“Gồng hết sức” dọn hậu quả bão số 10 để học sinh sớm đến trường

GD&TĐ - "Công lao của anh chị em bấy lâu cố gắng giờ đây gặt được kết quả là con số không tròn trĩnh khi cơn bão đi qua cuốn tất cả", Cô giáo Phạm Thị Thanh Huệ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quảng Đông xã Quảng Đông chia sẻ với PV Báo Giáo dục và Thời đại.

Đoàn thể các cấp chung tay dọn dẹp trường lớp để học sinh sớm đến trường.
Đoàn thể các cấp chung tay dọn dẹp trường lớp để học sinh sớm đến trường.

Sau bão, những cán bộ giáo viên nhân viên ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Bình nói chung và vùng tâm bão Quảng Trạch nói riêng không khỏi thất thần trước sự tàn phá khủng khiếp của cơn bão số 10 gây ra. Nhiều địa phương, nhiều trường học không chỉ tốc mái, sập tường rào mà còn hư hỏng trang thiết bị vật chất phục vụ việc dạy học của từng trường.

Nước mắt của giáo viên vùng tâm bão

Giáo viên dọn vệ sinh sau bão
Giáo viên dọn vệ sinh sau bão 

Cô giáo Phạm Thị Thanh Huệ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quảng Đông xã Quảng Đông tâm sự, ngôi trường đóng trên địa bàn vùng khó khăn nên bao nhiêu năm qua được sự quan tâm của các cấp cùng với sự chung tay, góp sức của phụ huynh học sinh chúng tôi bắt đầu xây dựng được cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chuẩn của mình.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang, khi bắt đầu mọi thứ thành hình hài thì vào tháng 7/2017 khi cơn bão số 2 ảnh hưởng đến vùng này. Tất cả những xây dựng công trình ngoài trời là sân chơi, là vườn cổ tích của nhà trường bị gió bão tàn phá làm hư hỏng khá nặng nề.

Xót của, cán bộ giáo viên nhân viên nhà trường tuy nghỉ hè nhưng vẫn tập trung lại dọn dẹp để chuẩn bị vào năm học mới… Mùa khai giảng chưa dứt thì cơn bão số 10 ập đến, tất cả lại đã tan hoang, không còn gì nữa. Thiệt hại này có thể đong đếm được nhưng công sức của phụ huynh, của giáo viên thì làm sao đếm cho xuể… cô Huệ tâm sự trong nước mắt.

Không ở tâm bão như trường Mầm non Quảng Đông, trường Tiểu học Quảng Văn (xã Quảng Văn -TX Ba Đồn – Quảng Bình) là một trong những ngôi trường trong vùng đặc biệt khó khăn với bao điều thiếu thốn.

Mấy năm trở lại đây, ngôi trường này vươn lên mạnh mẽ khi được sự đồng sức đồng lòng của phụ huynh học sinh và chính quyền quyết tâm xây dựng thành trường chuẩn Quốc gia. Mọi nguồn lực của địa được tập trung để xây dựng hoàn thành sớm theo mục tiêu đã đặt ra, nhưng cơn lũ năm 2016 đã cuốn phăng mọi sự chuẩn bị ban đầu của nhà trường, rồi bây giờ đến bão số 10 quét qua đã đủ để phá tan thành quả của cán bộ giáo viên xây dựng hơn 1 năm qua.

Cô Đinh Thị Phương Nhạn, hiệu trưởng nhà trường chỉ cho chúng tôi thấy ngôi trường nơi cơn bão đi qua, nó cuốn đi tất cả mọi thứ nào là mái ngói, cửa sổ, cây cảnh khuôn viên… đều đã bị gió bão phá tan. Thiệt hại được đánh giá khoảng 450 triệu đồng nhưng công sức đâu có thể quy đổi bằng một con số cụ thể?...

Sẽ đứng dậy và làm lại từ đầu…

Trường mầm non Quảng Đông sau bão

Trường mầm non Quảng Đông sau bão 

Có thể nói, Quảng Bình là một vùng đất thường xuyên chịu thiên tai bão lũ, và hàng năm như thế mỗi lúc vào mùa mưa bão là một sự nơm nớp lo sợ của người dân và ánh mắt đăm chiêu, chia sẻ của cả nước hướng về con người và vùng đất khó khăn này… Hình ảnh những người giáo viên ướt nhèm nhẹp, gồng hết sức mình dọn dẹp hậu quả bão lũ để lại để học sinh sớm đến trường cũng là một hình ảnh đáng quý đáng trân trọng.

Khóc đấy, rồi cười đấy thôi, cô Huệ gạt đi dòng nước mắt trên gò má và nói rằng “Khổ quen rồi, giờ khổ thêm tí có sao đâu. Học sinh mình khổ hơn nhiều nên quyết tâm sẽ không để học sinh khổ nữa”… Cô Huệ chỉ cho chúng tôi thấy, chỉ hơn một ngày sau bão mà các phòng học đã được giáo viên dọn sạch sẻ để đón học sinh đến trường. Dù khó thế nào cũng không thể để học sinh nghĩ dài ngày được.

Không chỉ cô Huệ, cô Nhạn mà gần như tất cả những cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Bình đều rất tự tin và lạc quan. Điều trước mắt của họ là làm sao để cho học sinh có thể đến trường càng sớm càng tốt và sẽ bắt tay xây dựng lại từ đầu sau mỗi lần bão lũ đi qua. Bên cạnh họ đó là niềm tin của phụ huynh học sinh cùng sự chung tay của mặt trận đoàn thể các cấp trong công tác phục hồi, xây dựng lại từ những thiệt hại do thiên tai bão lũ gây ra…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Giá trị của hòa bình

GD&TĐ - Ralph Waldo Emerson từng nói: “Những chiến thắng thật sự và bền lâu là chiến thắng của hòa bình, không phải của chiến tranh”.
Gia đình 3 thế hệ ông Trần Út Nhì vào rừng ăn ong. Ảnh: Nguyễn Thanh Dũng.

Về U Minh Hạ theo chân thợ rừng 'ăn ong'

GD&TĐ - 'Ăn ong' như thế nào để không bị ong đốt, giữ được lượng mật và để ong còn trở về làm tổ, có lẽ chỉ những người thợ rừng lâu năm ở U Minh Hạ mới biết.