Hiểu thêm văn Phan Vũ qua “Ly rượu trần gian”

GD&TĐ - Tập sách “Ly rượu trần gian” gồm những bài viết đã đăng trên một số tờ báo và tạp chí cùng những bản thảo viết tay chưa từng được công bố của cố nhà thơ Phan Vũ. Ấn phẩm mới nhất này được Công ty CP Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam phát hành sau hơn một tuần ông qua đời.

Hai tác phẩm của nhà thơ Phan Vũ do Nhã Nam xuất bản
Hai tác phẩm của nhà thơ Phan Vũ do Nhã Nam xuất bản

Không chỉ tập thơ “Ta còn em”, cố nhà thơ – họa sĩ Phan Vũ còn những tác phẩm văn xuôi thuộc nhiều thể loại chưa được nhiều người đọc biết đến.

Những trang viết ngắn của Phan Vũ được tập hợp lại trong “Ly rượu trần gian” để ra mắt bạn đọc khi nhà thơ – họa sĩ Phan Vũ qua đời. Đọc những khắc họa chân dung cũng như những ghi chép ngắn gọn về đời sống bạn đọc sẽ nhìn thấy một Phan Vũ khác lạ, không chỉ là một nhà thơ, một họa sĩ mà còn là một cây bút văn xuôi giàu năng lượng.

Trong tác phẩm, ông sẻ chia chuyện đời, chuyện người qua góc nhìn của mình: những người bạn cùng thời đã trải qua khốn khó, bất hạnh của một giai đoạn lịch sử nghiệt ngã, những bóng hồng đã từng gắn bó với ông và cả những chặng đường trên hành trình sáng tạo nghệ thuật dài lâu của ông ở nhiều lĩnh vực: sân khấu, điện ảnh, thơ ca, hội họa.

Cố nhà thơ - họa sĩ Phan Vũ
Cố nhà thơ - họa sĩ Phan Vũ 

Phan Vũ dành rất nhiều tình cảm cho Hà Nội, ông kể lại nhiều chuyện buồn vui với Hà Nội bằng trải nghiệm của mình và cả câu chuyện đằng sau bài thơ “Em ơi! Hà Nội phố” đã gắn liền với tên ông và nhạc sĩ Phú Quang.

Bằng tâm hồn của một người nghệ sĩ đa tài, Phan Vũ sáng tác văn chương với tư duy hội họa và cũng thường họa mình qua những con chữ. Những câu chữ trong văn phong của ông trải ra cuộc đời của một người nghệ sĩ, đọng lại dư âm của những chất chứa, những nỗi niềm và ngẫm ngợi, giản dị mà rung động lòng người.

Phan Vũ viết đa dạng ở nhiều thể loại. Ông có nhiều tác phẩm ghi dấu ấn, kịch bản “Lửa cháy lên rồi” (giải Nhì của Hội Văn nghệ Việt Nam, 1955), “Hà Nội”, “Thanh gươm và bà mẹ”, “Dòng sông âm vang”, “Ngọn lửa thành đồng”; thơ “Phan Vũ thơ”, “Ta còn em”; đạo diễn phim “Bí mật thành phố cấm”, “Như một huyền thoại”.

Phan Vũ qua đời ở tuổi 94, để lại tiếc nuối cho nhiều thế hệ độc giả yêu mến văn chương và tài năng của ông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ