Tuy vậy, giữa lúc chính quyền đang dùng mọi biện pháp có thể để dập dịch thì một bộ phận người dân tỏ ra chủ quan, coi thường dịch, không chịu hợp tác đi tiêm chủng...
Khó khăn đủ đường
Xã Quảng Phú, huyện Krông Nô đang là một trong những ổ dịch bạch hầu của Đắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Ngành Y tế tỉnh này đang dốc toàn lực để kiểm soát, khống chế các ổ dịch và không để tình hình vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Hiện, phương án phòng bệnh bạch hầu hữu hiệu nhất, đó là tiêm vaccine để ngăn ngừa.
Chính quyền xã này đã cắt cử lực lượng dân quân tự vệ, cán bộ MTTQVN... tổ chức lập chốt cách ly, phong tỏa những khu vực từng ghi nhận những ca nhiễm bệnh để tránh dịch lan rộng. Người dân sống trong những khu cách ly không được di chuyển ra ngoài rào chắn. Cơ quan chức năng sẽ cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết cho bà con.
Cán bộ Y tế huyện Krông Nô tâm sự, thôn Phú Vinh, xã Quảng Phú cách trung tâm huyện gần 70km, có đông người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu là người Mông. Người dân ở đây nhận thức về dịch bệnh còn thấp, nhiều người không chịu đi tiêm phòng vắc xin. Đơn vị phải phối hợp với cán bộ thôn nhiều lần vận động, thuyết phục họ mới chịu đến tiêm chủng.
Giữa cái nắng chói chang lúc ban trưa, một cán bộ hội phụ nữ của thôn phải sắm một chiếc loa lớn, đi từng khu vực để nhắc nhở bà con đến trạm tiêm vắc xin phòng bệnh. Trường hợp ông Triệu Văn Thi nhiều lần không hợp tác với cán bộ thôn, y tế xã. Dù vợ con đã tiêm chủng nhưng ông nhất quyết không chịu đi. Khi lực lượng chức năng đến vận động, ông Thi còn lớn tiếng đe dọa, bỏ đi không chịu tiếp.
Có thời điểm, các cán bộ thôn phải đi tận nhà từng người dân mời đến họp gấp. Tiếp đó, họ cắt cử người dịch tiếng Việt ra tiếng Mông để tuyên truyền cho nguồi dân biết về những nguy hiểm của bệnh bạch hầu; kết hợp phát tờ rơi cũng bằng phương thức dịch ra tiếng người bản địa. Tuy vậy, hiệu quả của những cách làm này vẫn chưa được như mong muốn.
Được biết, khi Trung tâm y tế huyện Krông Nô tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu (trong 3 ngày) cho hơn 1.300 người dân trong thôn Phú Vinh thì số người đến vẫn khá ít. Người rời địa phương đi làm ăn xa, có trường hợp còn tỏ ra bất cần, coi thường dịch bệnh không đến tiêm chủng.
Bằng mọi giá phải bảo đảm an toàn cho dân
Ông Trương Hy - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Nô - cho biết: ‘’ Đơn vị đã cắt cử người túc trực 24/24 ở khu vực xã Quảng Phú để đôn đốc việc phòng chống dịch bệnh ở vùng này. Đơn vị đã phối hợp với chính quyền xã đã lập ra 2 chốt cách ly ở thôn Phú Vinh. Trong 3 ngày tới, dù có khó khăn đến mấy, chúng tôi sẽ nỗ lực để tiêm chủng cho toàn bộ bà con trong thôn, mỗi người 2 liều để đảm bảo an toàn cho họ’’.
Toàn tỉnh Đắk Nông ghi nhận có 25 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu (11 ca ở huyện Krông Nô; 12 ca ở huyện Đắk G’long; 2 ca ở huyện Đắk G’lấp). Hai ca đã tử vong ở xã Quảng Hòa và xã Đắk R’Măng. Số người nghi ngờ mắc bệnh tích lũy đến nay là 58 trường hợp (trong đó 28 trường hợp ở Krông Nô và 30 trường hợp ở huyện Đắk G’long). Trong số này, 24 trường hợp đang được điều trị tại các trung tâm y tế huyện.
Ngoài 25 ca dương tính với bệnh bạch hầu, hiện còn 49 trường hợp trong tổng số hơn 800 mẫu đang đợi kết quả xét nghiệm. Ngành Y tế tỉnh đang tiến hành các biện pháp khẩn cấp như khoanh vùng, cách ly và cho người dân sử dụng thuốc dự phòng, tiêm vắc xin cho hàng nghìn người dân.
Đắk Nông vẫn đang kiểm soát tốt các ổ dịch bạch hầu. Trước đó, lãnh đạo Sở Y tế Đắk Nông thông tin, ngoài các biện pháp về phun độc khử trùng, cách ly những trường hợp tiếp xúc với ca bệnh để tránh lây lan. Ngành Y tế tỉnh đang khẩn trương thực hiện cách thức khá hữu hiệu đó là xã liên quan, xung quanh khu vực có khả năng có mầm bệnh thì sẽ cho người dân khám sàng lọc trước, lấy mẫu xét nghiệm...