Gợi mở khôi phục không gian điện Kính Thiên

Gợi mở khôi phục không gian điện Kính Thiên

Theo các chuyên gia, dấu tích kiến trúc thời Lê sơ và Lê Trung hưng gắn với giai đoạn Hoàng thành Thăng Long là phát triển đỉnh cao và hoàn chỉnh nhất. Đây cũng là niên đại tối ưu để lựa chọn làm mẫu hình phỏng dựng lại điện Kính Thiên xưa.

Phản ánh chiều sâu lịch sử Thăng Long - Hà Nội

Theo báo cáo sơ bộ, khu vực khai quật là phía Đông Bắc, sau điện Kính Thiên trong Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long với tổng diện tích gần 1.000 m2. Cuộc khai quật lần này được tiếp nối với các hố khai quật đã thực hiện năm 2017 và 2018, làm sáng rõ hơn về quần thể dấu tích khảo cổ học đã xuất lộ từ các cuộc khai quật trước. Từ báo cáo chi tiết, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, TS Phạm Quốc Quân nhận định, xét trên tổng thể đây là tầng văn hóa có nét đặc trưng của 1.300 năm lịch sử không hề đứt đoạn, từ thời Đại La (tiền Thăng Long) đến thời Nguyễn. Đó là địa tầng thể hiện tính thống nhất của lịch sử Thăng Long - Hà Nội được khảo cổ học nhận diện qua khai quật, nghiên cứu.

Theo đó, qua phân tích hiện trạng tầng văn hóa, di tích, di vật từ khoảng thế kỷ VIII - IX đã phát hiện thấy dấu tích kiến trúc thời Đại La với cống nước xây bằng gạch khá công phu và kiên cố. Lớp văn hóa này hình thành trực tiếp trên nền đất sinh thổ cho thấy trước thế kỷ VIII - IX, ở đây chưa hề có di tích nào. Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, PGS.TS Bùi Minh Trí cho rằng, với phát hiện cống nước lớn thời Đại La nằm sâu dưới lòng đất (hơn 5m) cùng các loại di vật (ngói) thời Đinh - Tiền Lê ở hố khai quật đã góp phần “khẳng định và làm rõ hơn về ghi chép trong “Chiếu dời đô” của vua Lý Công Uẩn, củng cố nhận định của các nhà khoa học hơn 10 năm về trước về việc vua Lý Công Uẩn đã lựa chọn xây dựng Kinh đô Thăng Long ở đúng vị trí thành Đại La cũ thời Cao Biền và Kinh sư thời Đinh - Tiền Lê”.

Kết quả khai quật cũng cung cấp nhiều tư liệu từ trong lòng đất có giá trị khẳng định khu vực thành cổ Hà Nội và khu 18 Hoàng Diệu là trung tâm của Hoàng thành Thăng Long - trung tâm quyền lực phát triển liên tục hơn 1.000 năm lịch sử, trong đó trục trung tâm thời Lý - Trần chưa xác định rõ nhưng trục trung tâm Đoan Môn - Kính Thiên - Hậu Lâu - Bắc Môn là trung tâm quyền lực ít nhất là từ thời Lê sơ - Lê Trung hưng và hành cung thời Nguyễn cũng nằm trên trục này.

Gợi mở khôi phục không gian điện Kính Thiên ảnh 1
Dấu tích cống nước thời Đại La.

Gợi mở khôi phục không gian điện Kính Thiên

Từ báo cáo trên, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng, dấu tích kiến trúc qua các lớp văn hóa từ tiền Đại La đến Nguyễn, đặc biệt dấu tích kiến trúc thời Lê sơ và Lê Trung hưng gắn với giai đoạn Hoàng thành Thăng Long là phát triển đỉnh cao và hoàn chỉnh nhất. “Đây cũng là niên đại tối ưu mà chúng ta lựa chọn làm mẫu hình để phỏng dựng lại điện Kính Thiên xưa như một biểu tượng quyền lực trong khu di sản, cũng là một trong những điểm nhấn kiến trúc trong quần thể di tích”.

Đồng quan điểm, TS Phạm Quốc Quân cho hay, các dấu tích kiến trúc phát hiện khá phong phú, đa số được kiến giải hợp lý, định niên đại chuẩn xác thông qua địa tầng và di vật. Đặc biệt có 4 phát hiện quan trọng thời Lê Trung hưng: Sân nền, ao/hồ, móng cột và cống nước giúp ích nhiều để nhận diện không gian Kính Thiên cũ được tôn tạo. Di vật đầy đủ từ thời tiền Thăng Long đến Lê Trung hưng, đáng chú ý di vật thời Lê Trung hưng đặc biệt hơn di vật khai quật các năm trước, là những tư liệu quý giúp cho việc khôi phục không gian điện Kính Thiên.

Về dấu tích kiến trúc sân vườn thời Lê Trung hưng gồm đường đi và hệ thống bồn hoa nằm dọc hai bên đường, PGS.TS Bùi Minh Trí cũng cho rằng đây là phát hiện quan trọng, minh chứng rõ hơn về trình độ quy hoạch không gian và cảnh quan sân vườn của các công trình kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long đương thời. Ông phân tích: Theo sử cũ trong Hoàng cung Thăng Long có các ngự viên, dành cho nhà vua và hoàng gia dạo chơi, nhưng không có những mô tả cụ thể. Vì vậy, phát hiện này gợi cho chúng ta nhiều điều thú vị khi nhận diện và luận bàn về kiến trúc cảnh quan trong chốn Hoàng cung Thăng Long xưa.

Đặc biệt, phát hiện ao, hồ và các dấu tích kiến trúc thời Lê sơ và Lê Trung hưng tại hố khai quật đã tiếp tục làm sáng rõ hơn những phát hiện khảo cổ học năm 2017 và 2018, đồng thời dự báo khoa học về vai trò và chức năng của khu vực này trong bối cảnh thời bấy giờ. Theo PGS.TS Tống Trung Tín, thì thời Lê Trung hưng ở đây (khu vực hố khai quật) đã phát hiện được một tổ hợp kiến trúc gồm 1 kiến trúc có móng cột lớn (2m x 2m) ở phía Tây và kiến trúc sân vườn ở phía Đông. 

Kiến trúc này có thể có 5 gian 2 chái nằm trên trục Ngự đạo thẳng với Đoan Môn và điện Kính Thiên và được suy đoán có thể là kiến trúc cổng phía Nam của điện Cần Chánh, nơi làm việc của nhà Vua và triều đình Lê Trung hưng. Nếu giả thuyết này là đúng thì đây là phát hiện mới hết sức quan trọng và ý nghĩa to lớn trong việc nghiên cứu về trục trung tâm của Hoàng thành Thăng Long thời Lê Trung hưng.

Theo GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, kết quả khai quật gợi ra hướng nghiên cứu lâu dài, thú vị và chắc chắn sẽ có giá trị lịch sử - văn hóa rất cao. Hai dấu tích bó nền, một dấu tích kiến trúc có một móng cột chứng tỏ thời Lê sơ đã xây dựng ở đây nhiều công trình quan trọng, cho ta hình dung cụ thể, rõ ràng hơn về không gian kiến trúc Lê sơ ở phía sau nền điện Kính Thiên. Khu vực này tuy không thật đồ sộ, hoành tráng như ở phía trước, nhưng cũng cho chúng ta nhận ra một không gian điện Kính Thiên tổng thể, hiện thực và hợp lý, góp phần phục vụ hiệu quả cho chương trình phục dựng Không gian điện Kính Thiên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.