“Hát lời rau răm” trong vườn thơ Đỗ Bạch Mai

GD&TĐ - Theo truyền thuyết thì câu ca dao cổ: “Gió đưa cây cải về trời/Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”, gắn với câu chuyện một người đàn ông nọ có hai vợ, luôn luôn sống trong cảnh tranh giành vò xé lẫn nhau.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT
“Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu đời đắng cay”
Hanh hao còn một chút này
Ta đi cho hết những ngày cuối đông
Đếm từng giọt những nhớ mong
Gom từng sợi rút ruột tằm nhả tơ
Thời gian không bến không bờ
Không gian thăm thẳm cánh cò 
chao nghiêng.
Một mình nhớ một mình quên
Một mình với một con thuyền nhỏ nhoi
Ai theo cây cải về trời
Để ta ở lại hát lời rau răm.

Nên một người bị ốm, rồi mất, những người ở lại phải chịu lời chì chiết đắng cay của thiên hạ.

Còn một truyền thuyết khác lại nói về chuyện mẹ con bà Phi Yến, (vợ Nguyễn Ánh, có tên tục là Răm) và con là Hoàng tử Hội An (có tên tục là Cải), bị chết ở biển trên đường chạy loạn. Bà Răm phải sống cuộc đời đau thương cay đắng, nên chữ lời, đổi thành chữ đời đắng cay.

Lại còn một truyền thuyết nữa kể về sự tích Lê Chiêu Thống, đầu hàng nhà Thanh, nên đưa cả thái hậu cùng con trai và cung phi sang Tàu (thiên triều). Cung phi Nguyễn thị Kim, không theo kịp, nên đau đớn mà làm câu ca dao này để bày tỏ lòng mình.

Như vậy, nhìn chung nội dung của câu ca dao là nói về nỗi đau lòng của cảnh ly biệt. Nhưng trong dân gian lại vận dụng câu ca để nói về tình cảnh những đôi vợ chồng phải “tử biệt sinh ly”.

***

Trong đời sống hàng ngày, giữa rau răm và rau cải, xét về phương diện ẩm thực, cũng không có mối liên hệ mật thiết, đến mức mất cái nọ thì hỏng cái kia. Có chăng là, khi làm dưa cải bắp, người ta thường thêm vào một ít rau răm làm gia vị cho thơm, còn không có, cũng chẳng sao.

Xét về phương diện hạnh phúc của lứa đôi, mỗi khi người vợ thấy mình lẻ bóng, trong cảnh “chăn đơn gối chiếc” thì lòng dạ lại bồn chồn, nôn nao thương nhớ người đã từng “má ấp môi kề”, nên phải ăn lá rau răm để cho tâm sinh lý được bình yên. Như vậy là lá rau răm trở thành bạn của những thiếu phụ đơn côi...

Ở đây nữ thi sĩ Đỗ Bạch Mai đã vận dụng câu ca ấy để nói về nỗi đau mất mát của những người thiếu phụ thờ chồng với thi đề: Hát lời rau răm”. “Hát lời rau răm” không có nghĩa là rau răm đã được nhân hóa, để nó tự hát lên nỗi lòng cay sè, pha vị đăng đắng của chính nó, mà là chủ thể trữ tình, mượn lời của nó để nói lên tình cảnh bi thương của mình, qua hình thức ẩn dụ.

“Hát lời” ở đây cũng không có nghĩa là lời ca tiếng hát được cất lên như tiếng hát trong cảnh yên vui mà là tiếng hát vỡ òa thành nước mắt chứa chan, khóc người ly biệt mà cũng là khóc cho cả số phận hẩm hiu của mình.

Khi người phụ nữ phải chịu nối đau ly biệt lứa đôi, thì nhiều người coi như đời đã hết, nhất là những chị em đang ở vào cái độ cuối đông của một đời con người. Nhưng vì con, vì gánh nặng gia đình nên người phụ nữ vẫn phải nghiến răng mà chịu đựng nỗi đau thương và lòng tự nhủ lòng:

“Hanh hao còn một chút này

Ta đi cho hết những ngày cuối đông”.

Nghĩa là cô phụ phải vượt lên nỗi cay đắng để tiếp bước trên con đường đời đầy chông gai, đang đón đợi. Nỗi đau thương nhớ ấy đã hóa thành nước mắt, đến mức “cuộc đời nước mắt soi gương”. Những dòng nước mắt, trong những cơn khóc đến bật máu tan hồn, của nỗi lòng xót thương mong nhớ ấy, giờ đây chỉ còn đọng chắt lại từng giọt, đến mức có thể đếm được:

“Đếm từng giọt những nhớ mong

Gom từng sợi rút ruột tằm nhả tơ”

Cả một đời thanh xuân tươi đẹp của người phụ nữ, đã rút hết mọi sợi tơ lòng để cho chồng, cho con và làm nên một tổ kén gia đình óng vàng hạnh phúc. Như con tằm làm kén, giờ đây lòng đã héo khô, những sợi tơ lòng ấy cũng chẳng còn, nên phải gom từng sợi để tiếp tục nhả tơ cho đời. Như vậy, cho dù buồn nhớ chồng đến mức nát ruột tan lòng đi nữa, nhưng vẫn không được phép chán nản, gục ngã.

Chân còn bước được lên phía trước thì lòng vẫn còn phải hướng về phía ánh sáng tương lai với niềm hy vọng, để tiếp tục thắp sáng cuộc đời của những kế nhân. Mặc dù cái tương lai ấy chỉ là một cái chấm nhỏ xíu, mong manh giữa “thời gian không bến, không bờ”.

Gánh nặng gia đình là thế, mà đường đời thì dài thế, bây giờ biết trông cậy vào ai? Trong khi đó thì mình chỉ là một cánh cò đơn độc, ngả nghiêng, trong cái không gian mênh mang thăm thẳm đến rợn ngợp, đáng sợ kia.

Nối lòng đau thương, buồn nhớ và sự kiên nhẫn chịu đựng, vì gia đình mà hướng về tương lai, vốn là những những ý niệm tinh thần trừu tượng, khó diễn tả ra cho hết được, nhưng với ngòi bút điêu luyện, Đỗ Bạch Mai đã dùng hình thức ẩn dụ như:” từng giọt”, “từng sợi”, “cánh cò” và những từ chỉ hành động “gom”, “đếm”, nên người đọc đã hình dung được một cách rất cụ thể.

Tất cả những gì người ra đi để lại, giờ đây chỉ còn một thân, một mình phải lo toan gánh vác:

“Một mình nhớ, một mình quên

Một mình với một con thuyền nhỏ nhoi”

Hai từ “Một mình…”- “Một mình…”, được láy lại trong câu thơ, đã tạo nên giọng điệu ngậm ngùi, cứ nhấn vào nhau để làm nổi bật sự cô đơn và nỗi toan lo vất vả của người phụ nữ giữa cuộc đời đầy bão tố.

Đọc đến những câu thơ này, lòng ta không tránh khỏi sự bùi ngùi, cảm thương cho “thân gái dặm trường”, rơi vào tình cảnh éo le. Vì một mình phải vững tay chèo lái, cho con thuyền gia đình cập bến tương lai, nên từ thân phận người phụ nữ nhỏ bé, yếu ớt, bỗng trở nên vững vàng, lỡn cao, giữa cuộc đời sóng gió vô thường.

***

Bài thơ khép lại bằng hình thức chuyển nghĩa câu ca dao mở đầu, để cho lời than vãn, bị nén chặt lâu ngày bật vút lên, với một giọng điệu não nùng, như đào xoáy lòng người.

Đây là một tiếng khóc bằng thơ, mà mỗi câu thơ là một lời nước mắt của thiếu phụ, không chỉ khóc riêng cho số phận trớ trêu của mình mà còn khóc chung cho những người phũ nữ rơi vào tình cảnh chia biệt như vậy.

Nước mắt gọi nước mắt! Tôi tin bài thơ “Hát lời rau răm”, trong vườn thơ Đỗ Bạch Mai, đã làm cho bao cô phụ phải nức nở, thổn thức, nên nó có tính nhân văn sâu sắc và có sức trường tồn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ