(GD&TĐ) - Cách đây đúng 70 năm, ngày 28-1-1941, Bác Hồ chính thức đặt bước chân lên cột mốc biên giới 108 (Cao Bằng) - mảnh đất địa đầu phía Đông Bắc của Tổ quốc sau 30 năm bôn ba ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Cùng về nước với Bác có đồng chí Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Hoàng Văn Lộc, Đặng Văn Cáp và Thế An.
>>>Kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ về nước tại tỉnh Cao Bằng
Sáng sớm ngày 28-1-1941 (nhằm mùng 2 Tết Tân Tỵ), đoàn xuất phát từ bản Nậm Quang (Quảng Tây - Trung Quốc). Đi đầu là đồng chí Phùng Chí Kiên, người rất thông thạo đường đi lối lại vùng rừng núi; nhóm đi giữa gồm có Bác, đồng chí Lê Quảng Ba và Thế An, đều là cán bộ người dân tộc Tày, thông thạo tiếng nhiều dân tộc và rất giỏi võ, kế đến là đồng chí Hoàng Văn Lộc và cuối cùng là đồng chí Đặng Văn Cáp, một thanh niên rất khỏe, giỏi võ, bắn súng cũng rất giỏi, biết chữa bệnh bằng thuốc nam. Bác đề nghị cả nhóm hóa trang ăn mặc như đàn ông Nùng để che mắt địch, vì phong tục của họ là cứ đến Tết các chàng rể đều phải mang đồ lễ về "cúng ma" ở nhà bố mẹ vợ. Bác mặc đúng kiểu đàn ông Nùng trong dịp Tết: quần áo chàm, đầu đội mũ may bằng vải màu chàm, chân đi đôi giày vải đen, quàng khăn để vừa ấm vừa che kín râu. Hành lý mà Bác mang theo chỉ có một chiếc vali bằng mây nhỏ cũ kỹ đựng quần áo và chiếc máy đánh chữ xách tay. Sau 8 giờ đi đường, vượt qua dãy núi Phia Sum Khảo, đoàn đặt chân đến cột mốc biên giới số 108 vào giữa trưa, khoảng 12 giờ. Đoàn cán bộ trong nước do đồng chí Hoàng Sâm dẫn đầu được cử đi đón Bác cũng đã có mặt tại cột mốc. Sau 30 năm bôn ba xứ người, đúng vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về đất nước. Theo hồi ký của thiếu tướng Lê Quảng Ba, khi vừa đặt chân lên mảnh đất quê hương, Bác đứng lặng đi bên cột mốc số 108, đưa mắt ngắm nhìn núi rừng trùng điệp quê hương rồi cúi xuống cầm nắm đất Tổ quốc lên hôn mà đôi mắt Bác rưng rưng. Cả đoàn lặng đi trong niềm xúc động khi chứng kiến khoảnh khắc thiêng liêng ấy của lịch sử. |
Cột mốc 108 |
Nơi Bác đặt chân đầu tiên khi trở về là Pác Bó, Pác Bó có nghĩa là đầu nguồn nước, nơi ấy có dòng suối lớn, nước trong vắt, thoát ra từ hang núi đá lớn, Bác đặt tên là suối Lê - Nin. Hang đá Bác ở là một ngọn núi đá cao, Bác đặt tên là núi Các Mác.
Ngày đầu tiên đồng chí Lê Quảng Ba đưa ông Ké (“ông ké”- theo tiếng địa phương có nghĩa là cụ già - là cách gọi Bác Hồ một cách thân thiện của người dân Pác Bó) về nghỉ tại nhà ông Lý Quốc Súng dân tộc Nùng. Nhà có hai gian cũ và làm thêm một gian mới để đón khách, khách và chủ cùng quây quần bên mâm cơm ngày Tết của gia đình họ Lý.
Sau bữa cơm chủ nhà đã thu xếp chỗ ăn ở và làm việc cho đoàn cán bộ nhưng ông Ké bảo Lê Quảng Ba: Ta có nhiều người, ở lại nhà ông Lý làm phiền chủ nhà quá, thôi nên dứt khoát “sáu sán” thôi.
Sáng sớm hôm sau ông Lý dẫn ông Ké và mấy anh em cán bộ lên hang Pác Bó. Trước cảnh sắc một sáng xuân của Tổ quốc Bác ngâm khe khẽ bài thơ mới sáng tác:
Non xa xa nước xa xa
Nào phải thêng thang mới gọi là
Đây suối Lê - nin kia núi Mác
Hai tay gây dựng một sơn hà
Trong bối cảnh cuộc sống còn gian khó, đất nước sống dưới ách áp bức của các thế lực thực dân phong kiến, nhưng ở mảnh đất Pác Bó người dân Cao Bằng đã gíac ngộ hướng về cách mạng và bảo vệ cách mạng. Tại Pác Bó Bác tự sắp xếp nơi nằm nghỉ, chỗ nấu cơm, nơi câu cá lúc nhàn rỗi, chỗ đun nước uống mà chè là lá cây ổi, kê bàn đá mộc mạc tự nhiên để dịch lịch sử cách mạng Liên Xô làm tài liệu huấn luyện cán bộ cách mạng… Từ đó ở khu Pác Bó có một ông Ké mặc bộ quần áo chàm, quần sắn cao, tay cầm gậy, dáng đi nhanh nhẹn nhưng ưng dung, thoải mái vui vẻ tiếp các cán bộ về thỉnh thị và báo cáo. Bác hoà mình vào hoàn cảnh mới hết sức tự nhiên, tâm hồn của Bác luôn ung dung lạc quan, với cuộc sống gian khó mà Bác vẫn có những vần thơ bất hủ.
Sáng ra bờ suối tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang
Bức họa tái hiện thời khắc Bác cùng các đồng chí trong đoàn về nước |
Khi về Pác Bó, Bác đã mở nhiều lớp đào tạo huấn luyện cán bộ, gắn họat động cách mạng với thực tiễn tại cơ sở, tổ chức thí điểm Mặt trận Việt Minh, các Hội cứu quốc các giới do 43 cán bộ đã được huấn luyện làm chủ chốt, mở rộng tổ chức ra các xã, châu Hoà An, Hà Quảng, Nguyên Bình hoạt động rất có kết quả, từ kết quả này đồng chí Vũ Anh triệu tập hội nghị tổng kết thí điểm tại Coọc Mu (Hà Quảng) vào tháng 4/1941 đó là những thực tế sinh động cho nội dung Hội nghị Trung ương lần thứ 8.
Ngày nay, địa danh lịch sử gắn liền sự kiện ngày Bác Hồ về nước được đông đảo đồng bào cả nước, du khách đến tham quan, ôn lại lịch sử (ảnh Internet) |
Ở hang Pác Bó hơn một tháng Bác cho cán bộ chuyển cơ quan sang lán Khuổi Nặm (suối nước), địa điển này tiện lợi đi lại không phải lội qua suối, nếu có động dễ thoát nhanh chóng. Tại đây Bác lấy danh nghĩa đại diện Quốc tế Cộng sản trịêu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII, Hội nghị khai mạc sáng 10/05/1941, Hội nghị đã đề ra chủ trương, nhiệm vụ mới cho cách mạng Việt Nam, hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc. Đây là Hội nghị có tầm quan trọng lịch sử, quyết định đường lối chính sách của Đảng, đặt vấn đề giải phóng dân tộc thành nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của toàn dân, đề ra chủ trương tổ chức Việt Nam Độc Lập đồng Minh, xây dựng các căn cứ địa cách mạng, xây dựng và phát triển các lực lượng vũ trang, chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa.
Sau Hội nghị Bác tự tay thảo ra bức thư ”Kính cáo đồng bào” ký tên Nguyễn Ái Quốc kêu gọi đồng bào, toàn dân đoàn kết đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ đây phong trào cách mạng ngày càng lan rộng trong chiến khu Việt Bắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ dân tộc ta liên tiếp giành được thắng lợi vẻ vang trong đấu tranh giải phóng dân tộc.
Kiên Hưng (st)