Quen Khang được chừng nửa năm, tôi đã quyết định cưới. Hai chúng tôi vừa gần nhà, lại công việc ổn định nên bố mẹ 2 bên ủng hộ lắm.
Tôi thì thấy cũng đúng, trước sau gì chẳng phải cưới, chi bằng cưới giờ cho xong luôn. Hai đứa vừa được chung sống với nhau, lại có thể cùng nhau lo vun vén cho tương lai.
Nhưng khi bắt đầu đi vào chuẩn bị đám cưới, tôi mới nhận ra rằng mình đã suy nghĩ quá đơn giản. Lúc nhận lời kết hôn, trong đầu tôi hoàn toàn không nghĩ nhiều tới việc phải sống chung với mẹ chồng. Thậm chí, trong tâm tư tôi còn chẳng mảy may suy nghĩ mẹ chồng mình là người như thế nào, liệu về chung sống rồi có thoải mái như hiện tại hay không…
Nhớ lúc ấy, Khang bảo tôi là sẽ chi toàn bộ tiền chụp ảnh cưới và mua nhẫn cưới. Tuy nhiên, vì tiền cũng không có nhiều nên anh bảo tôi sẽ mua 1 đôi nhẫn rẻ tượng trưng thôi, sau này làm ăn được sẽ mua vàng sau.
Hôm ấy, 2 đứa bàn chuyện trong phòng riêng của anh. Chẳng hiểu mẹ anh đứng ngoài cửa nghe chuyện từ khi nào, bà gõ cửa xong bước vào, rồi mặt hầm hầm. Tôi hỏi chuyện mà bà chẳng nói gì. Mãi sau, lúc Khang đưa tôi về, bà mới mỉa mai:
- Chưa cưới đã đội vợ lên đầu. Mai này thì nhục.
Tôi ngơ ngác quay lại nhìn, Khang thì bất ngờ, nạt bà:
- Mẹ nói ai thế? Tự dưng lại bóng gió gì đâu.
- Đám cưới thì là của chung, đừng có mà dại bỏ tiền ra 1 mình.
Bà chỉ nói thế rồi bỏ vào nhà. Tôi nghe tới đây mà không hiểu bà muốn nói tới chuyện gì. Khang thì tặc lưỡi, bảo kệ bà rồi lấy xe ra, chở tôi về.
(Ảnh minh họa).
Sau hôm ấy, tôi cũng có suy nghĩ chút ít. Thực ra, tôi thấy việc chụp ảnh cưới, mua nhẫn thì nhà trai lo cũng có gì sai? Tôi từng tham khảo bạn bè, chúng vẫn bảo ai có điều kiện hơn thì lo, nhưng hầu hết đều là chồng lo.
Hơn nữa, chuyện này chính Khang chủ động đề nghị, giờ bà lại giận dỗi, rồi thẳng mặt mà mắng tôi như thế…
Nhưng rồi nỗi lo ấy cũng bị những chuyện khác trước đám cưới cuốn đi. Tôi quên bẵng mất cho tới tận khi về chung sống.
Về ở nhà chồng được 1 tuần, tôi không cần phải đi chợ, thậm chí bà còn không khiến tôi nấu cơm nữa. Hiếm hoi lắm mới có lúc phải vào bếp nhưng chỉ là đun lại thức ăn chứ không nấu gì mới cả. Kể với hội bạn, hồi đầu ai không biết còn cười và khen tôi:
- Số sướng thế, mẹ chồng lại chiều vậy cơ à?
- Chiều gì, tao không nuốt trôi luôn đó.
- Mẹ chồng nấu tệ vậy à? Thôi ráng đi, bình thường mới về các mẹ hay thử thách tài nội trợ của con dâu lắm. Mẹ mày vậy là chiều con dâu rồi.
Nhưng tôi kể ra, ai đấy mới ngã ngửa. Mẹ chồng tôi thật sự đúng là đỉnh cao của tiết kiệm và tôi không biết phải làm sao. Sau đám cỗ, bao nhiêu thịt, xương, rau, củ… bà không chia cho hàng xóm, họ hàng chút nào. Tất cả bà bỏ vào tủ lạnh, bảo:
- Để đây ăn dần.
Rồi bữa nào cũng quanh đi quẩn lại mấy cái món ấy. Mà thừa nhiều đồ ăn như thế rồi, bà vẫn còn khiến tôi kinh hồn bạt vía bằng cách đổ thật nhiều mắm vào nồi thịt, đun đi đun lại cho mặn để… tiết kiệm.
Tôi phát ớn vì những mâm cơm từ cỗ thừa triền miên hết ngày này qua ngày khác. Bố chồng và Khang cũng không chịu nổi, góp ý thì bà bảo:
- Cố gắng ăn hết để dọn tủ lạnh chứ bỏ phí thế à? Đám cưới đã lỗ bao tiền rồi.
Quá chán nản, tôi đã quyết định rủ Khang bỏ cơm nhà một hôm. Đúng bữa tối đó, mẹ chồng tôi còn ăn cố nồi thịt "kho mắm" ăn dở dang từ 2 – 3 ngày trước. 2 vợ chồng chúng tôi về, thấy bố chồng mặt xám lại, bảo:
- Bố chỉ ăn rau, thấy thịt có mùi mà mẹ mày vẫn ăn.
Mẹ chồng thì gào lên từ trong nhà:
- Làm gì có mùi gì, ông chỉ có kén ăn.
Nhưng đêm đó, cả nhà tôi được phen náo loạn. Mẹ chồng tôi ôm bụng, ngồi lì trong nhà vệ sinh vì đau. Sau 5 lần, 7 lượt chịu không nổi, bà thều thào sai chúng tôi đi mua thuốc.
Nửa đêm, chúng tôi cũng không biết phải đi đâu vì cửa hàng nào cũng đóng cửa. Hai vợ chồng lại lọ mọ đi soi đèn pin hái lá ổi non cho bà.
Sau hôm ấy, bố chồng và Khang ra "tối hậu thư", quyết bỏ hết số đồ ăn thừa trong tủ vì không đảm bảo. Tôi phận làm dâu đâu dám ý kiến nhưng cũng mừng thầm, hy vọng mẹ chồng sẽ thay đổi sau chuyện vừa rồi.