Vào rừng “kéo” học trò Đan Lai tới lớp

Cứ đều đặn, vào năm học mới, các thầy giáo Trường THCS Môn Sơn (huyện Con Cuông, Nghệ An) lại băng rừng, lội suối đi tìm học trò Đan Lai đưa trở lại trường. Đưa được học trò ra khỏi núi, giữ học trò ở lại trường cũng không kém gian nan.

Vào rừng “kéo” học trò Đan Lai tới lớp

Theo thống kê, Trường THCS Môn Sơn có 88 em/ tổng số 485 học sinh là người dân tộc Đan Lai (một nhóm dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng lỗi Vườn Quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, Nghệ An). Khi năm học mới chính thức bắt đầu, có 76 học sinh Đan Lai đến trường. Trong đó 37 em ở bản Cò Phạt, 29 ở bản Khe Búng còn lại là ở hai bản tái định cư của người Đan Lai là Cửa Rào và Tân Sơn.

Sau ngày khai giảng năm học mới, vẫn còn 12 học sinh Đan Lai và 1 em học sinh người Thái không đến trường. Các học sinh này đều ở bản Cò Phạt và Khe Búng - 2 bản nằm ở thượng nguồn Sông Giăng, cách trung tâm xã hơn 30km đường đèo dốc.

Các thành viên tổ vận động thuyết phục phụ huynh cho con đi học
Các thành viên tổ vận động thuyết phục phụ huynh cho con đi học

Thầy Nguyễn Văn Hào - Hiệu trưởng Trường THCS Môn Sơn cho biết: “Đây là hai bản xa trung tâm xã nhất, giao thông đi lại cực kỳ khó khăn, đời sống bà con còn rất nghèo, phần lớn là không đủ ăn nên chưa thực sự quan tâm đến việc học hành của con em mình. Năm nào trường cũng phải cử cán bộ, giáo viên phối hợp với cán bộ UBND xã Môn Sơn và Đồn biên phòng Môn Sơn vào tận nơi vận động các em đến lớp sau kỳ nghỉ hè”.

Con đường độc đạo vào với bản Khe Búng, Cò Phạt bị sạt lở nghiêm trọng. Đoàn công tác phải đi thuyền theo Khe Khặng để vào. Mùa này bà con Đan Lai đã vào sâu trong rừng để hái măng, việc gặp gỡ và thuyết phục họ cho con em đến trường là cực kỳ khó.

Em La Văn Cánh theo mẹ đi hái măng. Đoàn vận động và được gia đình hứa sẽ sớm đưa Cánh ra trường.
Em La Văn Cánh theo mẹ đi hái măng. Đoàn vận động và được gia đình hứa sẽ sớm đưa Cánh ra trường.

Trong số 12 em học sinh thì có 3 em bị khuyết tật và 1 em bị tai nạn không thể tự vận động. Sau 1 ngày gặp gỡ, phân tích, thuyết phục, phụ huynh của các em La Văn Dương, La Thị Mai, La Văn Chơi hứa sẽ tự đưa các em ra trường. Đoàn vận động chịu trách nhiệm đưa 3 em học sinh khuyết tật về trường.

“Trong kỳ nghỉ hè, em Lê Văn Giáp - lớp 6 (ở Khe Búng) trèo cây bị ngã, gãy cả tay lẫn chân. Sức khỏe của em như thế không đảm bảo cho chuyến di chuyển đường rừng núi, hơn nữa, việc chăm sóc cho Giáp khi ra khu nội trú của trường rất khó khăn. Dù không muốn nhưng đoàn đành phải để em ở nhà. Anh Lê Văn Hoa - bố em Giáp hứa sang năm sẽ cho con đi học”, thầy Hào cho biết.

Dù vận động, thuyết phục lẫn năn nỉ nhưng cậu bé Lê Văn Buôn vẫn không chịu trở lại trường mà ở nhà trông em dù đây là năm học cuối cấp của Buôn
Dù vận động, thuyết phục lẫn năn nỉ nhưng cậu bé Lê Văn Buôn vẫn không chịu trở lại trường mà ở nhà trông em dù đây là năm học cuối cấp của Buôn

Mặc dù các thầy giáo đã vào tận nhà, nói chuyện, tâm sự, phân tích lẫn năn nỉ nhưng em Lê Văn Đài (lớp 9) nhất định không quay trở lại trường. Đài cho biết, gia đình hoàn cảnh, bản thân em không còn muốn đi học nữa nên sẽ ở nhà làm ăn.

Cách đây 3 năm, các thầy cô giáo Trường THCS Môn Sơn phải trèo qua hai quả đồi lúc trời đã nhá nhem tối để vào rẫy “bắt” Lê Văn Buôn ra trường. Ra đến nơi, thầy cô giáo góp tiền mua quần áo mới, mua sách, cặp… cho Buôn. Dù học không khá lắm nhưng năm lớp 7, lớp 8, Buôn vẫn tự giác quay lại trường vào đầu năm học mới.

3 học sinh được các thầy giáo đưa ra trường trong chuyến ngược núi đầu năm học mới 2017-2018
3 học sinh được các thầy giáo đưa ra trường trong chuyến ngược núi đầu năm học mới 2017-2018

Năm nay Buôn lên lớp 9. Đầu năm học, không thấy cậu học sinh này trở lại lớp, các thầy cô giáo đến nhà tìm. Bố mẹ vào rừng hái măng, Buôn ở nhà trông nom các em. “Nói Buôn trở lại trường, em ấy khóc rồi bảo phải ở nhà trông em, hôm nào bố mẹ từ rừng về sẽ ra trường sau. Người bác ruột ở gần đó hứa sẽ trông nom các em giúp để Buôn đi học nhưng em ấy không chịu”, thầy Hào kể tiếp.

Không ai nói với ai nhưng ai cũng hiểu thật khó để Lê Văn Đài hay Lê Văn Buôn quay trở lại trường. Rồi cũng như những chàng trai Đan Lai trẻ tuổi khác, Đài và Buôn sẽ lấy vợ, sinh con khi chưa đủ tuổi. Và khi đó, con đường của các em là đi vào rừng kiếm kế sinh nhai thay vì đến trường học chữ…

Các em học sinh người Đan Lai ở hai bản Cò Phạt, Khe Búng được miễn toàn bộ học phí, hỗ trợ ăn, ở trong thời gian học tại Trường THCS Môn Sơn
Các em học sinh người Đan Lai ở hai bản Cò Phạt, Khe Búng được miễn toàn bộ học phí, hỗ trợ ăn, ở trong thời gian học tại Trường THCS Môn Sơn

Theo quy định, các em học sinh người Đan Lai ở hai bản Cò Phạt và Khe Búng được miễn học phí, hỗ trợ ăn, ở tại ký túc xá của trường. Hằng năm mỗi giáo viên Trường THCS Môn Sơn nhận nuôi, chăm sóc và hướng dẫn từ 1 đến 2 học sinh Đan Lai và vận động sự hỗ trợ từ bên ngoài để các em đỡ khó khăn, vất vả hơn khi đi học xa nhà...

Học sinh Trường THCS Môn Sơn đọc sách báo trong thư viện của trường
Học sinh Trường THCS Môn Sơn đọc sách báo trong thư viện của trường

“Hiện nhà trường cùng Đồn biên phòng Môn Sơn, cán bộ xã và ban quản lý bản tiếp tục vận động các em còn lại ra trường. Các em ra trường muộn hơn các bạn, chúng tôi đã cắt cử giáo viên phụ đạo để các em theo kịp chương trình.

Không chỉ các em học sinh người Đan Lai ở hai bản Cò Phạt và Khe Búng mà hiện chúng tôi cũng đang rất lo học sinh Đan Lai ở hai bản tái định cư Cửa Rào và Tân Sơn. Gia đình các em đều rất nghèo, nhưng các em chỉ được hưởng chính sách miễn học phí, không được hưởng chế độ hỗ trợ ăn, ở bán trú... Nhà trường, chính quyền địa phương đã rất cố gắng nhưng nếu không có hỗ trợ thêm từ các cơ quan, tổ chức, sợ các em sẽ khó thể tiếp tục theo học”, thầy Hào nén tiếng thở dài.

Theo dantri

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ