Những ngày đầu năm mới, hàng ngàn người đổ về Văn Miếu - Quốc Tử Giám để tham quan, thắp hương và xin chữ cầu may.
Tục xin chữ đầu năm đã có từ lâu và ngày một thịnh hành, là một nét đẹp văn hóa của người Việt mỗi dịp Tết đến xuân về.
Hàng dài người xếp hàng mua giấy để xin chữ. Mỗi tờ giấy có giá 100.000 đồng. Mua giấy xong, mỗi người sẽ được phát một mã số đến bàn các ông đồ để xin chữ.
Các ông đồ trong Văn Miếu làm việc không ngơi nghỉ để đáp ứng nhu cầu của người xin chữ.
Rất đông người quây kín các bàn viết chữ với mong muốn xin được chữ như ý cho năm mới.
Vì lượng người xin chữ quá đông, không ít người chấp nhận mua chữ viết sẵn được bày bán với giá 100.000 đồng/tờ.
Phơi chữ dưới nắng xuân.
Khu vực Hồ Văn là nơi tập trung các ông đồ đến từ 13 câu lạc bộ Thư pháp và một số người hoạt động tự do. Họ đều là những người đã được tuyển lựa từ các cuộc sát hạch trước đó.
Ông đồ Nguyễn Mạnh Hùng (CLB Hương Nam) chia sẻ: Xin chữ đầu năm thể hiện ước vọng may mắn, tốt lành cho cả năm, là sự răn dạy con người sống đúng với ý nghĩa của mỗi chữ xin được.
Ông đồ hàn huyên cùng người xin chữ.
Ngoài ý nghĩa cầu may, chữ thư pháp còn là một tác phẩm nghệ thuật được các ông đồ dùng cái tâm, cái tài của mình tặng cho người xin chữ.
Bà đồ Trần Cát Lệ (CLB Thư pháp Thảo Đường) chia sẻ: "Thư pháp mang lại cho tôi rất nhiều điều, tính cách của tôi thay đổi, nhẫn nại, mềm mại hơn, đầu óc được mở mang khi đọc những áng văn cổ, hiểu được những câu nói có hàm ý sâu xa của các bậc tiền nhân..."
Phố ông đồ tại Hồ Văn còn có sự góp mặt của nhiều người trẻ. Theo Ban tổ chức, giới trẻ hiện nay được học rất bài bản, nhiều người còn tham gia dạy thư pháp.