"Về nhà đi con" gây kinh ngạc khi góp phần tạo ra “cơn sốt” phim truyền hình Việt

Bộ phim “Về nhà đi con” đang tạo “cơn sốt” trên màn ảnh Việt Nam, nhận được hàng ngàn bình luận và lời khen ngợi của người xem trên mạng xã hội. Trước đó, nhiều bộ phim Việt cũng gây được sức hút, kéo khán giả ngồi trước màn hình, chờ giờ chiếu phim.

"Về nhà đi con" gây kinh ngạc khi góp phần tạo ra “cơn sốt” phim truyền hình Việt

Phim đề tài tình cảm gia đình đang “chiếm sóng”

Về nhà đi con” đang được xem là phim truyền hình Việt Nam “hot” nhất trong thời điểm hiện tại. Độ “hot” của phim lan rộng từ cơ quan, công sở cho đến các khu chợ; từ các bà nội trợ cho đến giới công chức đều không ngớt bàn tán về bộ phim.

Trên mạng xã hội và các trang phim trực tuyến, “Về nhà đi con” nhận được hàng ngàn lời khen ngợi. Bộ phim còn được nhiều người xếp vào Top những bộ phim truyền hình Việt đáng xem nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Dàn diễn viên chính và phụ trong phim cũng rất được quan tâm. Không ít gương mặt trẻ vụt sáng thành “sao”. Độ hot của vai diễn “Vũ sở khanh” khiến ngay người trong cuộc- diễn viên Quốc Trường cũng phải bất ngờ. Mỗi một động thái (dù nhỏ) của các diễn viên trong phim trên mạng xã hội cũng nhận nhiều lượt like, comment của khán giả...

Lý giải về sức hút của bộ phim, nhà biên kịch Nguyễn Thu Thủy cho rằng, điều đầu tiên phải nói đến diễn xuất tự nhiên, nhiều kinh nghiệm của dàn diễn viên gạo cội cũng như những diễn viên trẻ tài năng.

Thứ hai, “Về nhà đi con” là bộ phim đầu tiên có thời lượng 30 phút/ tập. Yếu tố này phần nào khiến khán giả “thòm thèm” khi theo dõi phim. Yếu tố cốt lõi nhất là bộ phim đề cập đến vấn đề gia đình với những mâu thuẫn, va chạm rất đời thường khiến khán giả dễ dàng thấy mình có nét tương đồng với các nhân vật, dễ đồng cảm, từ đó yêu thích bộ phim.

Dù không “hot” như “Về nhà đi con” nhưng phim “Nàng dâu order” vẫn nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả. Trước đó, không ít bộ phim về đề tài gia đình cũng chinh phục được khán giả truyền hình như: “Sống chung với mẹ chồng”, “Gạo nếp gạo tẻ”, “Tuổi thanh xuân”, “Cả một đời ân oán”…

Dòng phim cảnh sát hình sự trở lại

Sau thời gian dài vắng bóng, dòng phim cảnh sát hình sự đang trở lại trên sóng truyền hình. Sau hàng loạt phim “Chạy án”, “Kẻ giấu mặt”, “Ngôi biệt thự màu tro lạnh”, “Người phán xử”… từng tạo cơn “sốt” trên truyền hình Việt, năm nay VFC tiếp tục sản xuất phim “Mê cung”, được coi là “siêu phẩm” nằm trong series phim “Cảnh sát hình sự”.

 

“Mê cung” có sự tham gia của dàn diễn viên được khán giả yêu thích như: NSƯT Công Lý, NSƯT Hoàng Hải, NSƯT Hương Dung, diễn viên Hồng Đăng, Việt Anh, Đỗ Duy Nam… và sự trở lại màn ảnh của Hoàng Thùy Linh.

Phim không chỉ có lợi thế về kịch bản nhiều nút thắt, nội dung đấu tranh phòng chống tội phạm, chống lại cái xấu với nhiều tình tiết gay cấn, ly kỳ, gây tò mò mà còn kích thích người xem vì câu chuyện trong “Mê cung” được dựa theo nhiều tình tiết trong những vụ án có thật.

Nội dung phim bắt đầu từ câu chuyện một cô gái trẻ bị sát hại trong đêm tại một xóm trọ. Hung thủ bị bắt ngay sau đó với những chứng cớ buộc tội đanh thép. Vụ án tưởng chừng khép lại nếu như Khánh - Đội trưởng Đội điều tra hình sự, không kiên quyết lật ngược vấn đề và tìm ra vụ án tương tự diễn ra trước đó 2 tháng...

Cùng với “Mê cung”, dự án phim cảnh sát hình sự của tác giả Đào Trung Hiếu, đạo diễn Đinh Thái Thụy - “Bão ngầm” cũng được khởi quay vào tháng 6. Bão ngầm kể về hành trình điều tra, bóc gỡ đường dây, tổ chức tội phạm ma túy xuyên quốc gia, vạch trần bộ mặt thật của tên trùm mafia ẩn dưới vỏ bọc chủ tịch một tập đoàn kinh tế lớn...

Tuy nhiên, theo chia sẻ của các nhà làm phim dù hút khán giả nhưng dòng phim hình sự- xã hội không dễ làm. Để ra mắt bộ phim hình sự cần thời gian rất dài để chuẩn bị. Series phim đòi hỏi sự đầu tư kỹ về kịch bản để tạo sự hồi hộp, khó đoán cho khán giả. Bên cạnh đó, dòng phim này đòi hỏi kinh phí lớn, kỹ xảo và kỹ thuật làm phim công phu cũng như diễn viên phải có sự sáng tạo trong diễn xuất.

Cụ thể, phim “Mê cung” của đạo diễn Khải Anh cũng phải đứng trước thách thức đó. Sau 2 năm ấp ủ, đoàn làm phim quyết định không sử dụng diễn viên đóng thế, diễn viên phải thực hiện những cảnh đánh nhau, rượt đuổi để mang lại cảm xúc thật cho người xem...

“Khó khăn đầu tiên là cần chuẩn bị kỹ kịch bản. Ngoài câu chuyện hấp dẫn, kịch bản loại phim này còn cần chuyên môn nghiệp vụ. Chúng ta cũng chưa có những phim trường đủ rộng, chất lượng, trong khi phim hình sự cần nhiều đại cảnh hoặc những cảnh quay hành động.

Đòi hỏi của khán giả thì ngày càng cao, họ được xem nhiều phim hành động nước ngoài và muốn phim trong nước có chất lượng tương tự. Đó là sức ép đối với phim trong nước...”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình - Đài truyền hình Việt Nam chia sẻ về những khó khăn khi làm phim cảnh sát hình sự.

Theo dantri.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ