Vấn nạn mổ lợn chạy dịch

GD&TĐ - Hiện nay, về vùng nông thôn một số tỉnh có dịch tả lợn châu Phi, dễ dàng bắt gặp cảnh mổ lợn tự phát để… chạy dịch.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Năm bảy gia đình rủ nhau thịt một con lợn rồi chia nhau để ăn ngay, hoặc bỏ tủ cấp đông ăn dần.

Sở dĩ có tình trạng tự phát này là vì những địa phương lân cận đã xuất hiện hàng loạt ổ dịch lợn châu Phi. Hàng trăm con lợn ở các ổ dịch này đã bị tiêu hủy. Chính quyền và ngành chức năng kiểm soát chặt tình trạng giết mổ lợn bị bệnh, hoặc lợn đang trong vùng dịch, đem bán ở các chợ.

Vì vậy, thay vì đi chợ mua thịt lợn mà không biết có bị dịch hay không, nhiều gia đình xử lý theo cách “tự cung tự cấp” nói trên. Tuy nhiên, việc tự ý giết lợn kiểu này đang tiềm ẩn nguy cơ cao về tình trạng ăn phải lợn bị bệnh mà không biết hoặc vô tình làm lây lan dịch bệnh nếu như thiếu sự kiểm soát chặt của cơ quan chuyên môn.

Bắt đầu xuất hiện những ổ dịch tả lợn châu Phi vào đầu năm nay. Cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương cũng đã vào cuộc xử lý tình trạng này, không để dịch lây lan.

Thế nhưng, tình hình dịch tả lợn chưa thấy có dấu hiệu dừng mà ngày càng lây lan nhanh. Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, nếu như trong tháng 6/2024, cả nước có 346 ổ dịch thuộc 89 huyện của 25 tỉnh, thành phố, với số lượng lợn mắc bệnh là 34.321 con, số lợn chết và tiêu hủy là 34.533 con thì đến ngày 16/7, cả nước có 660 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 44 tỉnh, thành phố, đã tiêu hủy 42.400 con.

Sang đến tháng 8 này, các ổ dịch ở lợn vẫn chưa có dấu hiệu dừng mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn gửi các địa phương phải huy động mọi nguồn lực nhằm dập tắt nhanh chóng các ổ dịch này.

Dịch tả lợn châu Phi là căn bệnh không mới, vẫn thường xuất hiện hàng năm, các địa phương đã khống chế và dập tắt được dịch bệnh này nhưng được một thời gian, dịch bệnh lại xuất hiện.

Theo ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), sở dĩ có tình trạng dịch lây lan nhanh trong thời gian vừa qua, một phần là do một số địa phương chưa công bố dịch cấp huyện, cấp tỉnh và tổ chức chống dịch theo đúng quy định.

Cùng với đó, người dân bán chạy lợn bị bệnh, nghi mắc bệnh, người mua lợn và phương tiện vận chuyển lợn làm dịch bệnh lây lan diện rộng; công tác giết mổ, vận chuyển lợn trong vùng dịch chưa thực hiện theo quy định; dịch bệnh xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, sát trùng, tiêu độc và chăn nuôi an toàn sinh học.

Công tác tiêm phòng cho lợn cũng chưa được chú trọng vì người dân còn e ngại tính hiệu quả của loại vắc-xin mới dù đã được Bộ NN&PTNT khuyến cáo sử dụng.

Trong lúc chờ đợi nạn dịch được dập tắt hoàn toàn, những hộ gia đình nhỏ lẻ ở vùng quê sợ trắng tay nên tự giết mổ rồi chia nhau như đã đề cập. Cách làm này chỉ mang tính “phủi nóng”, tiềm ẩn những rủi ro khó lường.

Bên cạnh việc dập dịch quyết liệt của ngành chức năng, người dân cũng cần hợp tác để có thể diệt tận gốc nạn dịch chứ không thể tự ý xử lý theo cách của mình vì sẽ làm phức tạp thêm tình hình dịch bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ