Cầu nối lan tỏa văn hóa dân gian

GD&TĐ - Chỉ sau hơn 3 ngày chính thức phát hành trên YouTube, bộ phim hoạt hình “Con Rồng cháu Tiên” đã thu hút gần 5 triệu lượt xem, 34.000 lượt yêu thích và hàng ngàn lượt bình luận tích cực, coi đó là cầu nối lan tỏa văn hóa dân gian. Đó là những tín hiệu tốt cho thấy, phim hoạt hình Việt Nam đang dần đến gần hơn với khán giả.

Cầu nối lan tỏa văn hóa dân gian

Cách truyền tải mới mẻ

“Con Rồng cháu Tiên” là câu chuyện dân gian thần thoại đầu tiên và phổ biến nhất lý giải cội nguồn dân tôc Việt. Bộ phim “Con Rồng cháu Tiên” được chuyển tải từ câu truyện dân gian dài 23 phút, sau hơn 180 ngày tâm huyết, 10.000 giờ sáng tạo cùng sự góp sức của hơn 100 nghệ sĩ.

Không đơn thuần chỉ là câu chuyện Rồng Tiên gặp gỡ và kết duyên cùng nhau sinh ra bọc trăm trứng như chuyện thường kể, trong bộ phim tính cách các tuyến nhân vật cũng được khắc họa rõ nét hơn dù là nhân vật chính diện hay phản diện, mang đến cho người xem một cái nhìn mới mẻ.

Đặc biệt, rất nhiều tình tiết trong câu chuyện được biến tấu một cách độc đáo như phân cảnh Lạc Long Quân và Âu Cơ gặp gỡ nhau và đem lòng yêu thương, cảnh Rồng và Lạc hợp sức chống lại yêu quái… Tất cả tạo nên một phiên bản mới lạ, cuốn hút nhưng không hề mất đi giá trị cốt lõi của câu chuyện.

Chia sẻ về bộ phim, đạo diễn Leo Dinh (Đinh Kiều Anh Tuấn) cho biết: “Từ khi bắt tay vào làm phim, suốt nhiều tháng liền lao động chúng tôi miệt mài, nhiều ngày chỉ ngủ 3 - 4 tiếng đồng hồ.

Chúng tôi luôn trăn trở là làm sao đáp ứng những đòi hỏi gắt gao về mặt kỹ thuật cũng như vượt qua giới hạn kể chuyện bằng hình ảnh và chuyển động vốn đã quen thuộc từ trước đến nay. Ê-kíp sản xuất đã dành 4 tháng nghiên cứu từng chi tiết kỹ xảo nhỏ nhất để tạo nên thế giới riêng cho “Con Rồng cháu Tiên”.

Thử thách lớn nhất của đoàn phim là thông tin lịch sử khá hạn chế. Ngoài ra, việc tìm cách để tạo nên sự hào hùng, thú vị và nhất là cảm hứng cho thế hệ trẻ cũng đòi hỏi các nghệ sĩ phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng”.

Cơ hội để trẻ tiếp cận lịch sử

“Con Rồng cháu Tiên” đã được nhiều nghệ sĩ trong giới đánh giá là bộ phim hoạt hình ngắn của Việt Nam được đầu tư và thực hiện chỉn chu nhất cho đến thời điểm hiện tại.

Chia sẻ về bộ phim, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đại Kim (Hà Nội) cho biết, “Con Rồng cháu Tiên” là câu chuyện mang nhiều giá trị sâu sắc nhất trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam, bởi bên cạnh là câu chuyện khởi đầu của nguồn cội, đây còn là câu chuyện gói gọn những giá trị văn hóa cốt lõi, những niềm tin lâu đời nhất của cha ông ta từ xưa đến nay.

Bên cạnh việc học lịch sử qua sách giáo khoa và các ấn phẩm xuất bản, học sinh hoàn toàn có thể tìm hiểu các kiến thức lịch sử thông qua các bộ phim hoạt hình. Bộ phim là cơ hội để các em học sinh hiểu được những bài học sâu sắc và giá trị cốt lõi của truyền thuyết con Rồng cháu Tiên thông qua bộ phim hoạt hình.

Thạc sĩ Lê Thu Huyền, Học viện Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) cho rằng, nhịp sống hối hả, bố mẹ càng bận rộn, công nghệ lên ngôi càng tạo khoảng cách giữa trẻ với văn hóa dân gian, làm cho trẻ ít được nghe kể, giảm hào hứng dần với những nhân vật từng là biểu tượng tuổi thơ của cả một thế hệ.

“Con Rồng cháu Tiên” được ra đời và đã thổi một làn gió hiện đại vào chuyện xưa tích cũ, làm cầu nối lan tỏa văn hóa dân gian với nhiều bài học ý nghĩa đến thế hệ trẻ Việt.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc - người giữ vai trò cố vấn nội dung và giá trị sử học cho bộ phim, mọi quốc gia, dân tộc đều có nhu cầu thấu hiểu về nguồn gốc của mình. Ông tin tưởng rằng, với sự sáng tạo của người trẻ trên tinh thần “người xưa nói, người nay vẫn hiểu”, không chỉ có khán giả nhỏ tuổi mà cả người lớn cũng sẽ mong được tiếp cận với những tác phẩm như “Con Rồng cháu Tiên”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ