Việt hóa kịch bản phim ngoại: Rằng hay thì thật là hay…

GD&TĐ - Thời gian gần đây, việc Việt hóa các bộ phim nước ngoài thành công đã mang lại doanh thu lớn cho các nhà sản xuất trong nước. Đó là tín hiệu đáng mừng, bởi điều này tạo thêm sự lựa chọn đa dạng hơn cho khán giả. Tuy nhiên, cùng với đó cũng có những e ngại về tương lai cho kịch bản phim Việt.

Phim truyền hình “Người phán xử” là một trong những bộ phim chuyển thể từ kịch bản ngoại thành công nhất trong nước hiện nay
Phim truyền hình “Người phán xử” là một trong những bộ phim chuyển thể từ kịch bản ngoại thành công nhất trong nước hiện nay

Thêm sự lựa chọn cho khán giả

Năm 2016, rất nhiều bộ phim truyền hình được Việt hóa từ kịch bản nước ngoài, ít nhiều thành công và được khán giả yêu mến, nhưng đình đám nhất có lẽ là Tuổi thanh xuân và Zip pô, mù tạt và em. Nửa đầu năm 2017 này, bộ phim truyền hình đang rất ăn khách, được khán giả hào hứng theo dõi là Người phán xử cũng được chuyển thể từ kịch bản ngoại.

Với mảng phim điện ảnh, những năm gần đây, nhiều nhà sản xuất cũng lựa chọn mua bản quyền phim nước ngoài và chuyển thể kịch bản. Hiệu quả kinh doanh mang lại cho các nhà làm phim và phòng vé mối lợi nhuận không hề nhỏ. Một số bộ phim còn đạt được những giải thưởng có giá trị. Phim Yêu của đạo diễn Việt Max làm lại từ phim Thái Lan The love of Siam (đoạt Giải Mai Vàng 2015, hạng mục Phim được yêu thích nhất); phim Em là bà nội của anh làm lại từ Miss Granny; phim Bạn gái tôi là sếp làm lại từ phim ATM: Er Rak Error… đều bội thu ở các phòng vé.

Theo các chuyên gia điện ảnh, hiện tại kịch bản nội địa do đội ngũ biên kịch Việt Nam viết có giá 7 - 10 triệu đồng/tập, khá hơn cũng chỉ 12 - 15 triệu đồng/tập, tuy nhiên không ai dám đảm bảo những phim này sẽ ăn khách. Trong khi đó, nếu chọn những phim đã hot trên thị trường thế giới để mua bản quyền và chuyển thể kịch bản, hệ số an toàn sẽ cao hơn. Trên thực tế, những phim thuộc dạng chuyển thể kịch bản phù hợp với tâm lý của người Việt đều làm mưa làm gió tại các phòng vé, cạnh tranh không kém những bộ phim bom tấn của nước ngoài. Trong bối cảnh điện ảnh nước nhà thiếu vắng những kịch bản hay, cách làm này cũng góp phần thay đổi khẩu vị cho người xem trong lĩnh vực giải trí.

Nói riêng về độ hot bộ phim truyền hình Người phán xử, từ khi khởi chiếu đến nay (bắt đầu từ tháng 3/2017) đã thu hút hơn 7.000 lượt like (thích) trên fanpage dành cho bộ phim; mỗi bài đăng liên quan đều có hàng ngàn lượt bình luận. Với những tình tiết hấp dẫn xoay quanh cuộc sống gia đình ông trùm xã hội đen Phan Quân, các hoạt động phi pháp của Công ty Phan Thị, cộng thêm diễn xuất ấn tượng của dàn diễn viên gạo cội, đây là số ít phim truyền hình Việt được người xem “canh giờ” để mở tivi.

Để có được một bộ phim Việt hóa thành công như thế không dễ. Ngoài kịch bản tốt còn cần đạo diễn giỏi và dàn diễn viên xuất sắc. Biên kịch Nguyễn Trung Dũng cho biết, anh đã Việt hóa 25 tập đầu của phim Người phán xử trong thời gian 6 tháng. Việc chuyển thể không dễ, chủ yếu do sự khác biệt giữa văn hóa Do Thái và Việt Nam. Phía bạn tôn trọng gia đình, những lời hứa có trọng lượng, nên đôi lúc một câu nói cũng có thể giải quyết toàn bộ vấn đề; nhưng áp dụng vào Việt Nam thì những yếu tố này lại thành giả tạo, thậm chí là… sến sẩm. Chưa kể các yếu tố bạo lực, tham nhũng, tình dục... của kịch bản gốc rất “phương Tây”, nhưng khi Việt hóa thì phải làm khác đi cho phù hợp.

Nỗi lo cho kịch bản phim thuần Việt

Thể loại phim được chuyển thể từ các bộ phim có nguồn gốc từ nước ngoài đã tạo thêm sự lựa chọn cho người xem, tuy nhiên cũng có những tác động không nhỏ tới việc làm phim và thị trường phim Việt. Nhà biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương thẳng thắn chỉ rõ: Phim từ kịch bản nước ngoài sẽ làm “thui chột” khả năng sáng tạo của biên kịch Việt. Nó cũng làm suy giảm nét đẹp văn hóa Việt trên màn ảnh rộng. Biên kịch cố gắng để đưa văn hóa Việt vào khung kịch bản ngoại, nhưng nỗ lực mấy cũng là giả tạo.

Thêm vào đó, phim làm lại từ kịch bản nước ngoài thường bị ràng buộc phải giữ nội dung chính, không can thiệp, thay đổi nhiều đường dây kịch bản. Do đó việc lo ngại văn hóa ngoại lai sẽ ảnh hưởng thế hệ trẻ và văn hóa thuần Việt bị mai một cũng là điều dễ hiểu. Song cũng có ý kiến cho rằng, theo quy luật thì trào lưu nào cũng có lên, có xuống. Khi thấy dòng phim này được đón nhận, nhà đầu tư sẽ lao vào kinh doanh, nhưng đến lúc khán giả bắt đầu chán cũng là lúc họ sẽ chuyển hướng.

Cũng theo nhà biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương, để phim Việt được nâng tầm về chất lượng, tất nhiên đòi hỏi kịch bản phim phải được nâng cao về chất lượng. Vì vậy, đội ngũ biên kịch cần được tạo vị thế và chỗ đứng trong lĩnh vực nghệ thuật để chuyên tâm cống hiến. Các nhà sản xuất nên tạo điều kiện về kinh phí cho đội ngũ biên kịch đối với mỗi tập phim, qua đó kích thích sự sáng tạo của đội ngũ này.

“Các cơ quan quản lý cũng nên hỗ trợ tạo môi trường để các biên kịch viên được trải nghiệm thực tế nhiều hơn. Điều này sẽ giúp họ mở rộng vốn sống và tăng cường thêm kỹ năng biên kịch, từ đó mới mong có được những kịch bản hay để nhà sản xuất lựa chọn” - nhà biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ