Vật lộn kiếm cơm cùng "thần chết"

Vật lộn kiếm cơm cùng "thần chết"

(GD&TĐ) - Chiến tranh đã lùi xa hơn 36 năm nhưng khắp nơi trên đất nước này vẫn hiện hữa vô vàn những loại đầu đạn, bom mìn nằm trôi nổi, vùi sâu trong lòng đất. Và một sự thật đáng buồn là là giữa thời bình, ngày ngày vẫn còn đó những tiếng nổ, những cái chết oan mà nạn nhân chính là những phận người nghèo khổ. Nó in hằn dai dẳng, đã báo trước những hiểm họa nhưng vì miếng cơm, manh áo, con người ta vẫn chưa thể từ bỏ “cuộc chiến” đổi mạng người.

Gần 10 giờ trưa, trời nắng như lửa đổ, từng luồng hơi nóng thổi xộc vào mặt, chúng tôi bắt đầu trèo ngược con dốc dựng đứng dài hơn 5km để tìm đến núi Bồ Bồ (giao hai xã Quế Hiệp và Quế Châu, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam), nơi những người ngày ngày vật lộn mưu sinh cùng “thần chết” (những vật liệu nổ, đầu đạn, bom mìn còn sót lại sau chiến tranh).

Lạc vào “thế giới” rà tìm phế liệu chiến tranh

Vừa đặt chân đến đám rừng keo cháy đen trụi rộng chừng vài chục hec ta, chúng tôi đã nghe tiếng máy rà “o o”, “bíp bíp” liên thanh như ve kêu; tiếng đào, bới thịch thịch, ba hồi chen chen vì trúng đá. Ngọn núi này có khá nhiều đồi lớn, đồi nhỏ nhưng hầu như đồi nào cũng có người rà, kẻ đào. Mặt đất đâu đâu cũng bị xới tung chẳng khác gì heo rừng ụi; những hục hang lớn nhỏ nằm dày đặc, có hục sâu hóm như giếng nước. Rợn người hơn khi chúng tôi phải trực tiếp chứng kiến gần chục quả nổ, đầu đạn…nằm phơi trần trên mặt đất.

Những “thần chết” này đa phần là đầu đạn M60, M79, 105 li, 155 li (dân rà thường gọi là canh nông), bom bi... còn nằm lại sau chiến tranh. “Chu cha, chú không biết đấy thôi, lúc tui đốn hạ cây cối rồi đốt cái rừng này, lựu đạn, bom bi… nổ bùm bùm, kiếp lắm! Vậy mà, lửa cháy tới đâu là những người rà sắt áp sát tới đó. Họ bu vào đống lửa mong tìm được “đồ lớn” như thể không thiết sống nữa vậy!”- lão N., một chủ rừng ở đây nói nghe dựng tóc gáy.

Cũng theo lão N., những “thần chết” nằm phơi trần trên mặt đất trước sau cũng được các dân rà lượm về tháo mở lấy thuốc bán. “Mới đốt rừng nên họ chưa nhìn thấy thôi chứ vài bữa nữa là không còn mô, miễn là nằm trong “khả năng” của họ là họ “bợ” tất”- ông N. nhận định. Để tiếp cận được những người rà tìm phế liệu, chúng tôi phải “giả” làm người đi lượm những mảnh sắt vụn nằm trôi nổi trên mặt đất.

Thấy có người lạ, H. đang cầm chiếc máy rà quơ quơ bên mấy tảng đá lớn trên ngọn đồi bỗng chạy xộc xuống quở: “Bữa ni mà còn đi lượm hả! Không thấy ngày nào cũng có hàng chục máy rà lớn nhỏ “ăn nằm” đây à. Còn mô nữa mà lượm.” Chúng tôi ngỏ ý muốn được giúp đỡ, H. đồng ý và “huýt” cho một hục canh nông nổ rồi. H. dùng cuốc “húc” một lỗ sâu xuống lòng đất thì thấy nhiều mảnh sắt trốc lên. Cầm trên tay mảnh sắt dài chừng 20 cm, H. nhanh nhảu vẻ: “Miếng dài chú để riêng ra về bán giá cao hơn, còn mảnh vụn cho vào một bao bán giá khác.” H. còn hướng dẫn chúng tôi cách lấy đầu búa, lát đồng (vật gắn ở đầu quả canh nông nhưng nổ rồi nên không còn nguy hiểm - NV).

Theo H., đào hục canh nông chủ yếu là lấy cho được vật này vì chúng có nhiều đồng. “Khi chú đào đến mảnh đầu, tiếp tục đào một đoạn nữa sẽ có “lồ mà” đen thui đi vô. Cứ đào theo “lỗ mà” (màu đen) đấy sẽ đến đầu búa, lát đồng”- H. tiết lộ kinh nghiệm nghề. Vừa nói xong, H. xách máy rà băng qua đám cháy đang bốc khói ngun ngút phía trước mặt mong tìm được “hàng lớn”, mặc cho những “thần chết” đang nằm dấu mình trong đống cây bỗi. Chưa đầy vài phút sau, các “tay rà” ở các ngọn đồi khác cũng mau chóng ùa qua đám cháy giống như “mèo gặp mỡ”.

Ảnh st
Ảnh st

Giáp mặt với “thần chết”

Chúng tôi đang cố đào cho xong hục sắt thì bỗng có một cậu bé mặt quẹt đầy than củi lăn xăn chạy lại. Tay thò vào giỏ sắt rà được, em rút ra mảnh sắt nặng chừng 5 kg, ngây ngô khoe: “Ngày nay em “bợ” được quả canh nông bực (nổ rồi nhưng bể thành mảnh lớn chứ không nổ vụn, đôi khi còn dính thuốc nổ trên mảnh sắt- NV) nhưng thuốc long tinh (là loại thuốc rất dễ cháy khi cọ sát, nếu dính vào các vết thương trên cơ thể thì lở loét đến tận xương tủy - NV) nên đào bốc khói ghê lắm anh!” Nghe cậu bé nói chúng tôi cũng dựng người, xanh mặt.

Cậu bé tên P., năm nay học lớp 9, nhưng vì nhà nghèo nên em đi học một buổi, một buổi đi rà sắt kiếm thêm tiền ăn học. “Không thiệt anh, có khi một buổi em kiếm được vài chục, có khi một trăm... nhưng mất sức dữ lắm. Chừ đi vầy (vậy) chứ tối về, đặt lưng xuống giường là không biết trời trăng mây gió gì nữa...”- P. nhăn mặt nói. Ba mẹ có đồng ý cho em làm việc này?- Chúng tôi hỏi. “Thấy nghề này cũng dễ kiếm ra tiền nên ba mẹ cho em đi”- P. nói.

Nhưng ba mẹ P. đâu biết rằng, trong quá trình rà phế liệu đã không ít lần P. giáp mặt với thần chết. “Có hôm em đào trúng quả nổ, sợ quá em vứt cuốc, vứt máy chạy tìm chỗ núp. Cũng có hôm em rà được cục gì đó lạ lạ tưởng là nổ rồi nên cho vào giỏ, cõng trên vai từ sáng đến trưa nhưng sau đó mới biết là quả lựa đạn…” - P. cho hay. Theo P., làng... (nơi P. ở), vì hoàn cảnh gia đình, cũng có khá nhiều trẻ sớm bỏ học “ôm” máy rà để kiếm tiền.

L., một người bạn đi cùng P., hồn nhiên: “Em thích đi rà lắm! Tuy hơi mệt tí nhưng ngày nào cũng có tiền cả anh ạ.” Theo nhìn nhận của chúng tôi, những đứa trẻ này hoàn toàn chưa phát triển đầy đủ về thể chất, xương cốt còn non yếu nhưng đã phải vùi mình làm một nghề nặng nhọc- rà phế liệu. Chỉ mới 15 tuổi nhưng nhìn thân hình em L., nào khuôn mặt, đôi tay, bàn chân... chẳng khác gì ông già ngoài bảy mươi. L. kể, không phải mình rà, đào lấy được cục sắt, cục đồng là xong, chiều về em còn phải cõng trên vai mấy chục kg phế liệu ì ạch từng bước xuống núi. Vì dốc quá xuôi, gùi sắt quá nặng, em phải đi lưng “bà còng”, gối run cành cạch, lắm lần trượt ngã nát cả tay chân, mặt mày.

Ngoài những đứa trẻ bỏ học, phá sức kiếm tiền, trong “bầy” cũng có khá nhiều tay rà “lão thành” gia cảnh nghèo khổ. Ông M.(50 tuổi), người hành nghề được hơn 15 năm, cho hay: “Nhà tui đất ruộng không có nên đành phải làm nghề này. Kiếm đồng tiền rà cũng “chảy máu” con mắt nhưng chừ biết mần chi, không làm lấy cơm mô ăn!” M. cho rằng những nghề khác làm cũng có tiền nhưng lương “cứng” còn nghề này lương “mềm” hơn nhiều. Minh chứng là có ngày M. kiếm được 50, 60 ngàn nhưng cũng có ngày được vài trăm, vài triệu, thậm chí vài chục triệu đồng theo M. cũng là chuyện bình thường.

Thấy chúng tôi tỏ vẻ tò mò với chiếc máy rà “hiện đại” trên tay mình, M. chẳng ngại khoe: “Lúc mới mua chiếc máy này về, tui rà trúng lắm, ngày nào cũng đụng “hàng lớn” cả. So với máy rà thường, máy rà kim (M. đang dùng) không cần quơ sát mặt đất mà chỉ cần quơ cao ngang gối là được. Với lại, máy “bắt” (hút) rất sâu, ví dụ như bom, canh nông... thì máy có thể “bắt” từ 2-4 m. Quả đúng như lời M. nói, chúng tôi cầm thử chiếc máy “nê” quanh một vòng thì thấy máy liên tục báo âm thanh “bíp bíp” (tín hiệu hút kim loại). Theo M, cứ nghe tiếng “bíp bíp” như thế là dùng cuốc đào xuống chứ chả rõ dưới lòng đất là vật gì (!?). “Nếu máy “bíp” vạt rộng cỡ bằng cái nia, cái nong thì một là hục canh nông nổ rồi, hai là quả 81 hay quả canh nông (chưa nổ), cũng có khi là quả bom cũng nên!”- với kinh nghiệm lâu năm, M. đoán vậy.

Tạm chia tay ông M., chúng tôi tiếp tục vác cuốc, xách bao qua đồi cháy bên cạnh thì chứng kiến ông S. đang cong lưng đào một hục đất sâu ngang bụng người. S. chăm chú lắm, hình như ông đang cố moi móc cái gì đó dưới hòn đá nằm chắn ngang. Mồ hôi nhễ nhại, áo quần ướt đẫm, S. húc mạnh tay cuốc một hồi rồi lại uốn lưng, thở ngắn thở dài. “Bợ quả... rồi nhưng nó chui dưới hòn đá, khó ăn quá, chắc phải chạy về nhà lấy xà ben mới cạy lên được.”- S. vô tư khoe. Theo quan sát, quả... có dạng hình trụ, dài khoảng nửa mét, có một vòng đồng màu xanh ở thân, nằm dúi đầu dưới tảng đá lớn.

Trời đã gần đứng bóng, hết chịu nỗi cái nắng ban trưa như thiêu đốt, các “tay rà” lần lượt kéo nhau vào bóng cây. Chúng tôi kịp chân lần vào đám đông và “lọt tai” khá nhiều chuyện về việc rà phá bom mìn. Không ít dân rà ở đây là những tay tháo quả nổ, bom mìn máu mặt từ khi giải phóng đến bây giờ. “Ngày trước bom đạn còn nằm dày đặc trên mặt đất, cứ thế lên rừng khiêng về “làm thịt” thôi. Thời điểm bọn tui “ăn” gần hết đồ nổi thì mới bắt đầu có máy rà sắt.”- H. tiết lộ.

Đến ngọn núi này, họ vừa rà tìm phế liệu, vừa “gù” những người rà khác để hòng mua bom, đạn đem về tháo mở lấy thuốc bán. “Tùy theo em, nếu bom trung hay bom ghè mà gặp thuốc rin thì bữa ni nằm ở giá khoảng 30 “chai” (triệu). Còn thuốc lô thì cao lắm cũng khoảng 15 “chai” là cùng.”- Q., một tên chuyên làm công việc này cho biết. Theo Q., nếu rà trúng bom hay mua lại được của người khác thì Q. phải rủ thêm 4-5 người cùng nhau mở kíp, sau đó khiêng bom xuống vùng trũng dùng búa tạ đập lấy thuốc nổ. “Những quả khác thì có khi xảy ra “sự cố” nhưng riêng bom thì không vì nó chỉ có kíp đầu, kíp đít chứ không có kíp ruột.” – Q. bật mí.

Cơm nước, nghỉ ngơi được một lát, thấy mặt trời ngã bóng, các tay rà lại mang máy tản ra các đồi cháy tiếp tục đào bới. Phải công nhận, sức khỏe của họ thật dẻo dai, họ lội hết đồi này, băng qua đồi khác mà vẫn chịu đựng nổi; khiến chúng tôi không tài nào theo kịp. Thế nhưng ngày nào họ cũng đi, có người đi nguyên cả một tháng trời ròng rã không ngơi nghỉ.

Đôi chân mỏi lừ, mồ hôi tuôn như mưa, chúng tôi ngồi bệt giữa ngọn đồi chênh vênh đá chởm, bên cái lỗ sâu hóm còn in dấu quả... vừa được những dân rà “xẻ thịt” cách đó vài ngày. Trời dần hạ nhiệt, mặt đất mỗi lúc một khô cứng, một cơn gió nhẹ thổi phù qua đám cháy khiến tro bụi bay tứ tung mù mịt. Giữa ngọn đồi mênh mông trùng điệp, vẫn còn những tiếng vọng lóc cóc, leng keng... tiếng “gọi bầy” í ới của những phận người đang vật vờ lăn lộn cùng “thần chết”.

Đại Sơn Cầm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ