Vẻ đẹp từ trầm tích quá khứ

Vẻ đẹp từ trầm tích quá khứ

(GD&TĐ)- “Mượn lại nét tài hoa của tạo hóa, chắp lại những dáng hình thân thuộc như một chứng nhân của lịch sử, để chúng nói lên tiếng nói của mình, kêu gọi con người hãy yêu thương và bảo vệ chúng”- là chia sẻ của nghệ nhân Nguyễn Như Tường về nghệ thuật tạo hình cây khô.

Ngôi nhà nhỏ của thầy lang Nguyễn Như Tường nằm nép mình trong một con ngõ yên tĩnh (tại Thôn Giẽ Thượng- Phú Yên- Phú Xuyên- Hà Nội), tạo cảm giác yên bình và tĩnh lặng, tách biệt hoàn toàn với không khí ồn ào của một miền quê đang chuyển mình đô thị hóa với những bộn bề ngoài kia. 

Nghệ nhân Nguyễn Như Tường đang chăm chút cho tác phẩm
Nghệ nhân Nguyễn Như Tường đang chăm chút cho tác phẩm "Đừng để mất gốc"

Trong căn nhà nhỏ của ông là thế giới những sinh vật cảnh vô cùng đa dạng: rùa, cò, cóc, rồng,…đến hình tượng: bà còng, anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, ông Tô Vũ,…Hơn 200 tạo hình nghệ thuật là bấy nhiêu thứ mà ông yêu mến, trân trọng. Điều đặc biệt là ông chỉ tạo hình trên những gốc, những cành cây khô. Nói về thú vui tạo hình nghệ thuật của mình, người nghệ nhân già cười xòa: Tôi đi nhặt những đốt xương khô của thời quá khứ để chắp nên những hình hài.

Với tâm niệm tạo hình không để làm nghệ thuật, ông đã tạo nên các tác phẩm bằng chính xúc cảm, bằng cái tâm của mình.Tạo hình là thú vui tuổi già của một tâm hồn chỉ muốn níu giữ lại chút kỷ niệm của ngày xưa cũ. Ông thu lượm từ gốc duối, gốc ổi đến cành nhãn, những rễ si bị vứt bỏ…đem về ngắm nghía. Tạo hóa vốn là một nghệ sĩ tài ba, đã tạo ra con người và vạn vật, cho mỗi loài một kiếp sống, một tâm hồn. Với lương tri của một thầy thuốc, ông tâm niệm: Cây cỏ cũng biết đau buồn, đất đá cũng biết yêu thương và xót thương khi chúng bị con người tàn phá, vứt bỏ không thương tiếc. “Tôi chỉ mượn lại nét tài hoa của tạo hóa, chắp lại những dáng hình thân thuộc như một chứng nhân của lịch sử, để chúng nói lên tiếng nói của mình, kêu gọi con người hãy yêu thương và bảo vệ chúng ”- nghệ nhân chia sẻ.

Tác phẩm
Tác phẩm "Anh hùng áo vải" ca ngợi vua Quang Trung- đây là một trong số tác phẩm nói lên tiếng nói ca ngợi các vị anh hùng dân tộc

Thuở nhỏ ông thường tưởng tượng ra đủ thứ. Tuổi thơ sống giữa quê hương yên bình, được hoa lá chở che, nâng niu, như bầu bạn thân thuộc…Khi sống được hơn 2/3 thế kỷ chỉ mong về với thời thơ ấu, gột rửa đi lớp bụi thời gian. Nhìn ra xung quanh, từ hàng rào bờ tre, đến gốc cây khô đều thấy được những sinh linh đang cất lên tiếng nói. Một thế giới rất riêng, không hận thù, không mưu mô, thế giới yên bình trong mơ đang hiện lên từ “ cõi chết” trong mỗi tác phẩm của ông.

Những ngày đầu, khi ông đem những cành khô, những gốc cây cong keo về nhà, rồi đem ngâm, đem phơi, khi rãnh rỗi thì đem ra ngắm ngía, hì hụi cắt tỉa thì vợ ông có ý phản đối. Bà bảo ông đem rác về nhà, làm ô nhiễm môi trường. Nhưng sau 5-7 năm, các tác phẩm tưởng vô tri vô giác của ông được mời  đi triển lãm nhiều nơi, nhận được nhiều lời khen ngợi, bà cũng thay đổi cách nhìn. Dần dần bà cũng ủng hộ ông. Bà kể có lần đi chơi tận Đà Lạt, nhìn thấy gốc thông có tạo hình đặc biệt, bà liền nhặt đem về góp vào “kho củi” cho ông.

"Tình mẫu tử" là tác phẩm tạo thành từ một gốc tre và một gốc trúc, ca ngợi tình cảm cao đẹp nhất của con người, gợi nhớ về dòng giống dân tộc
"Tình mẫu tử" là tác phẩm tạo thành từ một gốc tre và một gốc trúc, ca ngợi tình cảm cao đẹp nhất của con người, gợi nhớ về dòng giống dân tộc

Nghệ thuật tạo hình cây khô là một thú chơi không đơn giản, không phải ai muốn học, có sự yêu thích cũng có thể làm được. Nó đòi hỏi người tạo hình phải có đôi tay khéo léo, tâm hồn phong phú, một trái tim nhân hậụ, một tư duy sáng tạo…Theo Nguyễn Như Tường, những vật vô tri vô giác chỉ trở nên có hồn khi những tác phẩm được tạo nên: “có cái tâm của một người và mang cái tình của mọi người”..Người tạo hình nghệ thuật cây khô phải biết trân trọng, yêu thương tạo vật và giữ được cái tâm trong sáng ấy. Những cành khô, gốc chết đã trãi qua một kiếp sống. Công việc của người nghệ nhân là tạo nên một kiếp sống mới, cơ thể mới có tư tưởng, có hồn và nhịp đập của trái tim con người:

“Từ những mảnh đời đã chết

Nay hiện lên muôn mặt cuộc đời

Cũng giận hờn  trăn trở yêu thương

Đau đáu nỗi đời tương lai, quá khứ”

Những tác phẩm chưa có nơi trưng bày nhưng được nghệ nhân chụp lại và lưu giữ cẩn thận hình ảnh trng một cuốn album
Những tác phẩm chưa có nơi trưng bày được nghệ nhân chụp lại và lưu giữ cẩn thận trong một cuốn album

Những cái tên cũng có một vị trí vô cùng quan trọng, góp phần nâng cao giá trị tác phẩm, giúp người xem thấy được ý nghĩa, cái hồn mà tác giả gửi gắm trong đó. Ông thường đặt tên theo các chủ đề: Thiên nhiên,đất nước, quê hương, con người. Khi giới thiệu về hơn 20 tác phẩm tạo hình rồng bằng gốc tre, gốc trúc, người nghệ nhân khoan thai ngâm nga hai câu thơ: “ Đất nước ta đất nước tiên Rồng-Nên tre nứa cũng kết hồn dân tộc”. Những tác phẩm: anh hùng áo vải, Tô Vũ mục dương…nói lên tiếng nói ca ngợi những vị anh hùng dân tộc lẫy lừng như vua Quang Trung, thấp thoáng trong đó hình tượng của những danh nhân như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp…

Những công việc tưởng chừng bình thường nhưng lại mang ý nghĩa rất cao, nhắc nhở chúng ta phải biết giữ gìn nhưng giá trị văn hóa ngàn đời của ông cha, trân trọng những giá trị cũ và biết yêu thương vạn vật xung quanh mình.

Chia tay căn nhà nhỏ với những tác phẩm tạo hình đặc sắc đầy ấn tượng, tôi nhớ mãi lời thơ của một khán giả đã tặng ông: “Hữu tình khả kiến hồn khô mộc, vô cảm hà chi ý tạ hoa” (Con người có hồn nhìn cành cây khô cũng  có hồn, con người vô cảm làm sao biết thương tiếc cả cánh hoa rơi). Nguyễn Như Tường là nghệ sĩ nông dân hữu tình như thế.

Lê Hân-Đức Dũng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh tỉnh Điện Biên hào hứng với trải nghiệm đẩy xe đạp thồ. Ảnh: Báo Điện Biên.

Xây dựng những 'đại sứ' lịch sử

GD&TĐ - Nhiều địa phương, trường học tổ chức các hoạt động giáo dục hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Minh họa/INT

Truyền cảm hứng

GD&TĐ - Lịch sử là môn học góp phần giúp học sinh hình thành nhân cách, nhân sinh quan cũng như lòng yêu nước, ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...