Patagonia: Vùng đất bạt ngàn quả mọng trường thọ

GD&TĐ - Patagonia là khu vực sinh cư của thổ dân Mapuche ở Chile và Argentina (Nam Mỹ). Từ xưa, họ đã sống nhờ các loại quả mọng có sẵn trong tự nhiên.

Người dân Patagonia có thể hái cả tấn quả dại mỗi mùa.
Người dân Patagonia có thể hái cả tấn quả dại mỗi mùa.

Ngày nay, chỉ một làng Mapuche cũng có thể cung cấp cả chục tấn mỗi mùa, với trên 20 loài quả mọng hoang dã thơm ngon, giàu tác dụng với sức khỏe con người.

Tự nhiên nuôi con người

Tại Châu Mỹ, Patagonia là một trong các vùng đất đa dạng địa hình và hiểm trở nhất. Với diện tích hơn 1 triệu km2, nó chiếm trọn 4 tỉnh của Argentina và nhiều khu vực thuộc Chile. Ngoài Mapuche, đây còn là địa điểm sinh cư của 2 bộ lạc bản địa Nam Mỹ phổ biến khác: Tehuelche và Selk’nam.

Điều kiện khí hậu và đất đai của Patagonia khắc nghiệt, cằn cỗi, không thích hợp phát triển nông nghiệp. Tuy rộng lớn, nó chỉ có tổng cộng khoảng 2 triệu người và mật độ dân số thưa thớt, chỉ 1,9 người/km2. Dù vậy, cuộc sống của cư dân không quá khó khăn.

Nguyên do, Patagonia có trên 20 loài quả mọng hoang dã ăn được và có lợi cho sức khỏe. Chúng đã được người Mapuche chứng minh và nghiên cứu khoa học gần đây xác nhận.

“Hồi tôi còn nhỏ, cha mẹ thường bảo nếu có đói thì chỉ cần vào rừng là kiếm đủ ăn”, đầu bếp José Luis Calfucura (Chile) nhớ lại. Thứ quả Calfucura thích nhất là maqui (Aristotelia chilensis). Chúng có mặt trên hầu hết các cánh rừng, đồng cỏ Patagonia, khi chín có màu tím đen và vị ngọt lịm.

“Lần nào ăn maqui xong, đám nhóc chúng tôi cũng bị nước quả sơn tím hết mặt mũi”, Calfucura tiếp tục: “Đứa này cười đứa kia lem luốc, rồi cả lũ cùng phá ra cười”.

Hiện, Calfucura nổi danh là đầu bếp Mapuche giỏi nhất Thủ đô Santiago (Chile). Anh vẫn giữ nguyên vẹn tình yêu với maqui, đưa nó vào hàng loạt các món trong thực đơn nhà hàng Amaia của mình.

“Chúng tôi có bánh ngọt maqui, súp pisco maqui, sốt mayonnaise maqui…”, Calfucura khoe. Anh tự tin và tràn ngập hy vọng, hương vị maqui “đốn gục” mọi thực khách.

Siêu quả mọng hoang dã

Patagonia là thiên đường quả mọng hoang dã.

Patagonia là thiên đường quả mọng hoang dã.

Ngoài vị giác hấp dẫn, maqui còn lừng danh chỉ số ORAC (Oxygen Radical Absorbance Capacity – khả năng hấp thu gốc oxy hóa) cao nhất. Màu tím của nó do anthocyanins, sắc tố tự nhiên và chất chống oxy hóa tạo thành. Lượng anthocyanins có trong maqui thậm chí vượt qua quả lựu và cọ acai, 2 loại quả được biết đến là có khả năng chống oxy hóa hữu hiệu nhất.

Sau maqui, Patagonia còn giàu có 2 siêu quả dại khác là murta (Ugni molinae) và calafate (Berberis microphylla). Murta mọc nhiều ở vùng Patagonia thuộc Chile, có vẻ ngoài tương tự như quả việt quất, chín màu đỏ. Nó có mùi rất thơm, vị chua chua ngọt ngọt, từng được Nữ hoàng Victoria (1819 – 1901, Anh) mê mẩn đến nỗi bà tự trồng trong vườn của hoàng gia.

Calafate mọc nhiều ở vùng Patagonia thuộc Argentina, chín màu xanh dương thẫm. Người Tehuelche tin nó là hóa thân của tổ tiên, cứu đói và tiếp năng lượng cho họ trên những chuyến đi dài.

Cả maqui lẫn murta và calafete đều đã được khoa học phân tích và xác nhận công dụng, khẳng định “vô cùng có lợi cho sự phát triển thể chất”. Rất có khả năng là nhờ 3 loại quả này, Patagonia mới từng nổi tiếng “vùng đất người khổng lồ”.

Theo ghi nhận từ lịch sử Nam Mỹ, cái tên Patagonia bắt nguồn là từ patagón (người khổng lồ) do nhà thám hiểm Fernão de Magalhães (1480 – 1521) người Bồ Đào Nha giới thiệu.

Sinh thời, Magalhães bị đế quốc Tây Ban Nha giao nhiệm vụ đến vùng đất này tìm hiểu trước. Đoàn viễn chinh của ông đã đụng độ người Tehuelches và thất kinh. Thời này, người Tây Ban Nha chỉ cao trung bình 155cm, còn người Tehuelches đã 180cm.

Cũng trong thời trung đại, 3 bộ lạc Mapuche, Tehuelche, Selk’nam và nhiều nhóm thổ dân bản địa khác ở Patagonia còn xem nước ép maqui, murta và calafate như nước tăng lực. Trước khi ra trận, họ tập hợp các chiến binh và “cạn chén” nước ép quả mọng dại tăng chiến khí.

Sinh kế bền vững

Trên 20 loại quả mọng dại Patagonia đã được xác nhận có lợi cho sức khỏe.

Trên 20 loại quả mọng dại Patagonia đã được xác nhận có lợi cho sức khỏe.

Thuở xưa, cư dân Patagonia bảo quản quả dại bằng cách phơi khô, làm mứt hoặc ngâm rượu. Nay, người ta có nhiều lựa chọn hơn. Claudia Manquepillan (Chile), giám đốc công ty kinh doanh trái cây hoang dã gia đình - Maqueo Sabores Étnicos (Lago Maihue) vừa đông lạnh quả mọng vừa ép lấy nước, nấu siro. Chị cũng phơi khô, nghiền thành bột.

“Mỗi mùa, xưởng tôi sơ chế khoảng 5.000kg maqui và 2.000kg các loại quả dại khác”, Claudia cho biết.

Chị giới thiệu arrayán (Luma apiculata), loài quả rất vô vị khi tươi nhưng lại thơm như thảo mộc lúc được nấu chín. Hiện, Maqueo Sabores Étnicos cung cấp tổng cộng 17 sản phẩm quả mọng hoang dã do gia đình làm.

“Dù được chế biến tại nhà, nhưng quy mô sản xuất của chúng tôi không hề nhỏ”,   Claudia tự hào: “Mỗi mùa, 27 hộ trong làng đều chạy qua giúp tôi. Xong việc, chúng tôi mở tiệc mừng với rượu chicha, một loại đồ uống làm bằng quả mọng lên men”.

“Tôi chào đời và lớn lên ở đây”, Claudia chia sẻ thêm: “Mẹ tôi cũng thế. Với chúng tôi, quả mọng Patagonia là một phần thiết yếu”.

Chưa hết, Patagonia còn những quả mọng làm thuốc nhuộm tự nhiên, hỗ trợ dệt may an toàn sinh thái. Nơi đây cũng đầy các quả dại có tác dụng như thuốc chữa bệnh, giúp giải quyết các vấn đề về răng miệng, loét dạ dày, khử trùng, điều trị tiêu chảy, ho, sốt…

Theo BBC

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Man Utd đổi Rashford lấy Osimhen

Man Utd đổi Rashford lấy Osimhen

GD&TĐ - Marcus Rashford trở thành tâm điểm cho thỏa thuận trao đổi kinh ngạc liên quan đến tiền đạo Victor Osimhen của Napoli.