Về gánh gồng rơm rạ…

GD&TĐ - Sau mấy đợt nắng hạ gắt gỏng, cánh đồng đồng loạt ngả sang màu vàng, lúc đó mẹ chuẩn bị cho mùa gặt.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mùa gặt sẽ rộn ràng, lao xao trên tay của người nông dân tần tảo. Và tôi, đứa con sinh ra từ đồng ruộng luôn mang theo hình ảnh một mùa gặt vất vả, những rạ rơm xào xạc trong những ngày mùa hạ cháy bỏng, góp nhặt ký ức, làm hành trang mà bước vào đời vững chãi.

Những năm tháng ấu thơ, tôi thường theo mẹ đi gánh rơm rạ sau mùa gặt về trải đầy ngõ phơi khô để làm thức ăn cho trâu bò, làm chất đốt và ủ gốc cây giữ độ ẩm. Với người dân quê tôi, cây lúa luôn giữ một vị trí quan trọng. Vì thế, nhà nào nhà nấy đều trữ đầy thóc, rơm rạ.

Nhà tôi có một cây rơm to đùng sau hồi nhà, mùa đông rét mướt không có cỏ, rơm dùng làm thức ăn cho trâu bò. Còn rạ sau khi được cắt từ đồng về cũng được ủ quanh gốc cây giữ nước và độ ẩm. Xong xuôi mùa gặt mẹ lại quẩy quang gióng ra đồng thu rơm rạ.

Từ những buổi chiều của ngày hôm trước, mẹ đã ra đồng phơi phóng rơm rạ để hôm sau gánh về nhà cho bớt nặng. Tôi cũng lon ton đi theo mẹ, phụ mẹ đưa cào chuyên dụng nhóm thành từng ụn cho mẹ chất vào quang gióng.

Rơm rạ sau mùa gặt vẫn còn vương vất mùi thơm của lúa mới, hương thơm dìu dịu ngọt ngào. Lúc nhìn mẹ ôm những cọng rơm vàng óng, không hiểu sao đầu tôi lại liên tưởng tới những cụm mây vàng. Những “cụm mây” mà chỉ có ở nơi đồng quê thanh bình.

Đối với ngày nắng là như vậy. Tuy nhiên không phải lúc nào thời tiết cũng ủng hộ. Tôi nhớ có hôm rơm rạ chưa kịp khô thì gặp mưa rào rớt xuống ướt nhẹp. Để rơm khô lại thì mất rất nhiều thời gian, thành ra mẹ phải dồn rơm rạ ẩm cho vào quang gióng chuyển dần về nhà. Bao nhiêu công sức của mẹ ngày hôm trước trôi theo những cơn mưa ngập đồng lênh láng. Lúc đó, bước chân của mẹ cũng trĩu đi từng bước.

Trong những ngày mưa, mẹ tranh thủ bắt những chú cua nấp ẩn dưới lớp rơm rạ. Tôi thích thú xách chiếc xô theo sau cho mẹ bỏ cua, nghĩ tới bữa cơm chiều có món canh cua mát lịm nấu với rau tập tàng.

Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác háo hức của ngày xưa cũ, cảm giác hạnh phúc vô cùng khi ngồi bên mẹ, xem mẹ làm cua, nhẫn nại khều từng mai cua để lấy gạch vàng ươm béo ngậy.

Có đợt cua bắt được nhiều quá thì mẹ lại mang ra chợ cóc gần nhà bán lấy tiền mua bánh trái cho hai chị em. Tôi ngồi mân mê thức quà mẹ mang từ chợ về rồi ăn ngon lành. Sau này nghĩ lại một cảm giác gợn qua trong lòng, thức quà đó có cả những giọt mồ hôi của người mẹ hiền yêu dấu.

Người làng vẫn dành lời khen cho mẹ vì mẹ gánh rạ rơm rất khéo, chẳng bao giờ bị rơi vãi dọc đường. Đòn gánh kẽo cà kẽo kịt trên đôi vai gầy, mẹ trở bên này rồi lại quay sang bên khác.

Mẹ gánh rạ cho nhà xong còn gánh thuê cho người trong làng. Một gánh rạ của mẹ chẳng được bao nhiêu nhưng mẹ vẫn cứ kiên nhẫn góp nhặt từng đồng để nuôi chị em tôi ăn học.

Tôi lớn lên mang theo bao nhiêu ký ức về những cọng rơm rạ ngày mùa, mẹ gánh gồng mồ hôi rịn ướt tấm áo mỏng. Chị em tôi đã rời được lũy tre làng như ước muốn của mẹ. Giấc mơ thoát nghèo cùng cơm áo gạo tiền vô tình đẩy tôi ngày một xa quê hơn.

Mỗi bận gọi điện về cho mẹ tôi nhớ khoảnh khắc hai mẹ bắt từng chú cua đồng cho vào xô về nấu với canh rau tập tàng. Lớn lên thèm được về với mẹ sau mùa gặt để gánh gồng rơm rạ đỡ đần mẹ. Thoảng trong ký ức là mùi rơm rạ ngai ngái, chợt thấy lòng trong veo kỷ niệm…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ