Vệ sinh học đường: Công trình phụ không còn là chuyện phụ

Vệ sinh học đường: Công trình phụ không còn là chuyện phụ

(GD&TĐ) - Trước thềm năm học mới, Đà Nẵng đã đưa vào sử dụng 10 công trình vệ sinh được xây dựng theo hướng hiện đại, có cả nhà vệ sinh dành cho người khuyết tật. Nằm trong gói đầu tư gần 50 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của TP, trong năm 2013 này, sẽ có 62 trường được xây dựng mới hoặc cải tạo công trình nhà vệ sinh. Song song với việc đầu tư xây dựng, ngành GD&ĐT còn mở chiến dịch truyền thông về vệ sinh nước sạch và vệ sinh môi trường cho CB,GV và HS. Đà Nẵng quyết tâm giải quyết tốt công tác vệ sinh học đường để HS không còn tình trạng phải nhịn tiểu vì nhà vệ sinh hôi hám, nhếch nhác. 

Quan trọng như việc dạy - học

Khu nhà vệ sinh cũ đã xuống cấp tại Trường Tiểu học Ngô Mây
Khu nhà vệ sinh cũ đã xuống cấp tại Trường Tiểu học Ngô Mây
 

Bắt đầu từ năm học 2013 - 2014 này, HS của Trường Tiểu học Ngô Mây (Q. Sơn Trà) không phải đội mưa lúp xúp chạy ra nhà vệ sinh nữa. Vốn trước đây, nhà trường có một khu vệ sinh dùng chung cho hai dãy phòng học. Trời nắng thì không sao, nhưng những lúc trời mưa to thì HS buộc phải đội mưa đi vệ sinh hoặc chọn giải pháp nín nhịn nếu không muốn bị ướt. Chưa kể, nhà vệ sinh của trường đã xuống cấp và khá tối, đứng từ xa cũng đã nghe mùi bốc lên nồng nặc. Trường Ngô Mây được đầu tư xây mới một khu vệ sinh 2 tầng với kinh phí xây dựng khoảng 600 triệu đồng, giúp HS nhà trường giải quyết được “nỗi buồn khó nói”. Thầy Nguyễn Viết Lượng cho biết, khi xây mới thêm dãy nhà 8 phòng học, sẽ có thêm một khu vệ sinh nữa. 

Thầy Trần Tám - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bạch Đằng (Q.Hải Châu) cho biết: “Công trình vệ sinh trước đây của nhà trường chật hẹp, được xây dựng trên 20 năm nên hệ thống thoát kém, luôn có mùi hôi, thậm chí mùi hôi còn tỏa vào tận các phòng học cho dù luôn được dọn sạch sẽ”. Cải tạo hoặc xây dựng mới nhà vệ sinh là bài toán khó của nhà trường vì kinh phí eo hẹp.

Thế nên, cứ như thầy Tám nói, vừa được cải tạo, vừa xây dựng mới công trình nhà vệ sinh 3 tầng với mức kinh phí trên dưới 1 tỷ đồng thế này thì “có nằm mơ cũng không thấy”. Khu vệ sinh cũ được sơn sửa lại toàn bộ, lát lại nền, ốp tường, bổ sung và thay thế các thiết bị vệ sinh; sửa chữa lại hệ thống điện nước, cửa, trần.

Khu xây mới bao gồm 3 tầng, trong đó khối vệ sinh 1 tầng được thiết kế xây độc lập, còn lại các khối 2 tầng, 3 tầng được thiết kế xây bên cạnh các khối lớp học và có hành lang nối để thuận tiện sử dụng. Kết cấu các khối nhà móng, khung, sàn bê-tông cốt thép, có mái chống bão; tường xây gạch, trát vữa, lăn sơn; lát gạch nền chống trượt, ốp tường ceramic; hệ thống hầm tự hoại, cấp thoát nước, cấp điện; vách ngăn và thiết bị vệ sinh kèm theo. Đặc biệt, ở mỗi tầng, đều có phòng vệ sinh riêng dành cho người khuyết tật. 

Mặc dù một vài trường vẫn còn thiếu phòng học, phải sử dụng phòng hội đồng hoặc phòng chức năng để làm phòng học, thế nhưng, Đà Nẵng vẫn “mạnh tay” đầu tư một khoản tiền không nhỏ để hoàn thiện hệ thống nhà vệ sinh tại các trường học.

Một cán bộ Sở GD&ĐT cho biết, nếu cứ theo quan điểm phải ưu tiên đầu tư cho phòng học - phòng bộ môn trước, thì câu chuyện thiếu nhà vệ sinh, hoặc nhà vệ sinh xuống cấp, HS vừa đi vệ sinh vừa bịt mũi sẽ không bao giờ chấm dứt. Còn thầy giáo Đặng Nhứt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (Q.Hải Châu) thì cho rằng: Nhà vệ sinh trong trường học không hề là một công trình phụ, thậm chí, nó còn quan trọng ngang bằng với CSVC phục vụ dạy - học, bởi nếu không được đầu tư và quan tâm đúng mức sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của HS. Đó là chưa kể, nếu công tác vệ sinh không được đảm bảo thì môi trường xung quanh lớp học sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. 

Nhà vệ sinh mới được xây dựng tại Trường Tiểu học Bạch Đằng
Nhà vệ sinh mới được xây dựng tại Trường Tiểu học Bạch Đằng
 

Ưu tiên cho HS lớp Một

Trường Tiểu học Trần Văn Ơn có một khu vệ sinh dành riêng cho HS lớp Một với khoảng 20 bộ áo quần đủ các kích cỡ để dự phòng. Trước khu vực nhà vệ sinh lớp Một, luôn luôn có nhân viên túc trực. Ngoài nhiệm vụ làm công tác vệ sinh, nhân viên này còn kiêm luôn việc giúp đỡ HS trong lúc đi vệ sinh. Thầy Đặng Nhứt - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhiều em HS lớp Một vẫn chưa thể tự đi vệ sinh được hoặc không tự lau chùi được, vệ sinh không sạch hoặc bị té ngã, ướt…

Trước đây, khi không có nhân viên hỗ trợ, thường thì GV chủ nhiệm phải gọi điện cho phụ huynh đem quần áo đến trường thay cho con, cô giáo cũng phải bỏ lớp để làm vệ sinh cho những em này. Nhân viên túc trực ở đây sẽ đảm bảo cho các em được an toàn”. Bệ ngồi của HS lớp Một cũng được chọn kích cỡ nhỏ hơn. Theo như giải thích của thầy Nhứt, nếu gắn bệ ngồi của người lớn, thì khi ngồi, các em sẽ bị hổng chân, vừa không thoải mái vừa an toàn do dễ bị trượt trong khi cơ phát triển chưa vững, độ phản xạ chưa cao. 

Việc đầu tư xây dựng nhà vệ sinh đúng tiêu chuẩn ở môi trường giáo dục đông người, cần sự chuẩn mực đã được Đà Nẵng quan tâm đúng mức. Vấn đề còn lại là đảm bảo nhà vệ sinh phải luôn được sạch sẽ, thông thoáng để HS không phải âm thầm nín nhịn chờ tan buổi học mới về nhà “giải quyết”.

Như kết quả kiểm tra chuyên đề quản lý và sử dụng nhà vệ sinh, quang cảnh sư phạm và căng tin trường học năm học 2012 - 2013 của Phòng GD&ĐT Thanh Khê (Đà Nẵng) cho thấy, vẫn “còn một số nhân viên làm công tác vệ sinh chưa nắm chắc quy trình dọn dẹp vệ sinh hoặc vệ sinh thiếu chu đáo. Đa số nắp hố ga các nhà vệ sinh đều mất, hỏng hoặc không đặt đúng vị trí kể cả các trường mới được đầu tư xây dựng; hệ thống thiết bị nhà vệ sinh các trường học bị hư, hỏng nhiều; tại một số trường, học sinh còn vứt rác bừa bãi”.

Hà Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.