CLB Quan họ BAGICO Bắc Giang: 10 năm lưu lại chút này làm ghi

GD&TĐ - Các làng quan họ trên khắp vùng Kinh Bắc vừa tổ chức kỷ niệm 10 năm Dân ca quan họ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Chị Thực và các em nhỏ CLB Quan họ BAGICO.	Ảnh: Thế Đại.
Chị Thực và các em nhỏ CLB Quan họ BAGICO. Ảnh: Thế Đại.

Suốt 10 năm ấy, CLB Quan họ BAGICO Bắc Giang đã có những đóng góp không nhỏ trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. CLB đã gây dựng được phong trào học tập và hát quan họ rộng khắp, trở thành hoạt động thường niên.

Ươm mầm được hàng ngàn bạn trẻ tại các trường phổ thông. Mỗi năm có hàng chục bạn đã trở thành các sinh viên trong ngành nghệ thuật dân gian, đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi hát dân ca.

Ươm mầm tài năng dân ca

Hơn mười năm trước, khi các khu công nghiệp trên cả nước nói chung và Bắc Giang nói riêng đang phát triển chóng mặt, các sản phẩm công nghệ đa dạng, làn sóng du nhập của văn hóa nước ngoài đã tác động không nhỏ tới đời sống văn hóa của giới trẻ thì doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần BAGICO đã trăn trở tìm cách để truyền dạy dân ca quan họ cho thế hệ trẻ. Làm sao để các em từ yêu thích mà ham học hỏi, gìn giữ những làn điệu dân ca quan họ cũng như văn hóa truyền thống của người Việt?

Các liền anh, liền chị của CLB biểu diễn tại Lễ hội chùa Bổ Đà, huyện Việt Yên. Ảnh: Thế Đại.
Các liền anh, liền chị của CLB biểu diễn tại Lễ hội chùa Bổ Đà, huyện Việt Yên. Ảnh: Thế Đại.

Từ những trăn trở ấy, CLB Quan họ BAGICO ra đời năm 2008. Đây là sáng kiến của chị Nguyễn Thị Thành Thực và các cộng sự. “Chúng tôi sáng lập CLB Quan họ BAGICO và hỗ trợ toàn bộ kinh phí hoạt động. Mọi thành phần, mọi lứa tuổi, mọi địa phương... đều có thể tham gia sinh hoạt học tập hoặc hỗ trợ chương trình.

Riêng các cuộc thi, trại hè chỉ dành cho các em thiếu nhi để khích lệ, động viên, ươm mầm những tài năng nhí. Chương trình trại hè dân ca hàng năm được sự đồng hành của UBND huyện Việt Yên cùng các nghệ nhân trong và ngoài tỉnh”.

Hàng năm cứ vào dịp hè, CLB lại tổ chức trại hè cho các em học sinh từ 5 - 18 tuổi đến từ các xã trong và ngoài huyện Việt Yên được tham gia miễn phí lớp học “Em yêu làn điệu dân ca quan họ”. Lớp học kéo dài trong vòng 2 tháng với khoảng 40 buổi học.

Tham gia lớp học này, các em được truyền dạy những kiến thức, kỹ năng trình diễn, lời ca quan họ mới và các làn điệu cổ. Kết thúc khóa học, các em được tham dự một buổi biểu diễn báo cáo kết quả trong quá trình học tập.

Sau hơn 10 năm, thông qua trại hè đã có hơn 2.000 thiếu nhi được truyền dạy quan họ miễn phí, nhiều em đoạt HCV trong hội thi hát dân ca toàn quốc. Trại hè BAGICO đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings xác lập kỷ lục “Chương trình truyền dạy hát dân ca quan họ cho thiếu nhi diễn ra liên tục trong nhiều năm nhất”.

Thế hệ măng non trên quê hương quan họ. Ảnh: Thế Đại.
Thế hệ măng non trên quê hương quan họ. Ảnh: Thế Đại.

Có thể thấy, sau 10 năm tổ chức và hoạt động liên tục, CLB đã gây dựng được phong trào rộng khắp, trở thành hoạt động thường niên.

Nơi đây đã trở thành nơi ươm mầm cho hàng ngàn bạn trẻ tại các trường phổ thông. Mỗi năm có hàng chục bạn đã trở thành các sinh viên trong ngành nghệ thuật dân gian, đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi hát dân ca.

Với sự quan tâm của chính quyền địa phương và sự đồng hành của các bậc phụ huynh cũng như ngành Giáo dục, chị Thực luôn tin tưởng sự bền vững của chương trình sẽ ngày càng lan tỏa không giới hạn địa lý, không chỉ với dân ca quan họ mà còn với các loại hình nghệ thuật văn hóa truyền thống khác.

“Liều vắc xin” giúp đề kháng

 

Chia sẻ về sự hỗ trợ cho hoạt động và phát triển của CLB Quan họ BAGICO, chị Thành Thực cho hay: “Khó có thể lượng hóa, bởi tâm huyết và tình yêu quê hương của tôi đã lan tỏa tới mọi người, cộng hưởng sức mạnh của Nhà nước và nhân dân”.

Là giám đốc doanh nghiệp, có biết bao nhiêu việc phải lo và làm nhưng chị Thành Thực vẫn dành sự quan tâm đối với dân ca quan họ, tìm cách hỗ trợ, nuôi dưỡng nó. Nói về điều này, chị suy nghĩ thật giản dị rằng, con người ta dù làm bất cứ công việc gì hay ở địa vị nào đều có cuộc sống tinh thần, đều có những trách nhiệm xã hội và đặc biệt ai cũng có nỗi niềm với quê hương.

Với chị Thực, dân ca quan họ nói riêng và văn hóa truyền thống nói chung không chỉ là nghệ thuật mà còn là... lịch sử. Không có sử sách nào lưu truyền bền lâu bằng chính các thế hệ người dân... Việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn và gìn giữ các di sản văn hóa là nghĩa vụ của mỗi người, trách nhiệm của thế hệ trước với thế hệ sau.

Tuy nhiên, vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức với lớp trẻ, đặc biệt là các em thiếu nhi, thế hệ mầm non của đất nước. Khi các em được bồi dưỡng văn hóa truyền thống, giống như những “liều vắc xin” giúp các em đề kháng được trước làn sóng du nhập những văn hóa không lành mạnh.

 

Dẫu ít hát dân ca, tự nhận là “hát không hay”, nhưng chị Thực có thể thuộc và thẩm thấu hàng trăm làn điệu dân ca quan họ. Không chỉ yêu các làn điệu dân ca chị còn tìm hiểu nhiều về lịch sử, lề lối của người quan họ.

“Nếu ai đó đã hiểu về quan họ chắc chắn sẽ yêu và nhớ mãi. Từ trang phục rất ý nhị, nhân văn đến các ca từ, giai điệu... Sức sáng tạo của nó gần như không có điểm dừng, người ta có thể đặt lời phù hợp ngữ cảnh theo các làn điệu một cách dễ dàng. Theo tôi điều làm nên sức sống lâu dài và giá trị của di sản này là do cộng đồng, các thế hệ người dân đã yêu và truyền dạy cho nhau”, chị Thành Thực tâm sự.

Khai thác giá trị cốt lõi

Các liền anh, liền chị đang nối tiếp làn điệu dân ca. Ảnh: Thế Đại.
Các liền anh, liền chị đang nối tiếp làn điệu dân ca. Ảnh: Thế Đại.

Từ trước đến nay, khi nhắc đến quan họ trên các phương tiện truyền thông, các diễn đàn người ta vẫn mặc nhiên gọi và coi quan họ như riêng của Bắc Ninh. Thế nhưng, theo chị Thành Thực thì trước đây, khi lựa chọn làm hồ sơ công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Dân ca quan họ” là một trong ba cái tên được đưa ra để bàn thảo.

Rất nhiều chuyên gia, nghệ nhân đã ý kiến không nên gắn một địa danh cụ thể, bởi như vậy sẽ bó hẹp và kìm hãm sự lan tỏa. Nếu đứng dưới góc độ người làm kinh doanh ít ai lại đi tài trợ, đầu tư cho một thương hiệu mà mình không liên quan, không có lợi ích. Và có lẽ chính vì thế nên dân ca quan họ chưa được cộng đồng, các địa phương quan tâm đầu tư xứng tầm di sản văn hóa thế giới.

Dưới góc nhìn của một nhà kinh doanh, chị Thực nhìn nhận quan họ có thể sinh lời.

“Tại sao không? Đời sống tinh thần là một nửa đời sống của con người. Khi các kỹ xảo, các công nghệ hiện đại đã quá phát triển, mỗi người có thể tự tạo cho mình những video ca nhạc trên mạng hoàn toàn ảo (không thật với khả năng), khi ai cũng biết các kỹ xảo đó thì việc tìm về với những giá trị cốt lõi, những văn hóa truyền thống là đặc sản. Việc kinh doanh văn hóa, nghệ thuật trong ngành du lịch, hay dùng những câu chuyện văn hóa để quảng bá sản phẩm, thương hiệu vùng miền... rất nhiều nước đã vận dụng vô cùng hiệu quả (Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Mông Cổ...)”, chị Thực bày tỏ quan điểm.

“Chúng ta chưa coi trọng và chưa đầu tư xứng đáng, chưa vận dụng, khai thác hiệu quả các di sản văn hóa phi vật thể nói chung và dân ca quan họ nói riêng. Tuy nhiên, với sự quan tâm, tôn vinh của Nhà nước, các tổ chức thế giới, tôi tin dân ca quan họ sẽ trường tồn và lan tỏa”, doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ