Một kỳ thi nghiêm túc đòi hỏi các khâu phải nghiêm túc. Trong ảnh: Thí sinh thi vào trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM năm 2010 nghe phổ biến quy chế thi - ảnh: Đ.N.T |
(TNO) - Ông Trần Văn Nghĩa - Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) vừa có công văn gửi Báo Thanh Niên trả lời về đề thi ĐH môn Tiếng Anh (khối D1) và đáp án môn Hóa thi CĐ (khối A, B) mà báo đã đề cập.
Về đáp án môn Hóa, chúng tôi đã đăng thông tin trên số báo hôm qua 25.7. Sau đây là ý kiến chính thức của Bộ GD-ĐT về đề thi ĐH môn Tiếng Anh (khối D1):
1. Về ý kiến cho rằng có hiện tượng “đạo văn” trong đề thi: Ban đề thi và các chuyên gia cho rằng trong đề thi, việc sử dụng một đoạn trích, một phát biểu nào đó để làm bài đọc hiểu, soạn ra các câu hỏi để đánh giá mức độ thí sinh hiểu nội dung của bài đọc là việc làm bình thường, không thể coi đây là “đạo văn”. Đề thi không phải một công trình khoa học, một luận văn hay một bài báo viết, bắt buộc phải dẫn nguồn nên việc không dẫn nguồn không thể coi là “đạo văn”.
2. Về ý kiến cho rằng có sai sót trong cách dùng từ, hành văn ở các bài đọc: Theo các chuyên gia, cách chọn từ trong câu là tùy thuộc vào sở thích, văn phong của từng người. Các câu, từ trong đề thi đều lấy chuẩn mực là từ điển, sách giáo khoa, sách ngữ pháp đang lưu hành và không có gì sai về văn phạm, ngữ pháp.
Trước hết, Thanh Niên ghi nhận phản hồi của Bộ GD-ĐT, tuy nhiên, chúng tôi cũng có một vài điểm xin trao đổi thêm:
Hai điểm chính trong bài viết đăng trên Thanh Niên số ra ngày 20.7 về đề thi ĐH Tiếng Anh là: Các đoạn văn trong phần đọc hiểu không ghi trích dẫn nguồn, điều này lẽ ra phải có như các nước khác vẫn làm. Lẽ ra đề nên ghi nguồn trích dẫn trong các bài đọc hiểu đã lấy từ internet và có hiệu chỉnh. Cung cách này nhằm góp phần hạn chế tình trạng phổ biến trong học thuật hiện nay là các giáo sư “đạo” giáo trình lẫn nhau, các sinh viên làm luận văn tốt nghiệp chuyên “cắt dán” tài liệu để làm thành của mình, nhiều học sinh từ bậc tiểu học sử dụng bài văn mẫu như là ý tưởng của mình. Một số chi tiết trong 2 bài đọc hiểu này sử dụng tiếng Anh chưa chuẩn.
Như đã nói trong bài viết, chúng tôi trích dẫn một số ý trong số rất nhiều ý trên trang web của giáo sư Nguyễn Văn Tuấn về vấn đề này. Và chúng tôi bàn đến vấn đề học thuật, chưa đề cập các vấn đề liên quan nội dung 2 bài đọc hiểu hay những quan điểm khác.
Chúng tôi cũng nêu rõ quan điểm của mình rằng những sai sót này không ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của thí sinh hay kết quả kỳ thi với hy vọng các ý kiến này sẽ có giá trị tham khảo cho công tác ra đề thi của Bộ GD-ĐT trong tương lai.
Chúng tôi đã tham khảo ý kiến của một chuyên gia Mỹ về lĩnh vực có liên quan. Theo đó, “Đạo văn thường có yếu tố của một hành vi lừa đảo khi sử dụng những từ ngữ/khái niệm của người khác như của chính mình - vì lúc đó, bạn đang sử dụng trí tuệ của người khác và mạo nhận nó là của bạn. Trong một bài kiểm tra ngôn ngữ, những người soạn đề thi thường phải sử dụng một đoạn văn của người khác để có được một văn bản chuẩn mực - nhưng họ không có ý định cho rằng đoạn văn đó là do chính họ viết ra. Vẫn tốt hơn khi ta nêu nguồn trích dẫn chính xác của bài đọc (vì khi biết nguồn gốc/tác giả của một bài viết thì sẽ giúp người đọc hiểu rõ giá trị của bài đọc đó)”.
Việc sử dụng tư liệu lẫn nhau là việc làm bình thường trong học tập cũng như nghiên cứu khoa học. Mặt khác, cần thiết tạo thói quen ghi nguồn trích dẫn cũng như nên dùng những nguồn có giá trị, như ý kiến của GS Nguyễn Minh Thuyết - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: “Nếu đề thi có yêu cầu trích dẫn văn bản thì nên trích văn bản của người sử dụng ngôn ngữ ấy như tiếng mẹ đẻ để đảm bảo độ chuẩn xác về từ ngữ cũng như cách diễn đạt. Và dĩ nhiên là cần chọn văn bản có nội dung phù hợp với các chuẩn mực văn hóa, xã hội Việt Nam”.
Tác giả: Thùy Ngân