Theo cơ quan phân tích tài chính Schiff Sovereign, giá trị của kim loại màu vàng ở mức quanh 2.500 USD/ounce như hiện nay dường như không thể duy trì trong dài hạn.
Nhiều chuyên gia tin rằng sự sụt giảm giá trị của đồng tiền Mỹ có thể liên quan đến khả năng thắng cử cuộc đua vào Nhà Trắng của bà Kamala Harris, khi các chính sách sau đó sẽ dẫn đến tăng chi tiêu ngân sách, khiến cả lạm phát và nợ công của Mỹ đều gia tăng.
Hậu quả của việc này sẽ là sự quan tâm của nhà đầu tư đối với vàng tăng mạnh, khi đây là tài sản lưu trữ có giá trị lịch sử lâu đời, đã trải qua khoảng thời gian dài tới 5.000 năm.
"Đây là lý do tại sao vàng đang đạt mức cao nhất mọi thời đại. Động lực lớn nhất của giá kim loại quý là nhu cầu từ các ngân hàng trung ương khi họ đang mua hàng tấn vàng".
"Đối với tôi, đây là một dấu hiệu rõ ràng và hiển nhiên cho thấy nhiều nước đang chuẩn bị cho sự kết thúc của đồng đô la với tư cách đồng tiền dự trữ thống trị thế giới", người đứng đầu Schiff Sovereign - ông Peter Schiff lưu ý.
Cùng với đó, sự mất giá của đồng đô la được chứng minh bằng việc chỉ số DXY giảm 10% so với mức của năm 2022. Bây giờ giá trị của nó vào khoảng 99,58 điểm. Đặc biệt, điều này gây ảnh hưởng lớn tới mọi công dân Hoa Kỳ, bởi đồng nghĩa với việc giá hàng hóa nhập khẩu sẽ cao hơn.
Dự kiến các sản phẩm nhập khẩu sẽ trở nên đắt hơn đáng kể trong năm tới. Rõ ràng kế hoạch ngăn chặn lạm phát ở mức 2% mỗi năm của Washington sẽ vẫn chưa trở thành hiện thực. Ngoài ra USD đã giảm giá đáng kể so với bảng Anh, đô la Úc và franc Thụy Sĩ.
Trong bối cảnh xu hướng phi đô la hóa lên ngôi, Nga đang trở thành một trong những nước mua vàng lớn nhất thế giới. Tính chung từ năm 2013 đến năm 2023, Liên bang Nga đã mua 1.298 tấn kim loại quý trên thị trường thế giới, nâng khối lượng dự trữ lên 2.333 tấn.