Vận hội mới, cần có tầm nhìn mới

Vận hội mới, cần có tầm nhìn mới

(GD&TĐ) - Sau 10 ngày làm việc khẩn trương và nghiêm túc, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, trong đó nhất trí thông qua Nghị quyết về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN

Việc Trung ương thông qua Nghị quyết ví như mở ra cho nền giáo dục nước nhà một vận hội mới. Không chỉ ngành Giáo dục, cả xã hội đều phấn khởi với sự kiện này, chờ đợi những thay đổi lớn lao của giáo dục nước nhà. Đây là thành quả của sự lắng nghe, tiếp thu những mong mỏi của nhân dân, ý chí của Đảng, sự kỳ vọng, trông chờ của toàn xã hội đối với Giáo dục. 

Với Nghị quyết đổi mới căn bản và toàn diện GD - ĐT, nhiều người đã hình dung trong vài năm tới, học sinh lớp 1 sáng sáng chỉ cần cầm một túi vải nhẹ tung tăng đến trường, ngày nào cũng mong được gặp cô giáo để được học mà chơi – chơi mà học; học sinh cấp THCS, THPT thì tự chọn những môn học mình yêu thích để đăng ký, toàn khối quen thân nhau bởi các em không bị cứng nhắc với thời khóa biểu chung trong một lớp; hay giảng viên đại học ngoài các bài giảng trên lớp, giải đáp trực tuyến...  mỗi ngày tự sắp xếp một vài giờ ngồi đợi ở văn phòng để sinh viên đến tìm gặp thảo luận, trao đổi…; về phía nhà quản lý giáo dục, tư duy không còn là chỉ tay 5 ngón, giáo điều mà xác định mình là những người phục vụ cho giáo viên, cho học sinh, luôn lắng nghe để tạo điều kiện thực hiện tốt bài giảng, thầy cô giáo phát huy chuyên môn một cách tốt nhất…

Đó không phải là sự bay bổng của trí tưởng tượng, mà là hình dung trên cơ sở những quan sát, ghi nhận thực tế con đường đi của bao nền giáo dục tiên tiến hiện nay đang nhịp bước. Với Nghị quyết vừa được T.Ư thông qua, giáo dục Việt Nam sẽ cùng đi trên con đường chung đó, tự tin và vận dụng sáng tạo trong thực tiễn đất nước.

Sau niềm hân hoan là những thách thức đón chờ. Thách thức lớn nhất có lẽ ở phần tư tưởng chứ không phải vật chất. Vấn đề là phải phóng tầm mắt ra bên ngoài, từ đó có sự cổ vũ, khích lệ, động viên với những canh tân tích cực, có lợi cho dân, cho nước, có lợi cho chính con cháu của mình. Nội dung của Nghị quyết được coi là mới với Việt Nam, nhưng lại là quỹ đạo chung của giáo dục thế giới, họ đã có thành quả, họ đã gặt thành công. Với lòng tự tôn của người Việt, với những gì ta đã và đang có về con người, về ý chí, quyết tâm… hãy tự đặt câu hỏi: Không lẽ họ làm được mà ta lại chịu thua?

 Học Hải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ