Văn học và điện ảnh: Mối lương duyên khăng khít

GD&TĐ - Điện ảnh Việt trong quá khứ và hiện tại đã có được nhiều tác phẩm giá trị. Tuy nhiên, mong muốn về một tác phẩm điện ảnh kinh điển, những siêu phẩm ăn khách như điện ảnh thế giới dường như vẫn còn xa vời.

Văn học và điện ảnh: Mối lương duyên khăng khít

Điều đó không quá khó hiểu bởi phim bắt đầu bằng kịch bản. Mà kịch bản muôn thủa vẫn là khâu vừa yếu vừa thiếu của điện ảnh nước nhà.

Từ văn học tới điện ảnh

Một đạo diễn từng chia sẻ: từ một tác phẩm văn học bình thường có thể cho ra đời một bộ phim hay, nhưng nhiều khi một bộ phim xây dựng từ một tác phẩm văn học kinh điển rất hiếm khi trở thành siêu phẩm điện ảnh. Lý do rất đơn giản, với tác phẩm văn học thì khả năng tưởng tượng của độc giả rất phong phú. Họ có thể hình dung nhân vật theo cách của họ. Còn sang đến điện ảnh, nhiều khi họ không chấp nhận nhân vật chỉ vì ngoại hình không giống như họ đã hình dung.

Thực tế, đã từng có đạo diễn nhận kịch bản chuyển thể từ một tiểu thuyết viết về đề tài miền núi. Ông hăm hở đi tìm diễn viên đúng là người dân tộc để chuyển tải đúng ý đồ kịch bản.

Trong tiểu thuyết viết, người trai bản ngực căng lên, cơ bụng sắt lại, da đỏ như đồng hun. Tìm mãi mà không có trai bản nào như vậy, ông thất vọng lắm. May thay, ông họa sỹ đi cùng, vốn nhiều năm lăn lộn vùng cao đã giải thích dân miền núi lao động nhiều nên người chỉ sắt lại chứ không nở nang được, bụng chỉ ỏng lên chứ khó mà có tám múi. Đạo diễn đành chuyển hướng tìm diễn viên chuyên nghiệp, tuy có cao to nhưng được những điểm mà nhân vật văn học cần phải có.

Có thể nói giữa văn học và điện ảnh luôn có sự cộng sinh và “ăn theo”. Khi một khi tác phẩm văn học gây được tiếng vang đương nhiên các nhà làm phim sẽ tận dụng được tầm ảnh hưởng của nó. Song đó cũngnhư con dao hai lưỡi, bởi sức ép không nhỏ. Đặc biệt, khi nhân vật đã bước ra ngoài trang sách, có đời sống riêng của mình. Nhưng sức ép này đôi khi, lại trở thành đòn bẩy để người nghệ sỹ điện ảnh hặt gái thành công.

Văn học – Điểm tựa cho điện ảnh

Một hai chục năm trước đây, các nhà điện ảnh thường tìm đọc tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ để tìm ra ý tưởng kịch bản. Nhưng cùng với phong trào nhà nhà làm phim truyền hình, người người làm phim truyền hình, văn học cũng dần vắng bóng trên màn ảnh. Người ta sản xuất kịch bản theo nhóm.

Người thì vắt óc nghĩ ra câu chuyện, hết trai giàu yêu gái nghèo lại đến lọ lem biến thành công chúa. Người thì nghĩ ra nhân vật, hết hoàng tử con nhà giấu nhưng lại bình dân rồi lại đến cô gái xuất thân nghèo khổ nhưng ý chí vươn lên mãnh liệt rồi kết phim thành bà chủ nhưng vẫn cô đơn...

Khi chế tác hết ý tưởng. Các hãng phim bắt đầu mua bản quyền của các bộ phim ăn khách châu Á. Lúc này mới lộ rõ nhiều nghịch cảnh. Câu chuyện dù có hay, ăn khách, thành công… nhưng nó là chuyện xứ người, khác hẳn xứ mình về văn hóa, về lối sống. Vẫn câu chuyện đó, nhưng chuyển sang chuyện mình thì nó lạ không thể tưởng tượng được.

Khi mua bản quyền rồi Việt hóa, vấn đề không đơn giản ở việc dịch văn bản. Người Việt nghĩ khác người Hàn, tư duy khác người Hàn, hành động khác người Hàn...

Và hậu quả là sự quay lưng của khán giả, đồng thời kéo theo việc vắng bóng các nhà tài trợ.

Thực tế đã và đang diễn ra cũng cho thấy, khi đã cạn vốn, các nhà điện ảnh mới quay lại khai thác văn học. Đạo diễn Nhuệ Giang-một trong những đạo diễn khó tính bậc nhất của điện ảnh nước nhà hiện nay-đã hoàn thành bộ phim Trò đời dựa trên những tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Chưa bàn đến việc nữ đạo diễn này dàn dựng ra sao, nhưng ít nhất, khán giả đã có nhu cầu muốn xem. Bởi những tác phẩm của nhà văn tài năng nhưng bạc mệnh họ Vũ ấy luôn không bao giờ cũ, từ câu chuyện, ý tưởng cho đến nhân vật.

Kho tàng văn học nước nhà tự cổ chí kim có nhiều tác phẩm xứng đáng được chuyển thể thành phim. Cũng chẳng khó khăn gì để kể thêm những tác phẩm văn học hứa hẹn sẽ trở thành những bộ phim hay trong tương lai. Và điều đó có nghĩa rằng, khi chấp nhận chuyển thể văn học thành điện ảnh, các nhà làm phim đang chấp nhận một “canh bạc”. Và “canh bạc” điện ảnh này đòi hỏi người chơi phải có cả tầm và tâm. Tầm để làm phim cho hay, tâm để khỏi thẹn với lòng mình. Chỉ có như thế, mối lương duyên văn học-điện ảnh mới bền chặt.

Trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, không khó để kể tên những bộ phim xuất sắc mà kịch bản là những tác phẩm văn học như: Vợ chồng A Phủ, Chị Tư Hậu, Tướng về hưu, Làng Vũ Đại ngày ấy… hoặc gần đây là Cánh đồng bất tận - cả truyện ngắn lẫn phim đều gây được tiếng vang. Điều đó chứng tỏ rằng, văn học và điện ảnh luôn song hành với nhau.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ