Theo tài liệu, Ngô Đình Cẩn là con thứ 8 trong gia đình họ Ngô. Trong khi các anh em trong nhà ai cũng được học hành đến nơi đến chốn, thì Cẩn chỉ học hết lớp 3 rồi nghỉ.
Sau khi Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, Ngô Đình Cẩn đại diện cho gia đình cai quản khu vực miền Trung và cao nguyên Trung phần.
Cẩn có có sở thích mặc áo dài the, đầu đội khăn xếp và thói quen miệng nhai trầu bỏm bẻm, chân đi guốc mộc nghênh ngang giữa đường.
Ngô Đình Cẩn thường làm việc ở Tổng hành dinh đóng gần nhà thờ Phủ Cam (nay thuộc phường Phước Vĩnh, thành phố Huế) và thường lui về nghỉ ngơi ở một khu biệt thự nằm ở ấp Ngũ Tây (làng An Cựu, nay thuộc xã Thủy An, thành phố Huế (Thừa Thiên - Huế).
Lối dẫn vào ngôi biệt thự um tùm cỏ dại
Ngôi biệt thự này cách “địa ngục trần gian” nhà giam Chín Hầm khoảng 100m. Người đời vẫn thường so sánh một bên là thiên đường, một bên là địa ngục, ý chỉ sự tàn độc vô độ của Cẩn thể hiện ở khu Chín Hầm bao nhiêu thì sự xa hoa, giàu có ở ngôi biệt thự gần đó cũng không kém cạnh.
Khu đất này khá rộng lớn, nằm dưới chân núi Thiên Thai, vắng người qua lại. Theo tài liệu, khu đất này trước đây của ông Bát Tấn, người Sài Gòn, sau được ông Bùi Duy Tín, một vị quan triều Nguyễn mua lại.
Tiếp đó, con cháu của cụ Tín bán lại cho một thương nhân để làm vườn tên Lý Lâm Tinh, ông này người Hoa sống ở đường Trần Hưng Đạo (TP Huế).
Toàn cảnh ngôi biệt thự 2 tầng của Ngô Đình Cẩn
Vào năm 1956, dưới áp lực của Ngô Đình Diệm, gia đình ông Lý Lâm Tinh buộc phải nhường lại toàn bộ khu đất cho Ngô Đình Cẩn để xây dựng biệt thự làm nơi nghỉ ngơi và vui chơi giải trí.
Ngô Đình Cẩn đã cho xây dựng một cơ ngơi với nhiều công trình: Khu biệt thự (nhà 2 tầng) nằm ở chính giữa khu đất, nhà Thủy tạ nằm trên hồ xây nhỏ kèm tiểu cảnh hòn non bộ làm bình phong phía trước cho ngôi biệt thự.
Ở đường ra vào, ông cho xây cổng vò, phía trước đó là hồ Khánh nguyệt với hệ thống núi, suối đá nhân tạo, trong vườn trông nhiều loại cây ăn trái...
Hồ Khánh nguyệt bị cây dại bao phủ
Nơi đây như một tổng hành dinh để Ngô Đình Cẩn theo dõi, giám sát, chỉ đạo các hoạt động tra tấn, đánh đập tù nhân của bọn tay sai đối với các chiến sĩ cách mạng đang bị giam cầm, đày ải trong nhà lao Chín Hầm gần đó.
Tháng 11/1963, Hoa Kỳ bật đèn xanh cho tướng Dương Văn Minh đảo chính lật đổ chính phủ của Tổng thống Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Cẩn cũng bị bắt và kết án tử hình. Kể từ đó, khu biệt thự của "bạo chúa miền Trung" trở thành vô chủ.
Bên trong ngôi biệt thự là rác rưởi, ẩm thấp và sự đổ nát
Giờ đây, mặc dù các công trình trên khu đất của Ngô Đình Cẩn vẫn còn đó nhưng do trải qua nhiều thập niên bị bỏ hoang, những gì còn lại đều bị hư hỏng, đổ nát và hoang phế.
Men theo con đường Thiên Thai, TP Huế, ngôi biệt thự nằm ở nơi vắng vẻ, dân cư thưa thớt. Từ cổng, lối dẫn vào đến ngôi biệt thự, cỏ dại mọc um tùm. Nhà Thủy tạ dù còn nguyên trạng nhưng những tiểu tiết như rồng, phụng gắn quanh cột và chầu hai bên bậc thang đã không còn.
Nhà Thủy tạ cùng tiểu cảnh hòn non bộ bị hoang phế, hư hỏng
Phía dưới, hồ nước cạn trơ đáy. Hòn non bộ cùng với tiểu cảnh bị bao phủ bởi những cây dây leo. Sân vườn cũng bị bao phủ một thảm cỏ và rải rác phân súc vật.
Đi sâu vào ngôi biệt thự, trên mái ngói xen lẫn là cây cỏ dại mọc lên. Ngôi biệt thư với hai tầng đều bị bỏ hoang cùng rác rưởi, ẩm thấp và một số vật dụng hỏng nát.
Cầu thang đi lên tầng hai bị phủ kín bởi cỏ. Phía sau ngôi biệt thự là rừng cây ùm tùm, hoang vu đến rợn người.
Phía trước ngôi biệt thự là hồ Khánh nguyệt với các tiểu cảnh đã đổ nát và bị cây dại bao phủ. Dòng nước của con suối đá nhân tạo trở nên đục ngầu, râm ran tiếng ếch nhái.
Cỏ dại mọc bao phủ cả cầu thang và mái ngói
Mặc dù bị đổ nát nhưng những dấu tích còn lại vẫn còn thể hiện một kiểu kiến trúc cầu kỳ, vương giả của một ngôi biệt thự hoành tráng bậc nhất thời bấy giờ.
Những họa tiết rồng, phụng được tạo nên từ những mảnh sành sứ ghép lại vẫn còn nguyên màu sắc. Trên trần nhà, những kèo bê tông còn nguyên hình đầu rồng...
"Tui thấy ít khi có người đến đây thăm viếng, thỉnh thoảng có một vài đoàn đến xem một lúc rồi đi. Ngôi biệt thự quanh năm hoang vắng. Người dân quanh đây cũng chẳng ai lai vãng đến chăm nom, sửa soạn" - Ông Nguyễn Bơ, một người dân sống gần ngôi biệt thự cho biết.
Cỏ dại mọc bao phủ cả cầu thang và mái ngói
Trước đây, dưới bóng của người anh trai là Ngô Đình Diệm, quyền lực trong tay Ngô Đình Cẩn khá lớn, cùng với sự tàn nhẫn, độc ác vô độ, Cẩn được mệnh danh là "bạo chúa miền Trung" khi tiến hành bắt bớ những người cộng sản hoạt động tại miền Trung cũng như những người chống đối hoặc có tư thù với mình. Nhiều người đã bị y kết án, bắt giam, tra tấn, bị thủ tiêu hoặc bị ép đến phải phá sản trong các hoạt động trấn áp này.
Sau khi Cẩn chết, sự hoang vắng đến lạnh người, cũng như sự thờ ơ của người dân với ngôi biệt thự là điều đã được báo trước. Đó như là luật báo ứng của một kẻ từng gây ra bao cơn ác mộng cho đồng bào miền Trung.