Phong tục trao nón cầu may của người Tày ở Cao Bằng

GD&TĐ - Lễ cưới là một ngày vô cùng quan trọng trong cuộc đời mỗi con người, đặc biệt mỗi dân tộc sẽ có cách tổ chức và bản sắc hoàn toàn rất riêng.

Hai cô dâu trao nón cho nhau để cầu chúc may mắn.
Hai cô dâu trao nón cho nhau để cầu chúc may mắn.

Người Tày tại Cao Bằng dù cuộc sống hiện đại có ít nhiều sự đổi thay, nhưng phong tục trao nón cầu may khi hai đoàn rước dâu gặp nhau vẫn được duy trì.

Đối với người con gái Việt, chiếc nón là một món đồ không thể thiếu, ngoài tác dụng che mưa nắng đơn thuần ra nó như một biểu tượng văn hóa. Còn đối với người  Tày ở Cao Bằng, khi cô dâu chuẩn bị về nhà chồng sẽ được người thân trong gia đình trao tặng một chiếc nón như là lời gửi gắm, món quà nhỏ cầu chúc cho cuộc sống hạnh phúc.

Người trao chiếc nón cho cô dâu phải là cha hoặc anh em trai trong gia đình, nếu như không có thì có thể nhờ người thân là con trai bên nhà nội đội cho. Điều đó cho thấy một quy tắc, nghi lễ nghiêm chỉnh, trật tự trong đời sống của người Tày từ xa xưa.

Sau khi chiếc nón được đội lên đầu, cô dâu không được quay lại nhìn nhà trong suốt quãng đường về nhà chồng. Vì theo quan niệm xưa, một khi đã đội chiếc nón mới mà quay lại nhìn sẽ làm cho bố mẹ nhớ nhung nhiều, lưu luyến con gái. Còn cô dâu về nhà chồng vì nhớ nhà bố mẹ đẻ mà không chú tâm chăm lo cho gia đình mới của mình. Chính vì thế, khi chiếc nón được đội lên cũng có nghĩa là cô dâu đã có một gia đình riêng và hãy chăm lo cho gia đình nhỏ của mình. 

Trên đường về nhà chồng mà gặp một đoàn rước dâu khác thì đại diện của hai đoàn, tức là quan lang sẽ gặp mặt và trao đổi với nhau. Nếu được sự chấp thuận của cô dâu chú rể hai bên sẽ tiến tới chào hỏi, gửi lời chúc những điều tốt đẹp đến nhau. Một số tỉnh khác sẽ trao đổi hoa, nhưng đối với người Tày Cao Bằng xưa kia mặc trang phục truyền thống sẽ có một chiếc khăn hồng cuốn ở hông được bố mẹ tặng khi ra cửa thì hai cô dâu sẽ trao khăn cho nhau.

Nhưng hiện nay, lễ cưới của người Tày đã được hiện đại hóa, những trang phục truyền thống không được sử dụng nhiều nên chiếc nón sẽ là món đồ quý báu để hai cô dâu trao cho nhau cùng với lời chúc tốt đẹp và tiếng vỗ tay vui mừng của hai đoàn rước dâu. 

Khi về đến nhà chồng, mẹ chồng sẽ là người trực tiếp ra đón với ý nghĩa như là đón một thành viên mới về cùng chung sống, sinh hoạt với gia đình, trở thành người trong gia đình. Nếu như không có mẹ hoặc em gái thì người phụ nữ trưởng họ bên nhà chồng sẽ là người ra đón cô dâu. Lúc này, đoàn nhà trai và nhà gái cùng nhau trò chuyện bàn bạc và uống rượu mừng cho đôi lứa sớm có tin vui và hạnh phúc bên nhau.

Có thể thấy, cuộc sống hiện đại đã ít nhiều ảnh hưởng đến phong tục tập quán của người Tày. Nhiều nghi thức truyền thống được lược bỏ cho phù hợp với đời sống hiện đại, tuy nhiên những giá trị cốt lõi truyền thống tốt đẹp vẫn được lưu truyền cho mai sau.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đối tượng Nguyễn Minh Trường thời điểm bị bắt giữ và tang vật.

Triệt phá 'lô cốt' ma túy

GD&TĐ - “Bà trùm” chia nhỏ ma túy, giao cho “chân rết” là những “quái xế” vận chuyển bằng xe máy với tốc độ cao nhằm hạn chế giám sát của lực lượng chức năng.