Về nơi vùng cao biên giới nhiều năm không có người sinh con thứ 3

GD&TĐ - Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến biến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ) đến từng người dân, mà đến nay xã Nhượng Bạn (Lộc Bình, Lạng Sơn) không có người sinh con thứ ba.

Bà Lý Thị Nhậy (thứ hai từ phải qua trái) cùng con trai và con gái của mình.
Bà Lý Thị Nhậy (thứ hai từ phải qua trái) cùng con trai và con gái của mình.

Dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt

Nhượng Bạn là xã vùng cao biên giới thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Lộc Bình (Lạng Sơn). Trong xã có đến 99% số hộ là đồng bào dân tộc Sán Chỉ, tỷ lệ hộ nghèo còn tới 47%; song nhận thức về công tác dân số/KHHGĐ của người dân khá cao.

Theo ông Lâm Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Nhượng Bạn, thống kê của Ban Dân số Gia đình và Trẻ em của xã cho thấy, tỷ lệ phụ nữ từ 15 - 49 tuổi có chồng áp dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) đã đạt trên 90%.

Hiện nay, người dân trong xã được tiếp các chính sách về dân số, kế hoạch hóa gia đình qua nhiều kênh thông tin, trong đó có các chiến dịch do ngành dân số tổ chức mang lại hiệu quả tốt nhất.

Phó Chủ tịch UBND xã Nhượng Bạn cho biết: Với các chiến dịch này, người dân không chỉ được “nghe” cán bộ nói, được chăm sóc sức khỏe sinh sản miễn phí, mà còn được lựa chọn các biện pháp KHHGĐ tùy theo sở thích và điều kiện của bản thân và gia đình mình.

Anh Lý Văn Dũng sinh năm 1985 (dân tộc Sán Chỉ), thôn Hán Sài hiện đã có hai con gái nhưng anh vẫn quyết định dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt. Anh cho biết: Sau khi sinh con thứ hai, hiện vợ chồng anh quyết định sử dụng biện tránh thai là dùng bao cao su.

"Chúng tôi thường xuyên được cán bộ dân tuyên truyền về các biện pháp tránh thai để không bị vỡ kế hoạch. Song điều mà người dân chúng tôi nhận thức được rằng, sinh con trai, hay con gái giờ không còn là vấn đề quan trọng. Quan trọng là nuôi dạy chúng nên người để không bị thất học như bố mẹ của chúng" - Anh Dũng chia sẻ.

Qua tiếp xúc và trò chuyện với người dân, chúng tôi nhận thấy, quan niệm về hạnh phúc gia đình, về các giải pháp thoát nghèo không thể tách rời công tác dân số.

Bà Lý Thị Nhậy - 55 tuổi ở thôn Nà Mò cho biết, bà sinh được 5 người con. Trước đây công tác truyền thông và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình chưa phát triển đến vùng sâu, vùng xa này nên hầu hết ở lứa tuổi của bà, gia đình nào cũng bị "vỡ kế hoạch".

"Đông con vất vả mọi bề, trong nhà lúc nào cũng không có tiền. Nghèo túng cứ dai dẳng đeo bám. Cũng vì cảnh nghèo túng mà các con không được ăn học đến nơi đến chốn. Đời chúng tôi đã khổ rồi, không thể để con, cháu phải khổ theo.

Vì vậy, mà tôi đều khuyên các con tôi dừng lại ở hai con để nuôi dạy chúng cho tốt. Hiện 5 đứa con của tôi, trong đó có 3 cháu sinh con một bề 2 con gái nhưng chúng cương quyết không sinh con thứ ba. 

Biết được quyết định này của các con, tôi ủng hộ hoàn toàn. Tôi cũng không nặng nề việc các cháu sinh con trai, hay con gái" - Bà Nhật bộc bạch.

Nhiều giải pháp hữu hiệu

Qua tìm hiểu được biết, hiện nay mô hình gia đình 2 con là phổ biến trong xã và nhiều năm không có tình trạng các cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên. Nhận thức của người dân về dân số, kế hoạch hóa gia đình đã có những chuyển biến rõ nét.

Theo ông Lâm Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Nhượng Bạn, đạt được kết quả trên là do xã đã chú trọng đến công tác truyền thông lồng ghép với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Đây chính là cơ hội để chị em có thể lựa chọn phương tiện tránh thai hiện đại, đơn giản và hiệu quả.

Mặt khác, xã cũng chỉ đạo các thông thành lập đội ngũ cộng tác viên dân số. Các cộng tác viên này hoạt động theo phương châm "vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để tuyên truyền vận động các cặp vợ chồng sinh đẻ có kế hoạch. Trong đó chú trọng đến các cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh đẻ và các cặp vợ chồng sinh con một bề là gái.

Được biệt, hiện nay 100% các thôn trong xã cũng đã xây dựng hương ươc, quy ước về xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, trong đó có tiêu chí về dân số - kế hoạch hóa gia đình. "Với những thôn, bản, gia đình thực hiện nghiêm túc về công tác này, UBND xã sẽ có chính sách biểu dương khen thưởng" - Ông Hùng cho hay.

"Với đồng bào dân tộc, khi nói đến những vấn đề này, họ rất ngại đến nơi đông người. Nắm bắt được tâm lý này, chúng tôi đã chỉ đạo cho các cộng tác viên dân số đến tận nhà, thậm chí là lên nương rẫy cùng bà con miễn sao là trực tiếp gặp gỡ được người dân để truyền thông. 

Cách truyền thông cũng cần được thực hiện tỷ mỷ, ân cần, thủ thỉ dưới dạng tâm tình để bà con dễ cảm thụ, từ đó thực hiện và làm theo"  

Ông Lâm Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Nhượng Bạn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ