Tôn vinh nghệ nhân dân gian: Đừng để quá muộn!

GD&TĐ - 2019 là năm thứ 2 danh hiệu nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) và là năm thứ nhất danh hiệu nghệ nhân nhân dân (NNND) được trao tặng tới các nghệ nhân dân gian (NNDG). Đây là niềm hạnh phúc lớn lao với những người dù đói no, sướng khổ vẫn dành cả cuộc đời gìn giữ và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Mong rằng, sự tôn vinh này luôn kịp thời chứ đừng để quá muộn khi các nghệ nhân gần như đều đã bước vào tuổi xưa nay hiếm.

Nhiều nghệ nhân của Hà Nội đã đi xa trước ngày được nhận danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân
Nhiều nghệ nhân của Hà Nội đã đi xa trước ngày được nhận danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân

“Giờ về với tổ tiên cũng ấm lòng”

Còn nhớ, trong lần ra nhận danh hiệu NNƯT năm 2015, nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Vượn vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa nói: “Giờ chúng tôi có về với tổ tiên cũng ấm lòng rồi…”. Năm đó, cùng với các nghệ nhân khác, sau bao tháng ngày chờ đợi, cụ Vượn đã cùng cụ Nguyễn Thị Khướu, đều đã ngoài tuổi 90 nhờ cháu nội, cháu ngoại dìu lên sân khấu để nhận danh hiệu NNƯT.

Năm nay, cụ Vượn và cụ Khướu tiếp tục được đón nhận bằng công nhận danh hiệu NNND được UBND TP Hà Nội trao tặng hồi tháng 5 vừa qua. “Còn niềm vui nào lớn hơn niềm vui khi ở tuổi “gần đất xa trời” thì được Đảng, Nhà nước vinh danh. Niềm vui không phải vì được thêm tiền bạc mà vì chúng tôi được ghi nhận…” - cụ Vượn nói.

Không riêng gì cụ Vượn hay cụ Khướu, đây là niềm vui chung của các nghệ nhân, nhất là những người đã bước vào tuổi xưa nay hiếm như các cụ Đỗ Thị Khuê, Nguyễn Văn Mùi, Nguyễn Thị Sinh, Chu Chí Cang, Vũ Thị Khiên… “Tôi đã dìu cụ Nguyễn Thị Sinh lên sân khấu nhận danh hiệu NNND. Năm nay cụ Sinh đã 97 tuổi. Dù chân chậm, tay run nhưng ánh mắt của cụ thì vẫn chan chứa biết bao hạnh phúc” - NSƯT Bạch Vân chia sẻ.

Những niềm vui, niềm hạnh phúc đó của các nghệ nhân thật dễ lý giải. Không phải ngẫu nhiên UNESCO đưa ra danh hiệu “Báu vật nhân văn sống” (living human treasures) để tôn vinh NNDG. Cũng bởi lẽ, các NNDG chính là người có công thực hành, lưu giữ và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể cho các thế hệ sau; là một phần không thể tách rời của di sản để bảo tồn, phát huy và trao truyền những giá trị văn hóa phi vật thể do con người nắm giữ.

Đối với nước ta, trong thời gian qua, nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh là kiệt tác của nhân loại như: Nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, dân ca quan họ, ca trù, hội Gióng đền Sóc và đền Phù Đổng, Hà Nội, hát xoan, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đờn ca tài tử Nam Bộ, dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh, nghi lễ hầu đồng…

Và, trong việc gìn giữ và phát huy những di sản văn hóa phi vật thể này đều có sự góp sức đặc biệt quan trọng của các NNDG. Điều này đã từng được ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định ngay tại lễ trao tặng và truy tặng danh hiệu NNND, NNƯT của TP Hà Nội năm 2019: “Không có NNDG thì cũng không có văn hóa dân gian”.

Bởi thế, nếu như trong đợt 1, năm 2015 có 617 NNDG được phong tặng danh hiệu NNƯT thì đến đợt 2 năm 2019 có 623 nghệ nhân được phong tặng NNND (62 người) và NNƯT (561 người). Danh hiệu này sẽ tiếp tục được xét theo định kỳ 3 năm/lần.

Đệ nhất danh cầm Nguyễn Phú Đẹ ra đi khi chưa kịp nhận danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân
  • Đệ nhất danh cầm Nguyễn Phú Đẹ ra đi khi chưa kịp nhận danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân

Đừng để quá muộn

Năm 2015, cụ Nguyễn Thị Vượn còn có thể rủ cụ Nguyễn Thị Khướu cùng đi từ làng Chanh Thôn, xã Văn Nhân (Phú Xuyên) ra Hà Nội để nhận danh hiệu. Thế nhưng năm nay, chỉ có mình cụ Vượn nhờ con cháu đưa ra Hà Nội nhận danh hiệu NNND, dù rằng cụ Khướu cũng được phong tặng danh hiệu đó trong dịp này.

Cụ Vượn bảo, dù rất mừng nhưng thấy mình lẻ loi. “Bao năm chị em có đôi nhưng chị Khướu mất từ hồi năm ngoái khiến tôi giờ đây lẻ bóng”, cụ Vượn buồn rầu chia sẻ. Đây cũng là nỗi ngậm ngùi của người thân trong gia đình cụ Khướu khi cụ đã không thể được trực tiếp đón nhận niềm vinh dự lớn lao vẫn hằng mong mỏi.

Ngày 22/3/2019, đệ nhất danh cầm Nguyễn Phú Đẹ qua đời ở tuổi 97, chỉ hai tuần sau khi Quyết định phong tặng danh hiệu NNND được kí. Đệ nhất danh cầm này cũng đã không kịp trực tiếp đón nhận vinh dự là NNND duy nhất của tỉnh Hải Dương trong đợt phong tặng lần này. Hồi được phong tặng danh hiệu NNƯT (năm 2015), cụ Nguyễn Phú Đẹ có bảo rằng giá như ông được đặc cách tặng danh hiệu NNND thì niềm vui mới trọn vẹn. Cũng vì cụ lo xa mình đã ở tuổi gần đất xa trời - 93 tuổi, chẳng biết có chờ thêm được 3 - 4 năm nữa cho đúng quy trình phong tặng danh hiệu không. “Tôi sợ không sống nổi đến cái ngày ấy”, cụ Đẹ lo lắng. Và thật đáng tiếc khi điều lo lắng của cụ đã xảy ra.

Nói đến những muộn mằn trong việc phong tặng các danh hiệu này, NSƯT Bạch Vân, người đắm đuối cả cuộc đời với ca trù buồn rầu nhắc tiếp đến trường hợp cụ Phạm Thị Mùi (Lỗ Khê, Liên Hà, Đông Anh, Hà Nội), cụ Đỗ Thị Khuê (Phú Đô, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng chưa kịp nhận danh hiệu mà đã đi xa. Hay như khi nhìn vào danh sách truy tặng thì danh hiệu NNND có 4 nghệ nhân: Phan Chí Thành (Bình Định), Phan Văn Hiển (Hải Dương), Nguyễn Tấn Nhì (TPHCM), Nguyễn Thị Mẫn (Thừa Thiên - Huế); NNƯT có đến 9 nghệ nhân: Thân Mạnh Thâm (Bắc Giang), Triệu Tiến Vinh (Bắc Kạn), Y Thi (Đắk Nông), Nạ Văn Chăn (Điện Biên), Hoàng Văn Pi (Hà Giang), Nguyễn Thị Lơ (Hà Nội), Đinh Văn Khánh (Hải Dương), A Drêng (Kon Tum), Ma Ngọc Chỏi (Thái Nguyên).

“Việc phong tặng các danh hiệu NNND và NNƯT còn chậm trễ. Hầu hết các nghệ nhân đều ở tuổi xưa nay hiếm, như lá rụng về cội. Vậy nên, việc phong tặng danh hiệu càng chậm trễ thì càng khiến bao người ngậm ngùi vì có biết bao nghệ nhân từng giữ hồn cốt dân tộc qua những ngón đàn, câu hát tuyệt đỉnh mà lại chẳng được một lần hưởng niềm vui này” - NSƯT Bạch Vân nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ