Đàn ông Việt có xấu xí như trên phim truyền hình?

GD&TĐ - Không ít phụ nữ nghĩ một cách méo mó về người đàn ông Việt khi xem một số phim truyền hình được chiếu vào giờ vàng.

Khải trong phim “Về nhà đi con” (VTV3) được xây dựng theo hướng là một tên chồng vũ phu, hay đánh đập, mắng chửi vợ. Ảnh minh họa.
Khải trong phim “Về nhà đi con” (VTV3) được xây dựng theo hướng là một tên chồng vũ phu, hay đánh đập, mắng chửi vợ. Ảnh minh họa.

Chuyện thời phong kiến

Phải công nhận nước ta đã có thời chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng phong kiến Trung Hoa. Xã hội phong kiến Trung Hoa là xã hội phụ quyền, gốc gác từ dân du mục Hán, tồn tại hàng nghìn năm với những quan niệm bất công, khắt khe như “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”.

Và quan niệm trọng nam khinh nữ “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” đã dành mọi ưu tiên, ưu đãi cho người đàn ông và đẩy người phụ nữ xuống địa vị thấp kém nhất trong gia đình cũng như xã hội.

Thậm chí phụ nữ thời nhà Thanh (Trung Quốc) còn có tục bó chân chỉ để thỏa mãn nhục tính của chồng và cũng nhằm để họ không có cơ hội chạy trốn khỏi gia đình chồng.

Vào thế kỉ 19, ước tính có tới 50% phụ nữ Trung Quốc bó chân và tỉ lệ bó chân ở phụ nữ quý tộc là 100%.

Đại thi hào Nguyễn Du, khi đọc Kim Vân Kiều Truyện của tác giả người Trung Hoa Thanh Tâm Tài Nhân đã khóc cho Đạm Tiên, một kỹ nữ Trung Hoa khiến người Việt Nam ta không ai không xúc động:

Đau đớn thay phận đàn bà!

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung

Phũ phàng chi bấy Hóa công

Ngày xanh mòn mỏi, má hồng phôi pha

Sống làm vợ khắp người ta

Hại thay thác xuống làm ma không chồng

Có thể khẳng định, Đại thi hào Nguyễn Du không dịch Kim Vân Kiều Truyện thành Truyện Kiều mà chỉ dựa vào cốt truyện để viết nên một truyện thơ mới thuần Việt, một truyện thơ mang tư tưởng nhân văn sâu sắc của người Việt Nam.

Đánh giá về điều này, nhà thơ Tố Hữu từng viết trong bài thơ “Bài ca mùa xuân 1961” rằng:

Trải qua một cuộc bể dâu

Câu thơ còn đọng nỗi đau nhân tình

Nổi chìm kiếp sống lênh đênh

Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều

Chính vì như vậy, Truyện Kiều mới có sức sống mãnh liệt trong lòng dân tộc ta như thế! Nó chính là một thái độ của dân tộc ta trước lễ giáo và quan niệm xã hội cổ hủ của Nho giáo Trung Quốc.

Khác với sự thật lịch sử bên Trung Hoa, Vương Thúy Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du cuối cùng cũng tìm được hạnh phúc chân chính, chứ không phải là cái chết do nhảy xuống sông tự vẫn.

Đặc biệt, sau khi Kiều đã 15 năm lưu lạc thì Kim Trọng vẫn thủy chung chờ đợi và tìm kiếm nàng.

Và lạ lùng thay, trong đêm tân hôn, Thúy Kiều đã xin đổi duyên vợ chồng với Kim Trọng thành duyên tri kỷ và Kim Trọng cũng đã đồng ý! Chỉ có văn hóa Việt Nam mới sinh ra được câu chuyện kỳ lạ như thế! Nghĩa là người phụ nữ quyết định được cuộc sống của chính mình.

Thanh trong phim “Sống chung với mẹ chồng” (VTV1) được xây dựng theo hướng là một tên chồng nhu nhược, nghe lời mẹ và hay đánh vợ. Phim được chuyển thể kịch bản từ tiểu thuyết Trung Quốc “Phù thủy dưới đáy biển” của tác giả Giả Hiểu.
 Thanh trong phim “Sống chung với mẹ chồng” (VTV1) được xây dựng theo hướng là một tên chồng nhu nhược, nghe lời mẹ và hay đánh vợ. Phim được chuyển thể kịch bản từ tiểu thuyết Trung Quốc “Phù thủy dưới đáy biển” của tác giả Giả Hiểu.

Đừng hiểu lầm văn hóa người Việt

Còn thực tế ở Việt Nam, qua đánh giá của cá nhân người viết thì vai trò của người phụ nữ trong xã hội phong kiến Việt Nam không đến mức bi thảm như xã hội phong kiến Trung Hoa.

Không có chuyện người đàn ông Việt Nam coi khinh người phụ nữ vì người phụ nữ chính là chủ của cái bếp, người nắm giữ và phân phối nền kinh tế gia đình do xuất phát từ văn hóa nông nghiệp và lối sống định cư, dù là trong tục ngữ, ca dao:

Vắng đàn ông quạnh nhà,

vắng đàn bà quạnh bếp

Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm

Đặc biệt là tình cảm đôi lứa, tình cảm vợ chồng người Việt luôn có truyền thống đằm thắm, hòa dịu, chứ không phân giai bậc như trong Nho giáo Trung Quốc:

Trên đồng cạn dưới đồng sâu

Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa

Râu tôm nấu với ruột bầu

Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon

Đừng cho rằng người nông dân một nắng hai sương mới thương vợ, coi trọng vợ.

Ngay cả bậc Nho sinh nước ta cũng rất coi trọng và kính yêu vợ. Bởi chính họ là người nuôi sống và lo cho các ông chồng dùi mài kinh sử. Trong lời văn lời thơ như bài “Thương vợ” của thi sĩ Tú Xương thời còn vua còn chúa ở nước ta đã thể hiện tâm tình, rằng:

Quanh năm buôn bán ở mom sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng.

Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

Một duyên hai nợ âu đành phần

Năm nắng mười mưa dám quản công.

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,

Có chồng hờ hững cũng như không.

Lần về quá khứ xa nhất của dân tộc, khi tổ phụ và tổ mẫu người Việt chúng ta là Lạc Long Quân và Âu Cơ yêu nhau, đẻ ra bọc trứng nở trăm con thì chúng ta mới hiểu trai gái người Việt cổ sống với nhau chan chứa tình cảm như thế nào.

Sau này, khi Lạc Long Quân và Âu Cơ dẫn con đi mỗi nơi mỗi ngả để phát triển cộng đồng dân tộc thì chính Âu Cơ đã nuôi dưỡng tốt năm mươi người con, và người con trai cả theo Âu Cơ còn lên ngôi vua, sáng lập ra nước Văn Lang.

Có lẽ vì thế nên dòng máu con Rồng cháu Lạc luôn nhắc nhở trai gái người Việt chúng ta một điều đơn giản rằng: “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”.

Phim truyền hình là dòng phim được chiếu rộng rãi cho khán giả cả nước xem. Nếu hình ảnh của người đàn ông Việt trong phim truyền hình bị méo mó, bị khai thác theo hướng vũ phu, luôn coi khinh vợ thì liệu phụ nữ Việt có nảy sinh tâm lý ghét đàn ông Việt và xuất hiện tư tưởng tiêu cực là thích lấy chồng ngoại không?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ