(GD&TĐ) - Cuộc khủng hoảng ngân sách ở Mỹ đã chặn đường đến Bali (Indonesia) dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC-2013 của Tổng thống Barack Obama. Bình luận về điều này, nhiều tờ báo lớn cho rằng nó đã “phủ bóng đen” lên hội nghị. Tuy nhiên, vấn đề không hẳn như vậy. Vắng Obama, APEC 2013 vẫn cứ thành công tốt đẹp.
Các đại biểu tham dự APEC 2013 ở Bali (Indonesia) |
Diễn ra trong 2 ngày (7 - 8/10) tại khu nghỉ mát danh tiếng Bali của Indonesia, Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2013 với chủ đề “châu Á - Thái Bình Dương tự cường, động lực của tăng trưởng toàn cầu” đã thu hút sự tham gia của hầu hết các nguyên thủ quốc gia 21 nước và vùng lãnh thổ thành viên APEC.
Hội nghị đã tiếp tục khẳng định những nỗ lực của APEC trong việc thực hiện các Bogor về tự do hoá thương mại và đầu tư, góp phần đưa Diễn đàn trở thành động lực thúc đẩy tính năng động của các nền kinh tế thành viên, đảm bảo thịnh vượng của khu vực. Một tuyên bố chung với hàng loạt những con số ấn tượng được đưa ra.
Ví dụ, đến năm 2015 tăng 10% hiệu quả của chuỗi cung ứng, giảm 5% và hơn nữa đối với thuế nhập khẩu các mặt hàng liên quan đến môi trường trong danh sách của APEC...
Đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác GD&ĐT, APEC 2013 đã có những bước đi đột phá. Theo sáng kiến của Nga, đến năm 2020, việc trao đổi sinh viên giữa các trường ĐH của các nền kinh tế APEC phải đạt được con số 1 triệu sinh viên/năm.
Điều quan trọng đối với APEC là sự “phụ thuộc lẫn nhau” hay kết nối giữa các thành viên. Trong các cuộc hội thảo, không ít ý kiến cho rằng, sự “phụ thuộc lẫn nhau” giữa các thành viên APEC tương đương với EU. Chỉ khác ở chỗ, EU gồm các nước thành viên khá tương đồng về kinh tế, văn hoá, còn ở APEC thì ngược lại.
Sự liên kết được biểu hiện ở hàng ngàn các chỉ tiêu kinh tế, từ tốc độ tăng trưởng, dần bãi bỏ chế độ visa du lịch qua biên giới đến sự xuất hiện ngôn ngữ giao tiếp...
Các nhà lãnh đạo APEC cho rằng, để thực hiện các mục tiêu bogor về tự do hoá thương mại và đầu tư vào năm 2020, APEC cần xây dựng một tầm nhìn dài hạn về kết nối. Lần đầu tiên trong lịch sử APEC, “khuôn khổ kết nối APEC” về hạ tầng, thể chế và giữa những người dân cùng “kế hoạch dài hạn về đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng” đã được thông qua tại Bali. Những động thái này thực sự là động lực góp phần đẩy mạnh gắn kết và lưu thông, minh bạch hoá và năng lực cạnh tranh giữa các nền kinh tế trong khu vực.
Phát biểu trong cuộc họp báo diễn ra vào chiều thứ ba (8/10), Tổng thống nước chủ nhà Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono tuyên bố: “Tôi vui mừng thông báo rằng Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra thành công và thực sự rất hiệu quả”. Theo Tổng thống Indonesia thì các thành viên đã thảo luận cơ bản các chủ đề được hội nghị nêu ra, trong đó có vấn đề quan trọng - tăng trưởng toàn cầu của các nước châu Á - Thái Bình Dương. Phát biểu bế mạc hội nghị, Susilo Bambang Yudhoyono nhấn mạnh: Indonesia tin tưởng rằng tất cả các thành viên APEC sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công từ sự hợp tác của các thành viên.
APEC đã tạo ra một không gian kinh tế thống nhất từ Mỹ, Canada đến Brunei và Papua New Guinea - không gian được tạo ra từ hàng trăm giải pháp kinh tế của các nước thành viên. Điểm nổi bật của Diễn đàn APEC là các quyết định đều trên nguyên tắc tự nguyện. Nếu ai đó không muốn, không ai có thể thực hiện được
Điều đáng lưu ý là sự phát triển của APEC đang ít nhiều phụ thuộc vào sự cạnh tranh gay gắt về địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc. Trên thực tế, không ít nội dung của APEC được nêu ra trong bối cảnh như vậy. Sự thực thì các nền kinh tế của APEC phụ thuộc khá nhiều vào kinh tế Mỹ và Trung Quốc. Theo các nhà phân tích thì cơ chế của APEC ít nhiều bị đình trệ do tranh chấp quyền lực ở khu vực giữa các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc gây ra.
Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2013, nhiều ý kiến cho rằng, việc Obama không thể đến dự APEC sẽ “phủ bóng đen” lên hội nghị quan trọng này. Hiểu như thế là không đúng. Cho dù có lúc ai đó gọi Barack Obama là “Tổng thống Thái Bình Dương” nhưng với các nước trong khu vực, Mỹ cũng chỉ là một đối tác.
Vắng Obama, Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở Indonesia vẫn cứ thành công tốt đẹp.
Duy Long (TH)