Ngược dòng Nậm Nơn tới biên giới Việt - Lào

GD&TĐ - Sông Nậm Nơn, một con sông nhỏ ngược từ Tương Dương đến Kỳ Sơn (Nghệ An) rồi sang nước bạn Lào thật lắm ghềnh thác.

Hai bên sông Nậm Nơn trùng điệp núi non.
Hai bên sông Nậm Nơn trùng điệp núi non.

Ấy thế nhưng dòng sông dữ dằn này từng là huyết mạch giao thông của bà con các dân tộc miền Tây xứ Nghệ. 

Sông Nậm Nơn được ví như một con mãng xà với “lớp da” là dòng nước luôn đục ngầu. Con mãng xà vắt ngang qua những đỉnh núi, treo leo như máng nước rẻo cao. Không biết có bao nhiêu sinh mạng đã bỏ mình, đã mãi mãi nằm dưới lòng sông huyền thoại mà dữ dằn này.

Sông “treo” qua ngọn núi

Những người lái đò trên dòng Nậm Nơn vẫn dùng thuyền độc mộc.
Những người lái đò trên dòng Nậm Nơn vẫn dùng thuyền độc mộc.

Ấy thế mà nghề lái đò trên sông Nậm Nơn vẫn cứ tồn tại cho đến ngày nay. Họ chèo thuyền, vượt thác trên dòng sông dữ mà trong ánh mắt không hề có một tia sợ hãi. Có lẽ, bởi sự từng trải lẫn những mất mát xưa kia của cha ông đã tôi luyện họ trở thành những người lái đò kiên cường nhất.

“Người lái đò sông Đà” của cố nhà văn Nguyễn Tuân đã miêu tả rất tỉ mỉ những ghềnh thác, hiểm nguy. Nhưng có lẽ dòng Nậm Nơn của xứ Nghệ cũng chẳng kém, nếu không muốn nói là gồ ghề và ẩn tàng nhiều hơn tất cả những rủi ro sóng nước.

Nậm Nơn từ xa xưa không đơn thuần chỉ là một “con sông treo” mà còn được bí như một “huyền thoại chết” vùng biên giới Việt – Lào”. Người lái đò già cả Vi Tốn Thục – dân tộc Thái sống trên dòng Nậm Nơn nói rằng, con sông không lớn, nhưng dài chẳng kém sông Lam, gập ghềnh tợn hơn sông Đà.

Nậm Nơn bắt đầu từ nước Lào, chảy xuyên núi đá, có những đoạn chảy ngược như sông Kỳ Cùng ở Lạng Sơn, sông vắt ngang qua núi mà nếu ai tinh ý, đứng phóng tầm mắt thấy Nậm Nơn không khác gì một cái máng nước được trẻ đôi. Dòng sông cứ vắt vẻo hết đỉnh núi cao sang ngọn núi thấp rồi tung mình xuống thung lũng sâu cả trăm mét tạo thành dòng thác bất tận.

Ông Thục bảo: “Không tự nhiên mà người ta nói đây là huyền thoại chết, tất cả đều có cái nguyên nhân sâu xa của nó. Dòng sông này từ xa xưa đã nhấn chìm không biết bao nhiêu sinh mạng, bao nhiêu quân thù.

Những trận lũ quét đầu nguồn như đuổi nước xuống xuôi làm cho những tảng đá giữa dòng cũng phăng phăng trôi theo. Chúng tàn phá bản làng, nhấn chìm chim muông muôn thú theo dòng nước và đập nát tất cả ở cuối ngọn tháp hung dữ”.

Quả thật, những con sông hiền hoà ở đồng bằng một khi lũ lên đã đáng sợ nhưng khi Nậm Nơn nổi giận thì đá cũng phải tan. Ông Thục giải thích: “Mưa rừng bão biển, dòng Nậm Nơn chịu trách nhiệm đưa nước từ nguồn lại phải địa hình dốc lên dốc xuống nên chúng ầm ào suốt ngày đêm.

Có những bận lũ lên dân bản ven sông cứ ôm nhau khóc chờ chết chứ chẳng ai chiến thắng được nước. Có những vùng, người ta coi dòng Nậm Nơn như một vị thần, họ lập đàn cúng tế vào ngày rằm hoặc lễ Tết mong thần sông đừng nổi giận”.

Thuận theo dòng nước dữ

Hồ Bản Vẽ, điểm xuất phát ngược dòng Nậm Nơn.
Hồ Bản Vẽ, điểm xuất phát ngược dòng Nậm Nơn.

Dù ông Thục khẳng định rằng “chẳng ai chiến thắng được nước”, nhưng chính ông lại làm thứ nghề đầy nguy hiểm trên dòng Nậm Nơn: Nghề lái đò. Ông nói rằng, nghề này là tổ tiên truyền lại, khi ông già cả không thể đứng vững trên con thuyền nữa thì con cháu ông sẽ nối nghiệp.

“Bởi vì chẳng ai chiến thắng được nước nên chúng tôi chọn cách sống hoà bình với nước. Chúng tôi nương theo con nước mà đi, theo sóng nước mà chèo chứ không bao giờ làm trái lại sức mạnh của dòng sông”, ông Thục giải thích.

Từ xa xưa, khi đường bộ từ vùng Tương Dương lên Kỳ Sơn chưa được mở mang, thì sông Nậm Nơn là huyết mạch đưa khách dưới xuôi lên vùng biên giới và ngược lại. Và sau này, khi đường xá được xây dựng, thì nhiều người vẫn chọn đường sông vì rút ngắn thời gian nhiều lần so với đi đường bộ.

“Hiện nay, quốc lộ 7 được mở thông suốt sang Lào nên nghề lái đò không còn sôi nổi nữa, chứ trước đây nó là thứ nghề gia truyền của người Thái chúng tôi. Bây giờ, chủ yếu là chở hàng thuê cho khách hàng vùng biên chứ không còn ai dám ngồi lên chiếc thuyền độc mộc để một sống một còn với dòng sông nữa”, ông Thục cho biết.

Ông Thục cũng thành thật rằng, gia tộc ông có hai người bỏ mạng trên dòng sông này. Người đầu tiên là anh trai ông Thục khi đang thay cha huấn luyện em trai lái đò thì bị dòng xoáy cuốn đi. Rồi con trai ông Thục cũng ra đi từ dòng sông này sau một chuyến đò đầy bất trắc sau mưa.

“Đã có rất nhiều người nằm xuống đáy sông. Nhưng nhiều tay lái đò vẫn trung thành với nghề bởi đó là thứ nghề dễ kiếm sống trên mảnh đất quê. Hơn nữa, họ sống với sông nước đã quá quen nên nếu làm những việc khác dưới thành phố cũng không chịu được”, ông Thục cho biết.

Ông Vi Tân Hợi, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương nói rằng, một trong những thuỷ điện lớn nhất miền Trung là Khe Bố ở thượng nguồn Nậm Nơn vốn là nơi cư trú của các dân tộc Ơ Đu, Thái, Khơ Mú đã và đang tạo cơ hội để người dân chuyển sang nghề đánh bắt thuỷ sản hoặc làm nghề lái đò đưa khách du lịch tham quan.

Nơi tụ nước cho Nậm Nơn bây giờ là lòng hồ thuỷ điện Bản Vẽ, cũng là nơi xuất phát cho những ai muốn khám phá miền Tây xứ Nghệ. Những người lái đò ngược dòng Nậm Nơn bây giờ không hiếm nữa, thậm chí còn là nghề “hot”. Có chuyến chở khách lên biên giới khám phá, cả đi cả về khoảng tuần lễ lại được bao ăn uống, thu nhập còn lại cũng không ít nên nhiều người yên tâm bám dòng Nậm Nơn.

Những người đánh cá trên dòng Nậm Nơn cho biết, cá ở sông không nhiều nhưng toàn cá quý. Đặc biệt có loại cá dầm xanh anh vũ bán cả triệu đồng một cân. Loại cá này hiếm nhưng vào mùa, tất cả bơi ra những bãi đá mồ côi giữa dòng Nậm Nơn, một chân buộc dây thừng cho nước không cuốn đi rồi trầm mình xuống nước dùng lưới hoặc vợt để bắt cá. 

Tháp Phật nơi biên viễn

Tháp Phật cổ thấp thoáng nơi biên viễn cuối dòng Nậm Nơn.
Tháp Phật cổ thấp thoáng nơi biên viễn cuối dòng Nậm Nơn.

Điểm đầu tiên bắt nguồn ngược dòng Nậm Nơm được xác định chính là làng Cửa Rào của xã Xá Lượng (Tương Dương), điểm cuối cùng của dòng sông này là xã Keng Đu, Mỹ Lý (Kỳ Sơn) và chảy sang Lào.

Nhờ vậy, mà ở Mỹ Lý có dự án thuỷ điện công suất lắp máy 180 MW từ năm 2018. Dọc hai bên Nậm Nơm, xã Mỹ Lý như một thế giới hoàn toàn khác lạ. Sự yên bình, lặng lẽ đến thinh không là “đặc sản” của vùng đất xa cách này.

Xuôi theo dòng nước trên một chiếc thuyền độc mộc, người ta thấy thấp thoáng tháp cổ hiện ra. Đó là tháp Phật tại bản Yên Hoà ven dòng Nậm Nơn, tháp cao trên 30 mét, rất cổ kính và uy nghi. Khách qua Mỹ Lý không ai có thể bỏ qua ngôi bảo tháp kỳ lạ với lối kiến trúc cổ xưa rất khó hiếm gặp ở Việt Nam.

Người lái đò giới thiệu, bảo tháp cổ này được xây từ những năm 1008, nghĩa là cách ngày nay trên một nghìn năm. Tháp cổ được xây dựng bằng gạch đặc trộn mật. Tháp cao, chân tháp lớn và nhỏ dần theo từng tầng, phía trên cùng nhọn hoắt. Trên mỗi tầng tháp đều có những hoa văn lạ, có hình Phật chắp tay. Tất cả những hoa văn lẫn thiết kế đều rất tỉ mỉ.

Ở cạnh tháp cổ có một cây bồ đề khá lớn, nhưng theo người dân địa phương, cây bồ đề này chỉ là “cây con” sau khi “cây bố” bị chết khoảng 100 năm trước. Tháp cổ bây giờ đã lung lay và người ta cũng lo cổ tháp nghìn năm tuổi bị xoá sổ khỏi đất Kỳ Sơn này.

Trước đây Mỹ Lý không chỉ có một bảo tháp như, mà có đến 3 tháp cổ ở các bản Xiềng Tắm, Tả Lày và Xiềng Trên nhưng 3 ngôi cổ tháp đó đã sụp đổ. Và không biết từ lúc nào, tháp cổ Mỹ Lý trở thành điểm đến tuy không ít khó khăn xa cách nhưng vô cùng thú vị, bởi giá trị lịch sử của cổ tháp và sự phong phú của một bản viễn sơn biên giới với đặc thù văn hoá của người Thái miền Tây xứ Nghệ.

Từ bến đò bản Xiềng Tắm (Mỹ Lý – Kỳ Sơn) ngược lên xã Keng Đu đến khe Huồi Mai là nơi phân định biên giới hai nước Việt – Lào. Dòng Nậm Nơn từ đây thuộc về hai quốc gia, phía hữu ngạn là Việt Nam, phía tả ngạn là nước bạn Lào với các bản Xốp Cắng, Xốp Dương, Xốp Xán, Cành Cò, Piêng Xang thuộc huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cán bộ y tế đỡ đẻ ngay trên biển.

Đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên biển

GD&TĐ - Một sản phụ ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đỡ đẻ thành công ngay trên biển.