Về căn nhà “4 mặt tiền” tại TPHCM: 5 năm chưa thể giải tỏa vì cái… cột điện

GD&TĐ - Một căn nhà tại TPHCM nằm giữa ngã ba suốt 5 năm không thể giải tỏa. Nguyên nhân được chủ ngôi nhà là bà Võ Thị Ngọc Liên cho biết: Chỗ đất đền bù vướng cột điện, không xây được nhà nên… chưa có chỗ ở để chuyển.

Căn nhà 4 mặt tiền góc giao lộ Lũy Bán Bích - Âu Cơ - Ba Vân nhìn từ xa
Căn nhà 4 mặt tiền góc giao lộ Lũy Bán Bích - Âu Cơ - Ba Vân nhìn từ xa

Cột điện nằm trên đất đền bù

5 năm trôi qua, ngôi nhà số 85A (quận Tân Phú, TPHCM) vẫn nằm chình ình ngay nút giao thông ngã ba Lũy Bán Bích – Âu Cơ – Ba Vân như một lời thách thức cho công tác chỉnh trang đô thị của TPHCM. UBND quận Tân Phú thừa nhận đang còn vướng mắc với chủ hộ trong công tác đền bù và tái định cư nên chưa thể giải tỏa.

Căn nhà rộng khoảng 35 - 36m2, nằm giữa hai trục đường lớn và sầm uất bậc nhất quận Tân Phú. Ngôi nhà hiện được chia tách làm hai hướng mặt đường và cho thuê ki ốt kinh doanh.

Bà Võ Thị Ngọc Liên cho biết muốn chuyển nhà, trả hiện trạng cho giải phóng mặt bằng. Vấn đề là gia đình bà chưa có chỗ ở mới thì làm sao chuyển đi.

“Gia đình tôi không chây ỳ. Nhưng hiện chúng tôi chưa có nhà mới thì làm sao chúng tôi chuyển đi. Chuyển đi rồi đi ở trọ à? Chính quyền địa phương nơi tôi đang ở, và nơi mới (nơi cấp đất tái định cư) cần phải hỗ trợ thì chúng tôi mới chuyển đi được.

Nhà chúng tôi đang ở giữa đường. Về mặt văn minh đường phố chúng tôi cũng thấy nó rất kỳ cục. Nhưng đất chúng tôi được cấp ở đường Lê Trọng Tấn, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú không xây được thì làm sao đi.

Gia đình chúng tôi không có đòi hỏi gì cao. Nhưng việc bồi thường và tái định cư cần phải tương ứng với giá trị căn nhà chúng tôi đang có. Có như vậy gia đình tôi (toàn người lớn tuổi) mới an tâm và sớm ổn định cuộc sống” - bà Liên nói.

Theo UBND quận Tân Phú, ngôi nhà “4 mặt tiền” được đền bù bằng một nền đất có diện tích 98m2, trị giá hơn 2,4 tỷ đồng. Nó nằm trên đường Lê Trọng Tấn, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú. Chủ nhà còn được nhận khoản tiền mặt gần 300 triệu đồng. Tuy nhiên, khi gia đình bà Liên nhận đất và xây nhà thì vướng cột điện nằm ngay khu đất (vướng lưới điện) nên không thể thi công.

Muốn xây dựng được thì chủ đất phải “hi sinh” một diện tích đất khá lớn trong tổng số 98m2 thì mới xây được hoặc di dời cột điện đi chỗ khác. Khi gia đình bà Võ Thị Ngọc Liên đồng ý bỏ tiền di dời cột điện thì gặp sự phản ứng quyết liệt của cư dân nơi đó.

Vậy nên, việc xây nhà rơi vào bế tắc. Quận Tân Phú hiện đã đề xuất thay bằng một lô đất khác trên đường Vườn Lài, phường Tân Thành, quận Tân Phú. Tuy nhiên, đang phải chờ ý kiến của UBND TPHCM về sự thay đổi này.

Mặt tiền căn nhà số 85A, Lũy Bán Bích hơn 5 năm chưa thể giải tỏa
 Mặt tiền căn nhà số 85A, Lũy Bán Bích hơn 5 năm chưa thể giải tỏa

Giá đền bù tăng theo năm?

Gần đây có ý kiến giá bồi thường cho căn nhà “4 mặt tiền” là hơn 5 tỷ đồng. “Mức giá bồi thường mới của quận thế nào thì tôi không rõ. Nhưng mức giá bồi thường mà gia đình tôi nắm được thời điểm 2017 là được bố trí bằng một nền đất mới rộng gần 100m2 cùng khoảng 290 triệu đồng tiền mặt. Nhưng với mức tiền ấy thì thời điểm này cũng khó mà xây dựng được ngôi nhà cho đàng hoàng” - bà Liên ý kiến.

Theo anh Trần Hữu Bình - một người dân có nhà mặt tiền trên đường Lũy Bán Bích đang kinh doanh bất động sản thì giá đất thị trường khu vực này hiện vào khoảng 120 - 160 triệu đồng/m2 đất mặt tiền.

Nên thông tin con số 5,1 tỷ đồng bồi thường cho căn nhà trên là khả dĩ. Tuy nhiên, theo anh Bình, gia đình bà Liên rất khó để mà được bồi thường căn nhà giải tỏa trên theo mức giá ấy. Bởi giá bồi thường của Nhà nước chắc chắn sẽ khác rất xa giá thị trường thả nổi của người dân.

“Đất mặt tiền khu vực này tăng chóng mặt 2 năm trở lại đây. Nhưng tôi không tin căn nhà trên được bồi thường với mức 140 triệu đồng/m2. Tất nhiên giá đất bồi thường căn nhà đó thời điểm này phải khác với khi nó được định giá 2 - 3 năm về trước.

Nhà nước có bồi thường mức giá nào đi nữa thì cũng cần đảm bảo không gây thiệt thòi cho dân. Ngoài việc tạo dựng chỗ an cư mới, thì phải đảm bảo được sinh kế. Đó mới là tính nhân văn trong việc thực hiện chính sách” - anh Bình chia sẻ.

Đại diện Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Tân Phú khẳng định thông tin quận duyệt kinh phí đền bù cho căn nhà số 85A Lũy Bán Bích với giá 5,1 tỷ đồng là thông tin hoàn toàn không chính xác.

“Căn nhà trên (diện tích chính xác 36,58m2) - chủ sở hữu là ông Trần Sáu và bà Võ Thị Ngọc Liên được bồi thường hơn 2,7 tỷ đồng. UBND quận Tân Phú đang tích cực làm việc với các bên để sớm xong công tác đền bù, giải tỏa căn nhà trên” - vị cán bộ trên thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.