Vệ sinh môi trường và các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết

GD&TĐ - Dịch sốt xuất huyết tại TP Hà Nội vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng cao so với cùng kỳ năm 2021.

Các địa phương ở Hà Nội tăng cường các biện pháp phòng dịch sốt xuất huyết.
Các địa phương ở Hà Nội tăng cường các biện pháp phòng dịch sốt xuất huyết.

Trong bối cảnh này, các khu vực trên địa bàn thành phố đã đẩy mạnh biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức người dân.

Ẩn họa từ sốt xuất huyết

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận trên 4.700 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,8 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021), 5 ca tử vong.

Sốt xuất huyết dengue do 4 tuýp huyết thanh của virus dengue gây ra. Virus gây bệnh sốt xuất huyết Dengue có 4 loại tương ứng với 4 tuýp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội, tuýp virus Dengue lưu hành được xác định là DEN-1, DEN-2 và DEN-4.

Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cảnh báo, 2022 là năm chu kỳ bùng phát dịch sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, các cơn bão có thể kéo dài trong tháng 10, 11, 12, lượng mưa lớn. Do đó, bệnh sốt xuất huyết cũng sẽ kéo dài theo. Thậm chí, dịch bệnh có thể không chỉ đạt đỉnh vào tháng 10 như mọi năm, mà còn vào giữa tháng 10 và 11.

Theo BSCKI Trương Trọng Tuấn - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, thời gian hồi phục sau mắc sốt xuất huyết sẽ tùy vào cách chăm sóc bệnh nhân và thể trạng của mỗi người. Sau sốt xuất huyết, bệnh nhân cần được chăm sóc cẩn thận để cơ thể nhanh phục hồi, tránh biến chứng nguy hiểm. Điều quan trọng là ăn uống điều độ và bổ dưỡng.

Trong giai đoạn hồi phục, người bệnh cần bổ sung đủ vitamin cần thiết, protein và khoáng chất cho cơ thể phục hồi nhanh hơn. Nên tránh đồ ăn nhiều dầu mỡ và đồ ăn vặt, gây ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa. Đồng thời, cần uống đủ nước, có thể uống thêm nước trái cây.

Người bệnh được khuyến cáo uống nước cam có nhiều vitamin C và hỗ trợ hấp thu sắt. Ngoài ra, có thể uống nước dừa, giúp quá trình hạ sốt tốt hơn.

Tăng cường các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết

Trước tình hình gia tăng của các ca sốt xuất huyết trong những tháng cuối năm 2022, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết, điển hình như: Huy động sự phối hợp tham gia của các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế trong triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy;

Giám sát chặt chẽ và xử lý triệt để các ổ dịch tại địa phương; tăng cường truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt chú ý tới các biện pháp vệ sinh môi trường, giám sát, thu dọn dụng cụ chứa nước, các vật dụng phế thải chứa nước đọng, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt….

Các địa phương ở Hà Nội tăng cường các biện pháp phòng dịch sốt xuất huyết.
Các địa phương ở Hà Nội tăng cường các biện pháp phòng dịch sốt xuất huyết.

Tại Hà Nội, thực hiện các chỉ đạo của Bộ Y tế và để hạn chế đến mức thấp nhất dịch bùng phát trên địa bàn, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu CDC thành phố bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tại các quận, huyện, thị xã. Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế, đội xung kích kỹ năng giám sát dịch bệnh, hướng dẫn vệ sinh môi trường, bảo đảm phun hóa chất đúng kỹ thuật...

Đối với các bệnh viện, cần tổ chức tốt việc phân luồng, thu dung, cấp cứu, điều trị. Tránh tình trạng bệnh nhân không được cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời.

Một số biện pháp vệ sinh hữu hiệu để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh sốt xuất huyết được khuyến cáo như sau:

1. Loại bỏ những vật dụng gây đọng nước khi không còn sử dụng. Trong trường hợp có thùng và xô chưa dùng đến, hãy lật úp chúng để đảm bảo không có nước dư thừa.

2. Không để được tồn đọng nước ở bất cứ nơi nào quanh nhà hoặc trồng cây trong chậu hoặc bình có chứa nước. Đó là môi trường lý tưởng sinh sản muỗi và, rất có thể là một ổ dịch Dengue.

3. Sử dụng chất chống côn trùng và chống muỗi.

4. Lắp đặt lưới chống muỗi vào các ô thoáng, cửa sổ và cửa ra vào. Điều này có khả năng ngăn muỗi hiệu quả và phần nào hạn chế được thời gian phun thuốc chống côn trùng và chống muỗi.

5. Cẩn thận với bệnh nhân sốt xuất huyết. Nếu trong gia đình có người thân mắc bệnh sốt xuất huyết, hãy chăm sóc một cách đặc biệt và cố gắng cách li một cách triệt để người bệnh với các thành viên còn lại tránh để muỗi không có điều kiện lây truyền bệnh.

6. Luôn ngủ màn ngay cả vào ban ngày và ban đêm để ngăn ngừa muỗi đốt.

7. Nếu đặt thùng rác trong nhà, điều quan trọng bạn luôn phải ghi nhớ là phải che đậy bằng nắp thùng thật kỹ sau mỗi lần sử dụng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ