Di chỉ khảo cổ An Khê: Dấu ấn văn hóa đặc biệt vùng Đông Nam Á

GD&TĐ - Sau khi công bố các hiện vật đồ đá cũ được phát hiện tại một số di chỉ trên thềm sông Ba cổ thuộc thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), Viện Khảo cổ học Việt Nam đã có những hoạt động hợp tác với các chuyên gia Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Viện Khảo cổ - Dân tộc học Novosibirsk, Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa Liên bang Nga. Các nhà khoa học đã đến Việt Nam để cùng thám sát, khai quật.

Các hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Thị xã An Khê thu hút các học giả quốc tế
Các hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Thị xã An Khê thu hút các học giả quốc tế

Sau nhiều tháng miệt mài làm việc, các chuyên gia khảo cổ học đã phát hiện 24 di chỉ khảo cổ thuộc sơ kỳ đá cũ và có 4 địa điểm đã được khai quật gồm Gò Đá, Rộc Tưng 1, Rộc Tưng 4 và Rộc Tưng 7. Các chuyên gia đã tìm thấy trên 1.000 hiện vật đá và trên 600 mảnh thiên thạch được phát hiện tại các hố đào.

Các giá trị hiện vật đồ đá vừa được tìm thấy tại An Khê - Việt Nam đã được các chuyên gia công bố trên nhiều ấn phẩm khoa học quốc tế. Qua đó, thu hút thêm nhiều nhà nghiên cứu tìm về Việt Nam để chứng kiến sự phát triển của loài người từ 800.000 năm trước.

Để có thêm các chứng cứ thuyết phục về “nôi phát triển loài người” tại An Khê (Gia Lai), Hội thảo quốc tế “Kỹ nghệ đá cũ An Khê trong bối cảnh các kỹ nghệ ghè hai mặt ở châu Á” vừa được tổ chức đã thu hút hơn 200 học giả, nhà nghiên cứu tham gia.

An Khê đã trở thành một địa điểm mang dấu ấn văn hóa rất đặc biệt giữa vùng Đông Nam Á và Nam Á ở khu vực châu Á. Những nghiên cứu, phát hiện khảo cổ học ở vùng đất này đang mở ra triển vọng lớn cho các chương trình hợp tác quốc tế của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau và lâu dài.

Theo nhận định của PGS.TS Nguyễn Khắc Sử: “Các di chỉ khảo cổ tại An Khê mở ra một hướng đi mới về thời điểm bắt đầu của lịch sử Việt Nam. Đồng thời, đưa Việt Nam vào bản đồ sơ kỳ đá cũ trong bản đồ phân bố sự phát triển loài người trên toàn thế giới. Đây chính là con đường mở ra cho chúng ta xây dựng một khu trung tâm nghiên cứu nguồn gốc loài người”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ