Tuy nhiên, điều đặc biệt là vật liệu này nhẹ, chắc chắn hơn và có thể tái sử dụng. Vật liệu giống như miếng bọt biển này có thể là yếu tố “thay đổi cuộc chơi” trong quá trình chế tạo mũ bảo hiểm, áo giáp cũng như các bộ phận của ô tô và ngành hàng không vũ trụ. Nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí Advanced Materials.
“Chúng tôi rất vui về những phát hiện của mình. Vật liệu mới có khả năng hấp thụ năng lượng cực lớn. Vật liệu này mang lại sự bảo vệ tốt hơn ngay cả khi gặp nhiều tác động. Song, vật liệu cũng nhẹ hơn.
Do đó, nó có thể làm giảm mức tiêu thụ nhiên liệu và tác động đến môi trường của các phương tiện giao thông. Đồng thời, mang lại sự thoải mái hơn cho người mặc đồ bảo hộ”, tác giả nghiên cứu Sung Hoon Kang - trợ lý giáo sư về kỹ thuật cơ khí cho biết.
Ông Kang - người cũng là thành viên của Viện vật liệu Hopkins, cho biết, nhóm muốn tạo ra một loại vật liệu có thể hấp thụ năng lượng tốt hơn các tấm chắn xe hơi và đệm mũ bảo hiểm hiện nay.
Ông nhận thấy, các vật liệu điển hình được sử dụng cho những thiết bị bảo vệ quan trọng này không hoạt động tốt khi di chuyển với tốc độ cao. Chúng cũng thường không thể tái sử dụng.
Nhóm nghiên cứu có thể tăng thêm sức mạnh vật liệu, giảm trọng lượng bằng chất đàn hồi tinh thể lỏng hấp thụ năng lượng cao (LCE). Chất liệu này được sử dụng chủ yếu trong thiết bị truyền động và robot.
Trong các thí nghiệm kiểm tra khả năng chịu va đập, vật liệu có thể chống lại các cú va chạm từ những vật có trọng lượng khoảng 4 - 15 pound (1,81 - 6,8 kg), với tốc độ lên đến khoảng 22 dặm (35,4 km) một giờ.
Các thử nghiệm được giới hạn ở 22 dặm một giờ do máy thử nghiệm. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu bày tỏ tin tưởng rằng, lớp đệm có thể chống lại các tác động lớn hơn nữa một cách an toàn.
Kang và nhóm của ông cho biết đang tìm cách hợp tác với một công ty mũ bảo hiểm. Nhờ đó, thiết kế, chế tạo và thử nghiệm mũ bảo hiểm thế hệ tiếp theo cho các vận động viên và quân nhân.