Làng giáo viên Quảng Đức (Cam Hiệp Nam, Cam Lâm, Khánh Hòa) |
“Thung lũng sư phạm” Quảng Đức
Làng văn hóa Quảng Đức (Cam Hiệp Nam, Cam Lâm, Khánh Hòa) từ lâu đã được mệnh danh là “làng giáo viên”, “thung lũng sư phạm”, “làng dạy học”…vì nơi đây có đến nửa số hộ là giáo viên.
Ông Nguyễn Đình Cần cho biết, vào năm 1973 – 1974, do cuộc sống quá khó khăn nên có khoảng 300 hộ dân ở Triệu Phong (Quảng Trị) đã tìm vào vùng đất này định cư. Trong đó có 17 người đã từng là giáo viên khi còn ở quê nhà.
Vào vùng đất mới với nhiều khó khăn, nhưng các hộ dân quyết không để cho con em mình thất học. Mọi người đã cùng nhau lập nên ngôi trường đầu tiên là trường Tiểu học Cam Hiệp Nam ngày nay.
Đến Quảng Đức, rất dễ thấy những hình ảnh học sinh ngồi học ở mọi nơi |
Có trường, có lớp. Thầy và trò bắt đầu gây dựng sự nghiệp trồng người. 17 giáo viên năm nào từng giảng dạy tại vùng đất khói lửa Quảng Trị nay lại được đứng lớp. Và bằng tình thương yêu, sự tận tâm với nghề, các thầy cô giáo đã gieo vào lòng thế hệ con cháu không chỉ qua những bài học trong sách vở mà còn là bài học về tình yêu nghề giáo viên. Để rồi, các thế hệ cứ thế nối tiếp nhau theo cái nghề cao cả này. Đến nay, một nửa số hộ của làng Quảng Đức là giáo viên.
Ở “làng giáo viên”, có nhiều gia đình cả 3 thế hệ theo một nghề, nhiều gia đình bố mẹ, con cái dâu rể, cháu chắt đều là giáo viên. Những gia đình “kỷ lục” về giáo viên có thể nói đến như gia đình ông Trần Minh Hải có 7 người, gia đình ông Nguyễn Đức Thương có 6 người, gia đình ông Đỗ Hoằng có 6 người…
Ông Trần Minh Hải, năm nay đã 73 tuổi, cho biết: “Những ngày đầu mới vào vùng đất mới, cuộc sống còn nhiều khó khăn lắm, thời ấy ăn ngô, ăn sắn là chuyện thường. Nhưng việc dạy và học của người dân nơi đây khi nào cũng sôi nổi. Học sinh của làng tham gia các kỳ thi đều dành được giải”.
GV làng Quảng Đức trong một buổi dạy học ở trường tiểu học Cam Hiệp Nam |
Tiếng kẻng học bài
Ông Cần cho biết: “Mỗi ngày ở làng sẽ có hai lần đánh kẻng để thúc giục các cháu học bài. Buổi sáng sớm là vào lúc 4 giờ 30, lúc này các cháu vừa dậy học bài, các cụ cao tuổi cũng dậy tập thể dục rèn luyện sức khỏe. Còn buổi tối là vào lúc 7 giờ. Đến giờ học là tất cả các cháu đều tự giác về nhà học bài, không được lang thang ngoài đường”.
Nhằm khuyến khích phong trào học tập của con em, trong làng còn thành lập tổ khuyến học Lê Đình để hàng năm khen thưởng, động viên các học sinh có thành tích xuất sắc. Bên cạnh đó, còn có quỹ cho mượn không lấy lãi để giúp đỡ những em thuộc gia đình nghèo khó theo học đến cùng.
Ông Nguyễn Đình Cần, Chủ nhiệm làng văn hóa Quảng Đức nói: “Đói cơm thì ăn khoai chứ đói chữ thì người dân ở đây không chịu được” |
Đến Quảng Đức, không khó để gặp những trường hợp như hoàn cảnh của chị Phan Thị Lan Chi. Chị Chi có 4 người con, chồng lại mất. Một mình mưu sinh lo cho cuộc sống 5 mẹ con, nhưng cả 4 người con của chị đều có thành tích học tập tốt. Người con cả là Chế Thị Hiếu, năm nay lên lớp 11 và năm học nào cũng đạt học sinh khá, giỏi.
Chị Phan Thị Lộc, không có chồng, nhưng nuôi 7 người con ăn học thành tài. Hiện có 4 người con theo nghề giáo viên, 2 người tốt nghiệp Luật và 1 là kỹ sư đang làm việc trong Thành Phố Hồ Chí Minh.
Chính vì đẩy mạnh công tác chăm lo, quan tâm đến việc học của con em mà năm nào làng cũng có học sinh thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đằng trên cả nước. Năm nay, làng Quảng Đức có 12 em đi thi. Có 4 em đỗ Đại học, 8 em đỗ vào các trường Cao đẳng và trường nghề. “Hầu như không có năm nào các cháu đi thi mà về không”, ông Cần tự hào nói.
Nguyễn Khánh