“Thủ đô nước hoa” của Ấn Độ

GD&TĐ - Trong nhiều thế kỷ, Kannauj ở vành đai sông Hằng, thành phố cổ thuộc bang Uttar Pradesh, Đông Bắc Ấn Độ hiện nay có truyền thống sản xuất nước hoa từ thực vật qua các phương pháp chưng cất lâu đời nhất thế giới.

Tinh dầu được bày bán ở chợ.
Tinh dầu được bày bán ở chợ.

Mặc dù, tinh dầu này đã lỗi thời vào thế kỷ 20, nhưng các nhà sản xuất nước hoa ở Kannauj vẫn tiếp tục chế tác theo cách cổ xưa. 

Mùi hương đặc trưng

Bắt nguồn từ tiếng Latinh, per và fume (xuyên qua khói), nước hoa (perfume) khởi thủy ra đời từ thực vật bị giã nát, vắt trực tiếp vào dầu hoặc nước.

Nước hoa hiện đại sử dụng cồn làm dẫn chất hoặc dung môi, vì giá rẻ, trung tính và dễ khuếch tán.

Tuy nhiên, theo truyền thống ở Kannauj, attar (còn được gọi là ittr), loại tinh dầu được làm bằng dầu gỗ đàn hương, làm cho chúng nhờn và có tính hấp thụ cao. Một giọt nhỏ trên cổ tay hoặc sau tai, mùi hương dễ chịu thấm vào da và lưu lại có khi cả ngày.

Kannauj cũng sản xuất tinh dầu mitti ấn tượng, gợi lên mùi hương của Trái đất sau một trận mưa, được làm từ những mảnh đất sét chưa nung chảy của sông Hằng. Shamama, một phát minh khác của Kannauj, pha trộn chưng cất trong nhiều tháng từ hơn 40 loại hoa, thảo mộc và nhựa gỗ.

Mùi hương kết hợp hài hòa giữa vị ngọt, gia vị, khói và mùi ẩm ướt, như đưa người ta đến một thế giới khác. Các nhà sản xuất nước hoa nổi tiếng ở châu Âu sử dụng tinh dầu của Kannauj như một hợp chất tỏa hương hấp dẫn trong thành phần của nước hoa hiện đại.

Kannauj đã pha chế attar trong hơn 400 năm, hai thế kỷ trước khi Grasse, ở vùng Provence của Pháp,
nổi lên như một nhà sản xuất nước hoa lừng danh.

Được biết đến với cái tên degh-bhapkatheo tiếng Hindi, phương pháp tạo nước hoa thủ công ở Kannauj sử dụng vật dụng chưng cất bằng đồng và đun bằng nhiên liệu gỗ và phân bò.

Kannauj cách Agra bốn giờ lái xe và chỉ cách Lucknow, thủ phủ bang chỉ hai giờ. Giống như nhiều thành phố nhỏ của Ấn Độ, Kannauj đệm giữa quá khứ và hiện tại. Thời gian ở đây dường như không tiến tới, nó chỉ đơn giản là chồng chất.

Các thành lũy bằng đá sa thạch đổ nát, tháp có mái vòm hình củ hành và cổng vòm hình vỏ sò gợi lại vẻ hùng vĩ cổ xưa của thành phố, kinh đô của Đế chế Harshavardhana vào thế kỷ thứ sáu. Trên đường chính, những chiếc xe tay ga và đôi khi là chiếc Mercedes hào nhoáng vượt qua những người bán hoa quả, đẩy những chiếc xe gỗ chất đầy ổi và chuối chín.

Đi vào những con đường hẹp của Bara Bazaar, chợ chính, Kannauj trở lại hoàn toàn về thời Trung cổ. Trong mê cung này, những cửa hàng lâu năm bày đầy những chai thủy tinh chứa tinh dầu, mỗi thứ đều có mùi hương độc đáo.

Những người đàn ông ngồi xếp bằng trên thảm trải sàn có đệm, ngửi những lọ nhỏ và chấm sau tai bằng tăm bông có mùi thơm lâu dài. Điều hành thương mại lâu đời này là attar sazh, hay nhà sản xuất nước hoa, gợi lên nét lôi cuốn của một nhà giả kim hoàng gia.

“Những nhà chế tạo nước hoa giỏi nhất thế giới đã đi qua những con đường hẹp này, băng qua bùn và phân bò để có được tinh dầu Kannauj.

Thực sự không có gì giống như attar”, Pranjal Kapoor, đối tác thế hệ thứ năm của ML Ramnarain Perfumers, một trong những nhà máy chưng cất lâu đời nhất trong số khoảng 350 nhà máy chưng cất còn hoạt động ở đây, nhận xét.

Được xây dựng trên đỉnh vùng đất phù sa giàu có của sông Hằng, Kannauj đặc biệt thích hợp để trồng hoa nhài, cỏ vetiver và hoa hồng Damask, vốn mang tên Damascus nhưng có nguồn gốc từ Trung Á. Những nhà sản xuất nước hoa bậc thầy đều có mặt ở Kannauj. 

Gìn giữ mùi hương truyền thống

Ngày nay, hầu hết tinh dầu của Kannauj được đưa đến Trung Đông và sử dụng trong các cộng đồng Hồi giáo địa phương. Ở Chandni Chowk của Old Delhi, một khu chợ có từ thế kỷ 17 do hoàng đế Shah Jahan của đế chế Mughan xây dựng, mang tên Gulab Singh Johri Mahalhiện bày bán cả tinh dầu Kannauj và nước hoa hiện đại. Ở đây hầu như lúc nào cũng chật kín những người đàn ông Hồi giáo tìm tinh dầu để chấm sau tai, trước khi cầu nguyện vào thứ Sáu và khi tham gia các lễ hội.

Những năm qua, Kannauj phải đối mặt với sự khó khăn trong việc giữ mùi hương truyền thống.

Vào thời điểm Ấn Độ đặt ra những hạn chế nghiêm ngặt đối với việc bán gỗ đàn hương vào cuối những năm 1990, giá tinh dầu đã tăng vọt.

Đồng thời, những người Ấn Độ có địa vị, muốn thể hiện mình là người hiện đại và sinh động, chuyển thị hiếu sang nước hoa và chất khử mùi phương Tây nhập khẩu. Các chất thay thế tự nhiên, chẳng hạn như parafin lỏng, được sử dụng thay thế cho gỗ đàn hương.

Tuy nhiên, bất chấp những thách thức này, Pranjal Kapoor vẫn lạc quan. Ông dành nhiều thời gian để tìm hiểu các nhà sản xuất nước hoa quốc tế hàng đầu, nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng của các loài thực vật ở Kannauj để làm ra loại tinh dầu không khác attar. Kapoor nói: “Thị hiếu phương Tây đang dịch chuyển sang phương Đông.

Thông thường, phương Tây thích hương cam chanh nhẹ nhàng, nhưng ngày nay bạn thấy các hãng lớn như Dior, Hermès, và tất nhiên, các nhà sản xuất nước hoa Trung Đông, sử dụng những mùi hương phong phú như hoa hồng, oud và shamama”.

Một thị trường ngách cho tinh dầu chất lượng cao cũng đang phát triển trong nước. Anita Lal, người sáng lập Good Earth và Paro, hai thương hiệu về phong cách sống đương đại, bắt nguồn từ thiết kế và cảm quan truyền thống của Ấn Độ, đang kinh doanh phát đạt với các loại tinh dầu hoa hồng và cỏ vetiver cổ điển nhưng cô cũng mong muốn giới thiệu lại attar với thế hệ trẻ.

Anita Lal nói: “Bi kịch của attar có hai phần. Thứ nhất, gỗ đàn hương hiện rất hiếm, không có nó, gần như không thể nắm bắt được sự quyến rũ của attar. Thứ hai, attar đã bị coi là lỗi thời. Ngoài ra, còn phải đương đầu với những mánh khóe trong tiếp thị của phương Tây và sự lôi cuốn của nước hoa Pháp”. Tuy nhiên, cô vẫn tin rằng, attar sẽ đánh thức một thế hệ mới ở Ấn Độ và nước ngoài bằng hương thơm gợi cảm của nó.  

Theo Nationalgeographic

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ