Vẫn lơ lửng thẻ vàng

GD&TĐ - Cuối tháng 10 vừa qua là tròn 4 năm, Ủy ban Châu Âu (EC) chính thức áp thẻ vàng với thủy sản Việt Nam và cũng là thời điểm mà EC đưa ra đánh giá về những nỗ lực của Việt Nam trong việc gỡ thẻ vàng với thủy sản.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Hiểu nôm na “thẻ vàng” mà EC áp cho Việt Nam là các tàu đánh cá của ta vi phạm những quy định như xâm phạm lãnh hải các nước khác, khai thác hải sản trên biển theo kiểu “tận diệt”, đặc biệt là dùng thuốc nổ để đánh cá, dùng chất bảo quản để giữ cá được lâu…

Tất cả những hành vi đó đã bị EC cảnh cáo bằng chiếc thẻ vàng. Nếu không khắc phục sẽ bị thẻ đỏ, đồng nghĩa với việc cấm vĩnh viễn xuất khẩu thủy sản sang châu Âu. Mà nếu EC đóng cửa thì ngành thủy sản Việt Nam mỗi năm mất gần nửa tỉ đô la!

Biện pháp khắc phục để gỡ thẻ vàng là bên cạnh việc tuyên truyền để ngư dân không vi phạm những quy định nói trên, lực lượng chức năng còn bắt buộc các tàu khai thác hải sản trên biển phải gắn các thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, việc vi phạm chưa được khắc phục triệt để nên chiếc thẻ vàng vẫn cứ treo lơ lửng và có nhiều khả năng sẽ bị “đổi màu” sang thẻ đỏ bất cứ lúc nào.

Bằng chứng của việc không khắc phục triệt để là hôm 24/10, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi đã ra quyết định xử phạt 10 thuyền trưởng ở phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ với số tiền 250 triệu đồng vì có hành vi vi phạm quy định trong hoạt động khai thác thủy sản.

Cụ thể ở đây là, 10 thuyền trưởng của các tàu đánh cá này đã không duy trì hoạt động của thiết bị giám sát hành trình trong lúc hành nghề trên biển. Họ tự ý ngắt thiết bị giám sát nhằm tránh “tai mắt” theo dõi của cơ quan chức năng.

Chỉ có làm những việc khuất tất thì mới ngắt thiết bị giám sát chứ nếu khai thác hải sản một cách đàng hoàng, công khai minh bạch theo các quy định của cơ quan chức năng thì không việc gì phải vi phạm như thế để rồi bị phạt cả. Không chỉ bị phạt 250 triệu đồng, các thuyền trưởng vi phạm nói trên còn bị tước chứng chỉ hành nghề trong vòng 4 tháng 15 ngày!

Dù cơ quan chức năng luôn áp dụng các mức phạt nghiêm khắc nhưng tình trạng vi phạm của các tàu đánh cá vẫn cứ tiếp diễn. Năm 2020 cả nước có 2.468 vụ vi phạm với số tiền phạt gần 62 tỉ đồng. Từ đầu năm 2021 đến hết tháng 10/2021, cả nước có 1.527 vụ vi phạm với số tiền phạt hơn 13,6 tỉ đồng.

Tuy số vụ vi phạm và tiền phạt có giảm từng năm, song Ủy ban châu Âu cảnh báo là chỉ cần còn một tàu vi phạm thì thẻ vàng kia cũng sẽ không bị gỡ. Và như vậy, xuất khẩu thủy sản sang châu Âu vẫn bị kiểm tra gắt gao, ảnh hưởng đến việc xuất khẩu rất lớn của Việt Nam sang thị trường này.

Chính phủ cũng đã ra quyết định chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vào cuối năm 2021 này, đặt quyết tâm gỡ thẻ vàng vào năm 2022. Tuy nhiên, chặng đường để có thể gỡ được thẻ vàng không hề đơn giản. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào những người trực tiếp khai thác hải sản và chính quyền các địa phương có ngư dân hành nghề trên biển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.