người tiếp tục ra tay vào hơn hai tháng sau.

Ngày 2/12/1983, Christopher Walden, 12 tuổi, bị bắt cóc khi đang trên đường tới trường. Ba ngày sau, người dân tìm thấy thi thể cậu bé cũng tại khu vực tìm thấy xác Danny Eberle. Cậu bị đâm nhiều nhát, trên người khoét hình ngôi sao. Cảnh sát thấy hai ấu chân khác nhau dẫn tới nơi vứt xác nhưng chỉ có một dấu quay ra, chứng tỏ hung thủ không có đồng phạm.

Nhân chứng trông thấy Christopher Walden vào xe cùng với người đàn ông da trắng trẻ tuổi. Từ mô tả của nhân chứng, họa sĩ vẽ lại chân dung hung thủ, gửi đi đăng báo và đài truyền hình.

Chuyên gia phân tích hành vi của FBI mô tả nghi phạm là người da trắng, khoảng 20 tuổi. Xác bị vứt ở nơi dễ tìm thấy, chứng tỏ hung thủ có vóc người nhỏ, không đủ khỏe để mang đi xa, hoặc đã hoảng sợ do không am hiểu địa lý khu vực. Hành vi tội phạm được suy tính trước nhưng chưa có quyết tâm làm tới cùng, thể hiện qua việc không xảy ra xâm hại.

Nhiều khả năng kẻ gây án bị ảo tưởng thôi thúc nhưng chưa nhiều kinh nghiệm giết người. Hắn có thể còn độc thân, tâm lý không ổn định, giận dữ với xu hướng đồng tính của bản thân, có điều kiện tiếp xúc trẻ em trong công việc, như huấn luyện viên thể thao hoặc hướng đạo sinh. Tên giết người dùng dao phá hủy vết cắn, có thể là kẻ đọc nhiều tạp chí cảnh sát và thám tử, vì các ấn phẩm này khi đó thường bàn về kỹ thuật định danh qua vết cắn.

Ngày 11/1/1984, khi kẻ giết người vẫn lộng hành, một giáo viên mầm non trông thấy thanh niên có gương mặt giống mô tả của cảnh sát lái chiếc xe màu nâu đậm lượn lờ quanh trường. Sinh nghi, cô giáo ghi lại biển số xe ra giấy. Thấy vậy, người này ập vào lớp học, rút dao dọa giết nếu không nộp tờ giấy. Anh ta bỏ chạy khi cô giáo thoát được tới nhà dân.

Cảnh sát lần theo biển số, phát hiện đây là xe thuê. Người thuê là John Joubert, 20 tuổi, binh sĩ đóng quân tại căn cứ không quân Offutt. Anh có vóc dáng nhỏ thó, đảm nhiệm vị trí "Huynh trưởng" tại hội hướng đạo địa phương, hay tiếp xúc với trẻ em. Đặc biệt, John Joubert từng sống tại thành phố Portland, Maine vào thời điểm Ricky Stetson bị giết hại.

Ảnh chụp John Joubert khi bị bắt.

John Joubert khi bị bắt.

Tại tủ đồ cá nhân, cảnh sát tìm thấy nhiều tờ tạp chí thám tử. Trên chiếc xe hơi màu nâu vàng nhạt của John Joubert, ngoài con dao và cuộn băng dính, điều tra viên còn tìm được một sợi tóc màu nâu. Kết quả đối chiếu cho thấy sợi tóc trùng khớp với Danny Eberle.

Có lẽ bằng chứng kết tội quan trọng nhất là sợi dây thừng trên xe. Vỏ ngoài và phần lõi giống hệt với sợi dây dùng để trói chân Danny Eberle. John Joubert không ngờ tới độ hiếm của sợi dây được tặng từ nhiều năm trước.

Đối diện với nhiều bằng chứng không thể chối cãi, John Joubert nhận tội giết người, khai chi tiết. Khi được hỏi có thù ghét các nạn nhân, John Joubert trả lời "không" và thậm chí còn không quen.

Ngày 12/1/1984, John Joubert bị truy tố về tội giết người. Tại bang Nebraska, John Joubert bị tuyên án tử hình cho cái chết của hai bé trai Danny Eberle và Christopher Walden. Tại bang Maine, John Joubert bị tuyên án chung thân cho cái chết của Ricky Stetson.

Theo Press Herald, vào năm 1995, John Joubert đệ đơn lên tòa, lập luận rằng bản án tử hình bằng ghế điện là hình phạt tàn bạo và khác thường, không hợp hiến pháp Mỹ. Tòa án sơ thẩm đồng ý với yêu cầu của John Joubert, theo đó hủy án tử hình. Quyết định này sau đó bị Tòa liên bang hủy bỏ.

Án tử hình được thực thi vào ngày 17/7/1996.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ