Rộn ràng điệu hát Xoan
Đại diện Sở VH,TT&DL Phú Thọ cho biết, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2017, tỉnh Phú Thọ tổ chức giới thiệu và quảng bá đậm nét về di sản hát Xoan đến đồng bào cả nước để người dân hiểu hơn về văn hóa trên quê hương đất Tổ vua Hùng.
Năm nay, trong những ngày diễn ra Lễ hội Đền Hùng, phường xoan tập trung đón tiếp các đoàn khách du lịch tại miếu, đình thay vì trong đền Hùng như trước đây. Hiện tại, trong đền Hùng chỉ có các CLB hát xoan phục vụ du khách.
Các du khách khi đến với các điểm di tích văn hóa được nghe các các nghệ nhân của các phường xoan gốc như: Phù Đức, Kim Đới, Thét, An Thái giới thiệu những thông tin cơ bản về hát Xoan từ: Nguồn gốc của hát Xoan, các chặng hát trong hát Xoan và thưởng thức các làn điệu Xoan cổ như: Đón đào, ráo trống ráo pháo, tràng mai cách, mó cá… do các nghệ nhân và đào, kép của các phường Xoan gốc trình diễn.
Ông Đặng Xuân Hội, người điều hành phường Xoan Phù Đức kể lại, từ khi UNESCO công nhận hát Xoan là di sản văn hóa phi vật thể, mô hình hát Xoan trong TP và phường, xã được mở rộng, với nhiều tầng lớp khác nhau. Các nghệ nhân cũng tích cực các hoạt động truyền dạy cho thế hệ trẻ, hỗ trợ các trường học dạy hát xoan. Tuy nhiên, mọi người vẫn chỉ học truyền miệng ở nhà là chính chứ ít khi có thời gian tập trung để tập luyện. Phường chỉ truyền dạy vào tối thứ Bảy hàng tuần cho các cháu thiếu niên, còn chị em phụ nữ tự tập một tuần 3 buổi tối.
Chia sẻ thêm về quá trình thực hiện Đề án Bảo tồn và Phát huy giá trị di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - Hát Xoan Phú Thọ, ông Nguyễn Đắc Thủy, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Phú Thọ cho biết, hiện nay, tỉnh Phú Thọ đã khôi phục được 100% các di tích, đình làng gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, nhất là ở 4 làng Xoan gốc như trùng tu Miếu Lãi Lèn, khôi phục đình An Thái, tu bổ và khôi phục đình Kim Đái, Bảo Đà. Đến nay, hát Xoan đã đảm bảo các tiêu chí của UNESCO để thoát khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp, có thể trở thành di sản văn hóa phi vật thể vào tháng 12/2017.
Nỗ lực đưa hát Xoan đến với công chúng
Từ một loại hình có nguy cơ mai một, giờ đây hát Xoan đã thực sự hồi sinh và lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Chỉ trong thời gian ngắn, các nghệ nhân đã đào tạo, truyền dạy cho nhiều nghệ nhân kế cận để cùng với lớp nghệ nhân già hiện nay kế tục truyền dạy cho lớp trẻ tương lai và truyền dạy cho hàng trăm thiếu nhi tại các phường Xoan gốc như Phù Đức, Kim Đới, Thét, An Thái, Phượng Lâu.
Với truyền dạy hát Xoan ra cộng đồng, đến nay số người tham gia thực hành hát Xoan ở cả 4 phường và 23 CLB trên địa bàn tỉnh là 1.100 người, chưa kể có hàng trăm người tham gia không thường xuyên, tăng khoảng 20 lần so với năm 2010. Đặc biệt hiện đã hình thành ba thế hệ Xoan là các nghệ nhân cao niên, các nghệ nhân kế cận và đông đảo thế hệ trẻ đầy triển vọng. 31 bài cơ bản của 3 chặng hát Xoan do các nghệ nhân cao tuổi nắm giữ đã được tư liệu hóa và truyền dạy hầu như đầy đủ cho lớp nghệ nhân kế cận.
Theo lãnh đạo Sở VH,TT&DL Phú Thọ, với những giải pháp quyết liệt trong thời gian qua, có thể khẳng định di sản văn hóa phi vật thể hát Xoan Phú Thọ sẽ thoát ra khỏi tình trạng khẩn cấp.