Thôn Tân Đi 2 (xã A Vao) từ lâu là điểm nóng khai thác vàng trái phép ở huyện miền núi Đakrông. Đường vào bãi vàng mất 45 phút đi bộ ngược suối Ba Lin, nhưng người dân thôn Tân Đi 2 khi được hỏi đều lắc đầu, giấu ánh mắt sợ hãi và từ chối dẫn đường.
Men suối ngược nguồn khoảng 30 phút, cảnh ngổn ngang dần hiện ra. Lòng suối bị đào xới tan nát như qua trận bom. Những cái hố sâu hoắm, nham nhở xuất hiện dày đặc hàng km.
Cách một quãng lại có một cây cổ thụ bị đốn hạ, thân còn ứa nhựa. Một nhóm cửu vạn là người bản địa gò lưng gùi dầu máy, lương thực thực phẩm... tiếp tế cho vàng tặc dần mất bóng giữa núi rừng.
Vượt dốc và leo đồi thêm gần 30 phút nữa, tiếng máy nổ nghiền đá rầm rập, rung chuyển cả một góc rừng. Giữa lòng suối, khoảng 10 tấm bạt xanh được căng lên, hàng chục người đàn ông thi nhau đào và đãi đá, nhuộm nước suối từ trắng trong thành đỏ au chảy xuống bản làng.
Gần bãi đãi không xa là một cửa hầm hàm ếch rộng chừng 5 mét, cao hơn 3 mét khoét sâu vào lòng núi. Trên miệng hầm, đất đồi được san bằng để làm dãy lán trại ăn ở của phu vàng.
Gánh chịu hậu quả trực tiếp và nặng nề là hơn 200 người dân thôn Tân Đi 2. Con suối Ba Lin vốn là nguồn cung cấp nước duy nhất để người dân sinh hoạt và sản xuất bị đầu độc, trở thành nguồn nước chết.
Phó công an huyện Đakrông cho biết, nhiều hầm vàng sâu phải có máy dưỡng khí mới vào được |
"Trẻ con tắm vào bị ngứa, trâu bò dê uống vào là đau bụng. Cá tôm dưới suối giờ không còn một con", ông Côn Mết, một người dân nói và cho biết phải huy động con cháu đi vòng qua bãi vàng, đào một con lạch nhỏ dẫn nước về thôn. Người dân đi rẫy cũng tránh lội băng qua suối vì về nhà là ngứa ngáy, khó chịu.
Không dám đối đầu, dân làng chỉ phạt vạ vàng tặc con heo để cúng Giàng trả lại nguồn nước. Nhưng heo đã cúng mấy con mà nước vẫn cứ đục. Một mặt chấp nhận cúng heo, mặt khác vàng tặc đe dọa khiến người dân không dám giáp mặt phu vàng. Giáo viên cắm bản buổi tối cũng đóng cửa ngủ sớm để tránh bị quậy phá.
Ông Hồ Văn Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND xã A Va, thừa nhận việc khai thác vàng ảnh hưởng rất lớn đến người dân. "Dân không có nước để tắm, uống không được, làm ruộng hư hết lúa", ông Nghiệp nói.
Thiếu tá Hoàng Văn Dũng, Đội phó Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự, Quản lý kinh tế và chức vụ, Môi trường (Công an huyện Đakrông), nói các điểm mỏ khai thác vàng nằm lọt giữa rừng sâu, đi lại vô cùng khó khăn. Vàng tặc chỉ cần một máy xay và máy nổ là có thể lập bãi khai thác vàng.
Còn đại úy Nguyễn Hữu Phương, Phó công an huyện Đakrông cho hay, vàng tặc ở khu vực này khá quy mô, nhiều hầm sâu hun hút vào lòng núi, muốn chui vào phải có máy dưỡng khí.
Tại Đakrông, ngành công an nắm bắt được khoảng 50 đối tượng khai thác vàng trái phép, như ở khe Ka Ruông (xã Tà Long) có từ 10-15 đối tượng, khe Đan và Ho (xã A Vao) 30-40 đối tượng và nhiều khe nhỏ có từ 1-2 máy nổ với 10 đối tượng…
Công an Đakrông nhiều lần ra quân đuổi vàng tặc, lên kế hoạch hàng tuần bí mật và kỹ càng, thậm chí xuất quân ban đêm nhưng kết quả thu được chỉ là đốt lán trại, tiêu hủy máy móc.
Trong năm 2013, Công an huyện này đã phá và tiêu hủy 5 lán trại, 7 máy nổ, 3 máy phát điện, 4 máy xay… nhưng chưa xử lý được vàng tặc nào. Không ít lần, vàng tặc thậm chí có thời gian để chôn máy móc rồi mới bỏ lên núi, ngóng chờ công an rút lui để quay lại khai thác tiếp.
Đã có thời gian, tỉnh Quảng Trị lập đoàn truy quét, đóng quân tại thôn Tân Đi 2 cả tháng. Nhưng khi lực lượng chức năng rút quân, vàng tặc lại kéo về. Trước sự bất lực của chính quyền, người dân chỉ biết thở dài và cam chịu chung sống với vàng tặc.