Rộn ràng những buổi công chiếu khiến khán giả “Ồ!”… “À!”

GD&TĐ - Chúng ta sẽ sống như thế nào trong tương lai? Cứu lấy biển Chết! Không có thức ăn thừa!...

Buổi chiếu phim và trải nghiệm khoa học của Liên hoan phim khoa học lần thứ 10 tại Viện Goethe thu hút sự quan tâm của học sinh Hà Nội. 	Ảnh: Bình Thanh.
Buổi chiếu phim và trải nghiệm khoa học của Liên hoan phim khoa học lần thứ 10 tại Viện Goethe thu hút sự quan tâm của học sinh Hà Nội. Ảnh: Bình Thanh.

Đó là một số tiêu đề của những bộ phim khoa học đang được chiếu tại Liên hoan phim khoa học 2020 hay cũng là những câu hỏi, những nhắc nhở về trách nhiệm của con người trong việc bảo vệ môi trường sống của chính mình?

Rộn ràng: “Ồ!”… “À!”

Nối tiếp từ ngày Chủ nhật cuối tháng 10 sang đến ngày Chủ nhật đầu tháng 11 này, không lười biếng cuộn mình trong chăn ấm để tránh gió lạnh đầu mùa, từng tốp học sinh theo cha mẹ, thầy cô đến Viện Goethe tại Hà Nội.

Cũng vì, đến nơi đây các em được hòa mình vào thế giới khoa học thông qua các bộ phim chiếu trong khuôn khổ Liên hoan phim khoa học 2020 – một tiệc phim khoa học thường niên luôn được chờ đợi. Thế là, suốt từ sáng cho tới chiều, không gian ấy rộn ràng trong những tiếng ồ, tiếng à; trong những câu đáp - hỏi; trong những tiếng cười khi khanh khách, khi rúc rích…

Không “ồ”, “à” sao được khi mỗi ngày ngước nhìn lên bầu trời, bắt gặp màu xanh ngăn ngắt để gọi tên: “Màu xanh da trời” nhưng rồi mỗi người (không chỉ trẻ em mà với cả các bậc phụ huynh) không khỏi ngơ ngác trước câu hỏi: “Tại sao lại là màu xanh da trời?”. Giờ đây, ngay phút đầu của liên hoan phim, khán giả đã tìm thấy câu trả lời cho thắc mắc ấy trong bộ phim hoạt hình “Merengue Joe – một chú chuột Hamster”.

Không chỉ thế, khán giả còn được tự tay tạo ra… bầu trời khi chiếu đèn pin từ một chiếc điện thoại vào bình nước thủy tinh và không chỉ tìm kiếm màu xanh da trời mà còn thấy cả màu cam. Những kiến thức khoa học cứ thế được mở mang qua những thước phim, qua những bài thực hành thí nghiệm để từ đà đó nối tiếp những câu hỏi: “Vì sao?” của các cô cậu học trò đang ở độ tuổi thích khám phá được đặt ra: Vì sao vào buổi hoàng hôn da trời có màu tím? Vì sao có ngày da trời vàng vọt?...

Thêm nữa, các bạn nhỏ lại được phen chau mày khi nhận lời gợi ý từ thầy Đức – một MC thân quen đã từng gắn bó suốt bao năm qua với liên hoan phim. Đó là lời gợi ý mang đầy tính phản biện cũng như khơi gợi về trách nhiệm của con người với Trái đất như: Phải chăng Trái đất bị ô nhiễm bởi bui mịn, khí thải… nên đã “pha màu” da trời? Trái đất có cần được bảo vệ không hay con người phải bảo vệ Trái đất chính là bảo vệ sự sống của mình?

Không “ồ”, “à” sao được khi xem bộ phim “Chương trình Atom Araullo số đặc biệt: Không có thức ăn thừa” để rồi ngỡ ngàng trước câu chuyện đồ ăn bị lãng phí ở Phillippines. Vì theo thống kê, đã có khoảng 296.869 tấn gạo bị lãng phí mỗi năm, đủ để nuôi sống hai triệu người dân Phillippines.

Trong khi đó, ở đất nước này vẫn còn khoảng 7,3 triệu người (theo một nghiên cứu mới đây của Trạm Thời tiết xã hội - Social Weather Stations) cho rằng, họ đang sống thiếu thực phẩm tình trạng đói nghèo, suy dinh dưỡng. Bộ phim đã tìm ra câu trả lời cho câu hỏi thực phẩm bị hao hụt như thế nào, từ khâu sản xuất cho tới tiêu thụ. Bối cảnh chính của phim là ở Samar, nơi mà tỉ lệ đói nghèo và suy dinh dưỡng đang ở mức báo động, người dân và đặc biệt là trẻ đang phải chịu đựng sự thiếu thốn đồ ăn nghiêm trọng.

Là khán giả theo sát các hoạt động chiếu phim của liên hoan phim tại Viện Goethe ở Hà Nội, bạn Tú Anh (Tây Hồ) chia sẻ, đã tham gia nhiều kỳ liên hoan khoa học do Viện Goethe tổ chức ở Việt Nam.

Theo Tú Anh, mỗi kỳ liên hoan đều mang đến những bộ phim khoa học thú vị theo từng chủ đề như: Năng lượng tái tạo và bền vững, nước, công nghệ tương lại, thế giới ánh sáng, cuộc cách mạng thực phẩm, khoa học nguyên vật liệu, kỷ nhân sinh… Hình thức tổ chức liên hoan cũng có nhiều sự đổi mới.

“Nếu như ở các kỳ liên hoan ban đầu, các buổi chiếu phim hướng đến tính giải trí là chính thì đến mấy năm gần đây hướng đến tính giáo dục. Kỳ liên hoan năm nay, em được mở rộng tầm hiểu biết của mình, không chỉ về kiến thức khoa học mà cả về kiến thức xã hội rất đáng quan tâm như bức tranh đối lập giữa sự lãng phí lương thực với sự đói nghèo, suy dinh dưỡng ở Samar (Phillippines). Những bộ phim này gợi mở cho mỗi người những suy nghĩ một cách nghiêm túc về trách nhiệm của mình trong việc cần làm gì để bảo vệ môi trường sống và góp sức mình vào sự phát triển bền vững”, Tú Anh nói.

Gợi ý cho tương lai

Học sinh hào hứng với thí nghiệm quan sát màu xanh da trời qua ánh sáng chiếu vào bình nước thủy tinh. Ảnh: Bình Thanh.
Học sinh hào hứng với thí nghiệm quan sát màu xanh da trời qua ánh sáng chiếu vào bình nước thủy tinh. Ảnh: Bình Thanh.

Liên hoan phim khoa học lần thứ 10 đang tiếp tục kéo khán giả “rong ruổi” cùng những câu chuyện khoa học được kể trong 16 bộ phim. Có một điều dễ dàng nhận thấy là liên hoan năm nay gần như ưu ái cho khán giả từ 17 tuổi trở lên khi có tới 8 bộ phim dành cho độ tuổi này như: “Chương trình Atom Araullo số đặc biệt: Không có thức ăn thừa”, “Hóa thạch kỹ thuật”, “Cứu lấy biển Chết”, “Xây dựng linh hoạt tương lai của kiến trúc”, “Trái đất mê hoặc: Siberia – trở lại kỷ băng hà”, “Âm thanh của tự nhiên: Sự bí ẩn của chú cá vô hình”, “Borneo – địa dàng cổ đại của Trái đất” và “Gấu trúc trở về tự nhiên”.

Trong khi đó, số phim dành cho độ tuổi nhi đồng chỉ có một phim hoạt hình “Merengue – tại sao lại là màu xanh da trời” và 7 phim còn lại dành cho độ tuổi thiếu niên, gồm: “Người đưa tin: Corona, cảm cúm và cảm lạnh – cuộc hành trình dài của virus”, “Trái đất tới tương lai – chúng ta sẽ sống như thế nào trong tương lai?”, “Buổi biểu diễn với chú chuột: Siêu ắc quy”, “Cấu tạo vệ tinh”, “Chuyện của đất: Nông nghiệp thẳng đứng”, “Tôi và robot của tôi”.

Tuy nhiên, sự phân chia độ tuổi khán giả thưởng thức phim chỉ là tương đối, chủ yếu theo tiêu chí độ dài còn phần nội dung và ý tưởng khoa học thì luôn hấp dẫn mọi độ tuổi.

Vì vậy, không ít buổi chiếu phim và trải nghiệm ở Viện Goethe tại Hà Nội, ở các điểm trường tại nhiều tỉnh thành trong cả nước và ở cả những buổi chiếu lưu động theo “bánh xe tri thức” của Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, khán giả đã không ngừng xì xào trước câu hỏi: “Chúng ta sẽ sống như thế nào trong tương lai?” được bộ phim cùng tên đặt ra. Ấy là, theo xu hướng phát triển, có thể dự báo vào năm 2050, khoảng 2/3 dân số thế giới sẽ sống ở các thành phố. Các thành phố khi đó sẽ cao hơn, chật hẹp hơn với những tòa tháp cao… Liệu rằng khi đó xu hướng sống sẽ là nghịch lý: Rất to và rất nhỏ?

Rồi thì, bộ phim “Chuyện của đất: Nông nghiệp thẳng đứng” đã đưa ra mối lo ngại dân số thế giới được dự đoán đến năm 2050 sẽ đạt 9,8 tỷ người, trong đó có tới 40 nước dân số sẽ tăng gấp đôi. Vì thế, ngành nông nghiệp thế giới đang đối mặt với một lượng lớn thách thức.

Hay như, bộ phim “Cứu lấy biển Chết” lại kể câu chuyện về biển Chết đang chết: Kể từ năm 1976, mực nước đã giảm hơn 100 feet (hơn 30m), để lộ đường bờ biển với hàng ngàn hố sụt. Nhưng, những ánh mắt tuổi trẻ đong đầy hy vọng trước lý tưởng táo bạo của NOVA: Kết nối biển Đỏ với biển Chết bằng một nhà máy khử mặn khổng lồ.

Rồi thì một Felix tìm kiếm xu hướng sống của tương lai nếu như những căn nhà với kích cỡ nhỏ có thể trở thành giải pháp hữu hiệu cho những không gian hẹp. Một Robert Jordas – nhà sáng lập Robbes Little Garden tại Phần Lan - tìm cách trồng rau theo tầng, sử dụng hiệu quả năng lượng từ đèn led và tiết kiệm 98% lượng nước so với trồng ngoài trời

Đặc biệt, không gian phòng chiếu lặng im phăng phắc hơn bao giờ hết khi mọi người cùng đổ dồn sự tập trung của mình vào câu chuyện thời sự nóng hổi vẫn đang khiến cả thế giới lo ngại khi bộ phim “Người đưa tin: Corona, cảm cúm và cảm lạnh – cuộc hành trình dài của virus” được trình chiếu. Đấy là câu chuyện về bọn chúng – virus Corona 2019-nCov – bọn chúng rất nhỏ, không chân và có thể di chuyển bất chấp biên giới…

Nhưng cũng không nên vì thế mà qua lo sợ khi cô Jana hé lô về công trình nghiên cứu một loại vắc – xin chống lại virus Corona 2019-nCov của một nhà virus học cũng như chia sẻ về một lớp học ở trường với rất nhiều nỗ lực khiến cho việc lây lan của virus khó khăn hơn.

Theo ông Wilfried Eckstein – Viện trưởng Viện Goethe, để hướng đến tầm nhìn chung của thế giới về một Trái đất hưng thịnh, xanh sạch, đẹp năm 2030, cần chuẩn bị cho thế hệ trẻ một sự nhận thức nền tảng.

Năm thứ 10 của liên hoan phim khoa học được tổ chức tại Việt Nam chính là một cơ hội để khán giả dải đất hình chữ S xinh đẹp được khám phá những khả năng của con người và thiên nhiên.

“Với chủ đề “Phát triển bền vững”, mỗi bộ phim được chọn chiếu tại liên hoan phim năm nay không chỉ bám sát nhiều vấn đề thực tế đang đặt ra mà còn đưa ra những dự báo cùng các giải pháp, ý tưởng cho sự phát triển trong tương lai. Qua đây, chúng tôi mong muốn nâng cao nhận thức cũng như sự chủ động sáng tạo để thay đổi thái độ, cách ứng xử của mỗi người đối với môi trường sống của mình”, ông Wilfried Eckstein.

Khởi động từ tháng 10, liên hoan phim khoa học năm 2020 tại Việt Nam do Viện Goethe tổ chức sẽ kéo dài đến tháng 12 năm nay. Với sự hợp tác của đối tác lâu năm THD (Công ty TNHH Giải pháp Giáo dục THD) và sự hỗ trợ từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (VNIES), theo ban tổ chức, tại các buổi chiếu phim, các em học sinh, phụ huynh, giáo viên không chỉ được thưởng thức những thước phim khoa học mà còn được trải nghiệm các hoạt động STEM. Khi đó, các chuyên gia đầu ngành sẽ phát triển những hoạt động học tập đi kèm với mỗi phim, bảo đảm các kiến thức khoa học sẽ được thẩm thấu một cách tự nhiên và chủ động.
Trên nền tảng STEM kỹ thuật số Đông Nam Á (SEADSTEM) các giáo viên và chuyên gia về STEM có thể tiếp cận các nguồn tư liệu giảng dạy đạt chuẩn chất lượng quốc tế. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.