Mối tình nữ nhi Lý Chiêu Hoàng

GD&TĐ - “Thành Thăng Long thuở ấy”, vở kịch nói về thân phận Lý Chiêu Hoàng – nữ hoàng đế đầu tiên và cuối cùng của lịch sử nước Việt.

Ê - kíp vở  kịch “Thành Thăng Long thuở ấy”.
Ê - kíp vở kịch “Thành Thăng Long thuở ấy”.

Mặc dù mới chỉ dự kiến công diễn và sẽ đi sâu diễn hợp đồng tại các trường học, nhưng giới sân khấu cho rằng, vở kịch “Thành Thăng Long thuở ấy” sẽ rất “hot” và thu hút được khán giả nhờ lời thoại và lối diễn cực kỳ ăn ý.

Nữ nhi trên bàn cờ thế sự

“Thành Thăng Long thuở ấy” (tác giả: Chu Thơm, đạo diễn: NSND Giang Mạnh Hà) là kịch bản từng được Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng dưới tên vở diễn “Anh hùng và mỹ nhân”. Vở diễn này từng đoạt Huy chương Vàng trong Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc vào năm 2009.

Sáu năm sau, vở cải lương “Tình sử hai vương triều” là phiên bản được tái dựng một cách độc đáo bởi Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai cũng gặt hái được giải cao nhất tại Cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương toàn quốc năm 2015.

Tác giả Chu Thơm lấy bối cảnh cuối triều Lý, đầu triều Trần với những bi kịch thời cuộc gắn liền với bi kịch triều Lý và thân phận nữ nhi Lý Chiêu Hoàng. Những nhân vật lịch sử liên quan như Lý Huệ Tông, Trần Thị Dung, Trần Thủ Độ, Trần Cảnh, Trần Liễu, Lý Thuận Thiên… xoay quanh “bánh xe” lịch sử vừa giống như một quy luật, vừa là hình ảnh tái hiện của trò chơi vương quyền.

Hình ảnh một nữ nhi hoàng đế giữa vòng xoáy chính trị chẳng khác nào “con tốt” trên bàn cờ thế sự. Lý Chiêu Hoàng đau xót vì chẳng những mất đi ngai vàng, phá hỏng cơ đồ của tiên đế mà còn mất cả tình yêu và vai trò người làm vợ.

Nỗi đau ấy, qua những diễn tả của vở kịch đã soi rọi một cách rõ ràng dưới lăng “kính hiển vi” để khán giả thấy rõ những chua xót thân phận hoàng cung. Hậu thế có thể biết một Lý Chiêu Hoàng hoàng đế nhưng không biết rằng nỗi đau của bà như thế nào khi mẹ đẻ lọt vào tay Thái sư Thủ Độ, vua cha bị bức tử và đến đứa con trong bụng chưa kịp chào đời cũng phải lìa cõi thế.

Cuộc đời của Lý Chiêu Hoàng không chỉ là những mất mát dễ nhìn thấy. Ẩn hiện trong cuộc đời bà là những u uất rất khó diễn tả để phải ôm mối tình thanh mai trúc mã xa lìa nhân thế. Đến 10 năm ngắn ngủi sống bên Trần Cảnh đó là hạnh phúc hay khổ đau cũng còn là một dấu hỏi lẫn cảm thán mang tính xót xa.

Trong vở “Thành Thăng Long thuở ấy”, vào vai Lý Chiêu Hoàng là NSND Hoàng Yến, Lê Hoàng Giang thủ vai Trần Cảnh. Lý Chiêu Hoàng hiện lên là một nữ nhi cá tính, sắc sảo không hề đại diện cho hình ảnh của một phế đế tàn cuộc.

Xuyên suốt vở diễn, khán giả sẽ thấy một Lý Chiêu Hoàng khác biệt, dám đối mặt, dám phản kháng một Trần Thủ Độ tinh ranh, lão luyện. Hình ảnh một cựu hoàng bị buộc phải nhường ngôi, chuyển giao quyền lực không hèn yếu, không tự ti mà ngược lại tính thẳng thắn không sợ cái chết của một phụ nữ đẹp kiên cường là cá tính nổi bật mà tác giả và đạo diễn đã xây dựng. 

Vở kịch “Thành Thăng Long thuở ấy” sẽ hướng đến các trường học.
Vở kịch “Thành Thăng Long thuở ấy” sẽ hướng đến các trường học.

Nín thở xem “gả chồng cho vợ”

Mối tình đau đớn lẫn uất hận của Trần Cảnh - Lý Chiêu Hoàng có lẽ là mối tình đầy xót xa trong lịch sử cung đình. Để củng cố, tập trung quyền lực cho nhà Trần, Trần Thủ Độ đã buộc đôi uyên ương phải lìa xa nhau đúng với câu nói “qua cầu rút ván” khi hết giá trị lợi dụng.

Sau suốt 20 năm đằng đẵng xa cách chồng, Lý Chiêu Hoàng được chồng mình gọi về ban chỉ tái hôn với tướng Lê Tần.

Từng bước chân dè dặt trở lại hoàng cung, từng ngón tay sờ lên thành quách một thời, từng ánh mắt bàng hoàng gặp lại người xưa, từng cái nắm tay cố tình và từ chối, từng cái quay lưng thổn thức, từng nụ cười khỏa lấp nỗi đau cho người kia yên lòng. Tất cả đã vô tình cho khán giả xem thấy nỗi đau dù không gào thét, than vãn nhưng hơn vạn mũi kim xuyên thấu trái tim.

Đoạn diễn “gả chồng cho vợ” có lẽ là đoạn diễn hay và xúc động nhất đến nỗi nhiều người cho là có sức khiến mọi người nín thở. Nếu diễn viên Hoàng Yến và Hoàng Giang không phải là những người có vốn sống dày dặn thì có lẽ đoạn diễn này phải bỏ dở.

Kịch bản là như thế, lời thoại là như vậy nhưng từng hành động, ánh mắt lẫn nhịp lên xuống của giọng điệu phải là những cảm xúc thật tự đáy lòng. Hoàng Yến như thấu hiểu nỗi đau của phận nữ nhi 12 bến nước; còn Hoàng Giang cũng thấm đẫm tâm tư của Trần Thái Tông khi gả vợ mình cho người khác.

Dù là vương, là đế nhưng bàn cờ chính trị đã sắp đặt khiến cho một người yêu vợ như Trần Cảnh phải “mặt cười tim đau” mãi mãi cách xa tình nghĩa vợ chồng. Khi Lý Chiêu Hoàng và Lê Tần bước đi, cánh cổng thành đóng sập lại, Trần Cảnh khuỵ xuống đón nhận một nỗi đau như đang bị cào cấu, xé nát, vỡ toang.

Nếu để ý kỹ, tổng hoà ánh sáng, màu sắc, âm nhạc cho vở diễn “Thành Thăng Long thuở ấy” mới thấy hết những tinh tế và sự tính toán cẩn thận của ê - kíp sản xuất. Đầu tiên là sân khấu, rất đơn giản bằng hai bục trắng bạc trên nền phông sẫm màu.

Các nhân vật trong phục đỏ chủ đạo nổi bật giữa màu trắng bạc của bục xoay và đen phông nền. Thêm vào đó là kỹ thuật ánh sáng không quá chói loá và uyển chuyển trong các lớp đoạn đã làm cho vở kịch thêm liền mạch và hợp lý.

Đặc biệt, vở diễn có những đoạn rap rất táo bạo làm cho không gian lịch sử như gần hơn với khán giả, và cực quen thuộc với lớp trẻ hiện đại. Xoá nhòa khoảng cách bằng rap, đó không chỉ là sự dũng cảm của đạo diễn mà còn là cách xử lý thích hợp khi vở diễn này hướng tới các trường học trong thời gian sắp tới.

“Thật vui khi Hoàng Yến và ê - kíp đã tới được Thành Thăng Long. Quãng đường trắc trở không vì phải vượt núi cao, sông rộng, sa mạc nóng cháy da mà vì những viên sỏi nhỏ ẩn trong tất, trong giày. Từ cách diễn, trang phục, âm nhạc của ê - kíp một lần nữa khiến tôi được khóc mối tình của vị nữ hoàng đế đầu tiên và cuối cùng của triều Lý với hoàng đế đầu tiên của triều Trần” – Tác giả Chu Thơm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ