Bao giờ phục dựng điện Kính Thiên?

GD&TĐ - Đến nay đã 20 năm trôi qua, nhưng việc phục dựng điện Kính Thiên vẫn chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu.

Điện Kính Thiên thời Pháp thuộc.
Điện Kính Thiên thời Pháp thuộc.

Chính vì lý do đó, nhiều nhà khoa học đã đề xuất phải nhanh chóng “làm bằng được” việc phục dựng. Đồng thời phải rất cẩn thận, song hành giữa khai quật và nghiên cứu, tránh mắc sai lầm như Trung Quốc khi thực hiện phục dựng cung Đại Minh.

Hoàng cung tầm cấp thế giới

Mới đây, Viện Nghiên cứu kinh thành công bố các thành tựu nghiên cứu trong 10 năm qua. Trong đó, công trình phục dựng 3D giải mã những bí ẩn về hình thái kiến trúc cung điện Thăng Long thời Lý (nay là khu di tích Hoàng thành Thăng Long, số 18 Hoàng Diệu - Hà Nội), thu hút sự chú ý của đông đảo giới khoa học.

Từ năm 2011, Viện Nghiên cứu kinh thành bắt đầu nghiên cứu phục dựng hoàng cung Thăng Long bằng công nghệ 3D, dựa trên vết tích khảo cổ học, quy mô kiến trúc, tư liệu lịch sử, so sánh với cung điện cổ các nước Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

PGS.TS Bùi Minh Trí - Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh thành cho biết, viện tiếp tục phục dựng tổng thể kiến trúc khu di tích Hoàng thành Thăng Long để tái hiện đầy đủ về cung điện, lầu gác thời Lý. Đến nay, toàn bộ chi tiết, công trình đã được phục dựng 3D thành công gồm: 64 kiến trúc, 38 cung điện cùng hành lang, 26 lầu lục giác và hệ thống tường bao, đường đi, cổng ra vào.

Cũng dựa trên nghiên cứu phục dựng và so sánh, các nhà khoa học đã xác định hệ thống “đấu - củng” được dùng trong hoàng cung. Từ nghiên cứu này, cho phép hiểu thêm về công dụng, loại hình, các phương pháp thi công, cách thức chế tạo và dựng cấu kiện… để có thể phục dựng phần khung - thân (gỗ), là phần quan trọng nhất của công trình kiến trúc.

Từ năm 2002 đến nay, kết quả khai quật khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long đã phát lộ 53 dấu tích nền móng kiến trúc, 7 móng tường bao, 6 giếng nước. Những dấu tích cho thấy hoàng cung Thăng Long xưa đều là kiến trúc gỗ, mái ngói lợp công phu, tráng lệ.

Cung điện có những nét đặc sắc riêng biệt, nhất là mái được trang trí ngói âm dương, ngói ống có diềm gắn hình lá đề. Bờ rào tường bao lợp ngói nóc, trang trí rồng, phượng. Đây là điểm đặc biệt khác với cung điện các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Tại các hố khai quật trong khu Hoàng thành đã tìm thấy số lượng lớn các hiện vật đầu rồng, mỏ phượng, chim uyên ương… bằng đất nung. Đây là những chi tiết trang trí phần mái của các công trình.

PGS.TS Bùi Minh Trí cho rằng, từ hình khối và họa tiết trên các hiện vật, các nhà nghiên cứu đã dùng công nghệ dựng hình ảnh 3D. Qua đó nhận thấy hoàng cung Thăng Long được quy hoạch bài bản, khoa học, được xây dựng nguy nga với nhiều kiến trúc gỗ lớn, không thua kém cung điện nổi tiếng châu Á.

Một trong các hố khai quật tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Viện Nghiên cứu kinh thành.

Một trong các hố khai quật tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Viện Nghiên cứu kinh thành.

Phục dựng nhanh nhưng thận trọng

PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết, cuộc khai quật mới đây tại khu vực chính điện Kính Thiên đã tìm thấy hàng nghìn hiện vật gồm các loại gạch, ngói, gốm men, sành, đất nung, kim loại, đá - dùng sinh hoạt hoàng cung thời kỳ Thăng Long và tiền Thăng Long.

Việc phục dựng bằng công nghệ 3D cho thấy một di sản rất giá trị của Việt Nam. Tuy nhiên, việc phục dựng di tích trong thực tế lại chưa hề nhúc nhích dù gần 20 năm trước, ý tưởng đã được bàn bạc với quyết tâm mạnh mẽ.

Mới đây, quyết tâm này tiếp tục được các nhà khoa học đưa ra bàn bạc tại hội thảo báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực chính của điện Kính Thiên.

Theo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, điện Kính Thiên là cung điện quan trọng bậc nhất, nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, nơi đón tiếp sứ giả nước ngoài và là nơi thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự.

Theo “Đại Việt Sử ký toàn thư”, điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428, đời vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện vào đời vua Lê Thánh Tông. Điện được xây dựng trên núi Nùng, ngay trên nền cũ của cung Càn Nguyên Thiên An thời Lý - Trần.

TS Nguyễn Tiến Đông - Viện Khảo cổ học nói rằng, chỉ nghiên cứu không thôi là không đủ mà phải có ý chí làm cho bằng được. Trong khi thực hiện phải chấp nhận không quá cầu toàn, nếu không thì thêm 20 năm nữa cũng không thể xong.

Theo ông Đông, chúng ta cứ nghiên cứu, cứ khai quật mãi. Các kết quả khảo cổ có thể rất hay, phát hiện rất mới, đáng ý chú và có thể in thành sách nhưng việc phục dựng trong thực tế lại không được tiến hành. Chúng ta vẫn không thấy “mặt mũi” của điện Kính Thiên.

TS Nguyễn Văn Sơn - nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long cũng nói về trăn trở của nhiều đồng nghiệp khi muốn phục dựng điện Kính Thiên. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ với tốc độ không nhúc nhích như 20 năm qua, thì việc phục dựng đến “cuối thế kỷ” cũng không xong.

Ông Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho hay, sau gần 20 năm với nguồn tài liệu khảo cổ tương đối đầy đủ, nay các ý kiến đồng ý là cần nhanh chóng phục dựng điện Kính Thiên.

Gần đây Chính phủ và TP Hà Nội đều thể hiện ý chí muốn tập trung vào phục dựng. Đề án cũng như quy hoạch Chính phủ đã phê duyệt. Nếu không tranh thủ, thì phải 5 năm tới mới lại có cơ hội trình.

Bên cạnh quyết tâm nhanh chóng tiến hành phục dựng, nhiều ý kiến lo ngại khi “dục tốc bất đạt”. Như bài học của Trung Quốc khi vội vàng phục dựng lại cung Đại Minh, sau khi khai quật khảo cổ mới phát hiện ra sai lầm.

PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhận định, việc phục dựng điện Kính Thiên là cần thiết. Bởi vậy, phải thúc đẩy lập một bộ phận nghiên cứu về việc khôi phục, song hành với khai quật khảo cổ và tìm tư liệu lịch sử.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ