Vụ mất tích bí ẩn
Ông Nguyễn Việt Cường, giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Quy Nhơn cũng là ông chủ của Khách sạn Tân Yến ở số 22, đường Chương Dương, TP Quy Nhơn. Nhân viên làm việc tại khách sạn đều là người quen thân nên ông cho họ ăn ở tại khách sạn và coi như người trong gia đình.
Chiều ngày 11/11/2011, như thường lệ, cô nhân viên Nguyễn Linh Tâm được giao nhiệm vụ đi đón con ông Cường là cháu Nguyễn Việt Dũng, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Ngô Mây (TP Quy Nhơn).
Thế nhưng hôm đó, Đặng Văn Cửu, sinh viên Trường Đại học Quy Nhơn được ông Cường thuê làm nhân viên lễ tân tại khách sạn, lại mượn xe máy của Tâm để đi mua sim điện thoại. Gần đến giờ Dũng tan học mà vẫn không thấy Cửu về, chị Tâm bèn nhắn tin nhờ Cửu đi đón cháu ở Trường Tiểu học Ngô Mây.
Khoảng 18 giờ cùng ngày, Cửu về khách sạn và nói với ông Cường là đi đón cháu Dũng nhưng không gặp. Ông Cường hốt hoảng gọi điện, đi tìm con khắp nơi nhưng không thấy.
Lúc này, cả gia đình ông Cường như ngồi trên đống lửa. Cháu Dũng mới có 8 tuổi, thường tan học là có người nhà đến đón ngay. Lần này xảy ra cơ sự... liệu có phải cháu bị bắt cóc không? Ông Cường vội vã đến cơ quan công an trình báo sự việc.
Nhận được tin trình báo của gia đình ông Cường về việc cháu Dũng mất tích một cách bí ẩn, các chiến sĩ Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Bình Định nhanh chóng vào cuộc. Nhiều mũi trinh sát khẩn trương rà soát khu vực xung quanh Trường Tiểu học Ngô Mây.
Nhóm khác rà soát dọc tuyến phố. Thế nhưng, tung tích cháu Dũng và các manh mối như bị che lấp bởi lớp sương mù dày đặc.
Song song với đó, các điều tra viên cũng điều tra những đối tượng nghi vấn và những người làm việc trong khách sạn. Đối tượng đầu tiên được cơ quan chức năng triệu tập lấy lời khai là Đặng Văn Cửu, người được nhờ đi đón cháu Dũng.
Tại cơ quan điều tra, Cửu tỏ ra rất bình tĩnh, khai báo rất trơn tru, thành khẩn. Cửu khai, sau khi nhận được tin nhắn của chị Tâm nhờ đi đón Dũng, hắn đến cổng trường chờ một lúc nhưng không gặp.
Nghĩ rằng bố mẹ cháu đã đón nên Cửu đi mua sim điện thoại và ghé qua nhà bạn là Trần Hữu Việt chơi. Khi quay lại khách sạn mới biết cháu Dũng chưa về. Ngay sau đó, Cửu cùng ông Cường đến Công an phường Ngô Mây trình báo.
Trong lúc còn bộn bề với những nghi vấn, phán đoán, cơ quan điều tra nhận được tin báo của ông Cường rằng có tin nhắn gửi đến điện thoại của ông. Nội dung tin nhắn đe dọa gia đình về sự an nguy của cháu Dũng. Ngay lập tức, một tổ trinh sát được giao truy tìm nguồn gốc số điện thoại và tung tích kẻ đã nhắn tin cho ông Cường.
Giả thiết đưa ra lúc này là cháu bé bị bắt cóc, tống tiền. Và nhiệm vụ lúc này là khẩn trương truy tìm đối tượng, giải thoát cho cháu Dũng. Nhiều mũi điều tra tỏa đi các hướng, xác minh tất cả các mối quan hệ được cho là có liên quan đến vụ việc. Nhưng đối tượng và tung tích cháu Dũng vẫn như “bóng chim, tăm cá”.
“Nuôi ong tay áo”
Ban chuyên án đã họp khẩn nhiều lần, phân tích, nhận định và loại trừ dần các đối tượng tình nghi. Cuối cùng, đã đưa ra nhận định, khả năng cao nhất vẫn tập trung vào nghi can Đặng Văn Cửu.
Từ nhận định ấy, các điều tra viên đã tập trung khai thác thông tin nhân thân của Cửu. Những điều tra viên dày dạn kinh nghiệm trực tiếp đấu tranh lấy lời khai của Cửu. Nhiều tình tiết quan trọng dần hé mở qua những lời khai bất nhất của hắn.
Một mũi trinh sát đã đến Trường Đại học Quy Nhơn để điều tra. Thông tin thu được cho thấy Cửu là sinh viên đua đòi, ham chơi cờ bạc và nợ nhiều môn học. Các trinh sát cũng đã đến nhà Trần Hữu Việt, người bạn mà Cửu khai đã ghé chơi chiều hôm cháu Dũng mất tích. Việt cho biết, chiều 11/11/2011 Cửu có ghé qua nhà chơi và mượn điện thoại của Việt để nhắn tin, hay gọi điện cho ai đó.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các điều tra viên vừa cương quyết đấu tranh, vừa động viên đối tượng thành khẩn khai báo để nhận sự khoan hồng của pháp luật. Sau hai ngày, Cửu đã khai nhận những việc làm “trời không dung, đất không tha” của mình.
Hắn khai, ông Cường đã ly hôn vợ, thấy Cửu là sinh viên sống xa nhà nên tạo điều kiện cho hắn làm nhân viên lễ tân và cho ăn, ở ngay tại khách sạn, với mức lương 500.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, trong thời gian làm việc tại đây, hắn bị thầy giáo và cũng là ông chủ mắng chửi là “ngu như bò” nên rất bực tức.
Khoảng thời gian trước khi xảy ra vụ việc, Cửu thi lại thiếu điểm nhiều môn. Hắn định nhờ thầy giáo giúp đỡ nhưng bị từ chối và còn hăm dọa không cho thi tốt nghiệp nên Cửu nuôi ý định trả thù.
Vào khoảng 16 giờ 30 phút ngày 11/11/2011, Cửu mượn xe máy của chị Nguyễn Linh Tâm, nhân viên Khách sạn Tân Yến đến đường Nguyễn Thái Học mua thêm sim điện thoại để sử dụng. Vừa mua xong Cửu nhận tin nhắn của chị Tâm nhờ đón cháu Dũng tại Trường Tiểu học Ngô Mây (TP Quy Nhơn).
Cho đây là thời cơ để trả thù ông Cường nên Cửu đến nhà số 10 đường Nguyễn Văn Trỗi, nơi Trần Hữu Việt, bạn của Cửu đang ở trọ lấy dây cao su dài 2,94 mét cắt làm hai đoạn và một đôi găng tay bằng len rồi đến trước cổng Trường Tiểu học Ngô Mây chờ cháu Dũng.
Sau khi đón được Dũng, Cửu đưa cháu lên Khu du lịch Ghềnh Ráng, thuộc phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn. Sau đó, hắn tìm nơi vắng vẻ, trói tay, chân và nhét găng tay vào miệng cháu Dũng.
Khi cháu Dũng la khóc, chống trả, Cửu đánh vào mặt, đẩy mạnh đầu cháu vào tảng đá gây chảy máu... Đúng lúc đó, Cửu nghe chị Tâm gọi điện thoại giục sao không thấy đón cháu Dũng về, hắn trả lời đã có ai đó đón rồi.
Cháu Dũng thấy vậy bung được dây trói chạy trốn. Cửu bắt cháu lại rồi lấy đá đập vào đầu, sau đó hất cháu Dũng xuống một hố sâu ven bờ biển khiến nạn nhân tử vong.
Gây án xong, Cửu về nhà trọ của Việt mượn điện thoại, lắp sim mới mua vào, nhắn tin đe dọa ông Cường. Nhắn tin xong, Cửu trở về Khách sạn Tân Yến nói với ông Cường đi đón cháu Dũng nhưng không gặp và cùng ông đến Công an phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn báo tin cháu Dũng mất tích như chưa có chuyện gì xảy ra.
Con đường sa ngã
Đặng Văn Cửu (SN 1989), trú quán ở xã Ia Yok, Ia Grai, Gia Lai là sinh viên năm thứ 4, Khoa Kinh tế và Kế toán, Trường Đại học Quy Nhơn. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có bốn anh chị em, thương Cửu là con út, lại đi học đại học nên bố mẹ hắn luôn cố gắng chắt bóp lo cho con đầy đủ.
Thế nhưng, Cửu ham chơi, ham cờ bạc, cá độ hơn tu chí học hành. Trước khi xảy ra vụ án, Cửu thi hết môn bị thiếu điểm, có khả năng còn không được thi tốt nghiệp. Cửu còn chơi cá độ bóng đá và đang nợ 41 triệu đồng.
Năm 2010, Cửu cũng đã về nhà xin cha mẹ 60 triệu đồng để trả nợ tiền cá độ bóng đá. Gia đình Cửu đã cho tiền để Cửu trả hết nợ. Sau sự việc này, hắn tỏ vẻ hối hận, hứa sẽ tu chí học hành và làm lại từ đầu. Không ngờ, tất cả những tin yêu và hy vọng của gia đình, thầy cô, bạn bè dành cho Cửu đã không thành. Cửu vẫn “chứng nào tật nấy”...
Thầy Hoàng Văn Ánh, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường Đại học Quy Nhơn cho biết, trong quá trình học tại trường, Cửu thường xuyên bỏ tiết, trốn học.
Tính đến thời điểm gây án, Cửu đã bị trễ tiến độ học tập hai năm so với những sinh viên nhập học cùng khóa. Do thiếu điểm nhiều môn nên đối tượng này bị rớt từ khóa 30 xuống khóa 31 rồi tiếp tục rơi xuống khóa 32 và có nguy cơ không được thi tốt nghiệp.
Khi nghe tin Cửu gây án, các thầy cô đều bất ngờ vì em chưa từng gây gổ, đánh nhau hay gây mất trật tự trong trường như một số sinh viên khác. Ngoài việc bị “ở lại lớp”, Cửu không có biểu hiện nào bất thường khác và chưa từng bị kỷ luật.
Về phía gia đình cũng rất bất ngờ khi biết thông tin Cửu đã bắt cóc và giết cháu Dũng. Ông Đặng Văn Sóng, cha của Cửu, là bộ đội xuất ngũ, sau đó làm công nhân tại Nông trường cà phê Iasao. Mẹ Cửu là bà Nguyễn Thị Quý cũng làm công nhân tại Nông trường cà phê Iasao. Hai ông bà đều nghỉ hưu từ năm 2007.
“Thương con, tôi đã cho tiền trả hết nợ. Những tưởng con sẽ thương lại mình mà tu chí học hành, không ngờ nó vẫn tiếp tục con đường cũ”, ông Sóng nói.
Bà Quý thì nghẹn ngào: “Cả nhà tôi bàng hoàng khi nhận được tin cháu nó phạm tội tày trời như vậy. Từ nhỏ đến lớn, Cửu luôn hiền lành, ngoan ngoãn. Ai ngờ…”. Bà cho biết, ngày 1/11/2011, Cửu có về nhà ăn giỗ. Thấy nét mặt con trai út lầm lì, ít nói, bà gặng hỏi thì Cửu nói vừa bị “rớt” thêm một năm nữa.
Ngay cả chị Nguyễn Linh Tâm, nhân viên Khách sạn Tân Yến, cũng khẳng định trong quá trình làm việc, Cửu rất hiền lành và luôn được mọi người tin tưởng. Anh Nguyễn Việt Cường luôn xem Cửu như em trong nhà. Chị Tâm cho biết thêm: “Hàng ngày, Cửu vẫn thường dùng xe máy của tôi đi lại. Chị em làm việc luôn tin tưởng nhau vậy mà không ngờ kẻ ra tay sát hại cháu mình lại là Cửu”!
Ngày 27/2/2012, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định đã mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Đặng Văn Cửu về tội giết người. Tại phiên tòa, bị cáo Đặng Văn Cửu đã khai nhận hành vi phạm tội như cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định truy tố.
Trước tòa, người đàn ông vừa mất đi đứa con nhỏ mặc dù rất đau đớn nhưng cũng đã đứng ra xin giảm nhẹ hình phạt cho gã sinh viên sa ngã... Tòa đã tuyên phạt Đặng Văn Cửu án chung thân về tội “giết người” theo Khoản 1, Điều 93, Bộ luật Hình sự. Đồng thời, tuyên buộc bị cáo bồi thường cho gia đình bị hại số tiền gần 110 triệu đồng.
Vì đam mê cờ bạc, khiến nợ nần chồng chất, học hành sa sút và sự tự ái quá cao mà Cửu từ một sinh viên có cuộc đời, tương lai tươi sáng đã khép lại bằng bản án chung thân.
Trước vành móng ngựa, Cửu cúi đầu ân hận khi nghe đọc cáo trạng. Thế nhưng, sự ân hận ấy đã quá muộn màng, hắn phải trả giá cho tội ác đã gây ra. Cửu có cả cuộc đời còn lại sau song sắt để suy ngẫm về những điều đó.