20 bảo vật quốc gia “lên sóng 3D”

GD&TĐ - Lượng thông tin khổng lồ về 20 bảo vật quốc gia lần đầu tiên “lên sóng 3D”. Công chúng không chỉ được chiêm ngắm hình dáng, mà còn có thể bóc tách tỉ mỉ thông tin từng bảo vật.

Hình ảnh trong tương tác ảo 3D chuyên đề “Bảo vật quốc gia”.
Hình ảnh trong tương tác ảo 3D chuyên đề “Bảo vật quốc gia”.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang lưu giữ số lượng bảo vật quốc gia nhiều nhất trong hệ thống các bảo tàng, di tích trên toàn quốc. Với những giá trị lịch sử tiêu biểu, độc đáo và quý hiếm, 20 hiện vật đang lưu giữ tại đây đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.

Đổi mới cách tiếp cận

Mỗi bảo vật quốc gia là một di sản quý giá chứa đựng những thông điệp của quá khứ, tinh hoa của nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng, giàu bản sắc, phản ánh lịch sử văn hóa lâu đời, truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Với mục đích tôn vinh, quảng bá và giới thiệu giá trị bảo vật đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Đồng thời đổi mới cách tiếp cận nội dung và hình thức qua ứng dụng công nghệ, 20 bảo vật quốc gia lần đầu được giới thiệu ở nhiều góc độ làm nổi bật những nét độc đáo của từng bảo vật.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, nhu cầu thưởng thức văn hóa của công chúng ngày càng cao. Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc tham quan của du khách, việc thay đổi cũng góp phần đa dạng hóa các hoạt động để tạo ra những sản phẩm hấp dẫn, mang lại sự khác biệt trong cách tiếp cận bảo vật.

Đây cũng là chủ đề mà Hiệp hội Bảo tàng quốc tế (ICOM) nêu ra trong Ngày quốc tế bảo tàng 18/5/2021 - “Tương lai của các bảo tàng: Phục hồi và đổi mới”. Việc ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã được thực hiện trong nhiều năm qua, hướng tới xây dựng di sản số (E-Heritage) góp phần đa dạng hoá di sản văn hóa Việt Nam.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia là bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng công nghệ tương tác ảo 3D (tương tác thực tại ảo) trong giới thiệu trưng bày bảo tàng. Từ năm 2013, bảo tàng đã ứng dụng công nghệ này giới thiệu 2 trưng bày chuyên đề: Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam, và Đèn cổ Việt Nam.

Từ năm 2020, bảo tàng tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp ứng dụng 3D và hoàn thiện giới thiệu trưng bày ảo. Trong lần nâng cấp gần đây nhất, việc cập nhật ứng dụng 3D và đổi mới hình thức giới thiệu mang lại cho công chúng sự tương tác, trải nghiệm khác biệt, mới lạ và sâu sắc.

“Ở những bản trước, người xem chỉ có thể xem hình dáng hiện vật kèm một chút thông tin. Hiện nay thông tin được chia nhiều loại, nhiều lớp tỉ mỉ, công chúng có thể bóc tách thông tin tìm hiểu về một bảo vật ở mức độ rất sâu”, TS Nguyễn Văn Đoàn cho hay.

Tham quan ảo nhưng như thật

Ấn vàng “Sắc mệnh chi bảo” đúc năm Minh Mệnh thứ 8 (1827) là 1 trong 20 bảo vật quốc gia “lên sóng 3D” trong chuyên đề mới.
Ấn vàng “Sắc mệnh chi bảo” đúc năm Minh Mệnh thứ 8 (1827) là 1 trong 20 bảo vật quốc gia “lên sóng 3D” trong chuyên đề mới.
“Một số hiện vật còn nhiều quan điểm khác nhau. Như chiếc bình thiên nga, hiện có 2 quan điểm cho rằng là gốm Chu Đậu, và gốm lò quan. Chúng tôi sẽ tiếp tục bổ sung dữ liệu, đa dạng thông tin để công chúng tiếp cận theo hướng đa chiều”.
TS Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Cũng là trống đồng Ngọc Lũ, nhưng qua công nghệ 3D không còn hình ảnh đen xám như trên giấy bản. Sắc nét từng họa tiết nhỏ trên mặt lẫn tang trống giúp người xem có thể hình dung rõ ràng, và thậm chí có thể phóng cận cảnh, xoay xung quanh để quan sát.

Bên cạnh đó là tư liệu bảo vật, gồm chất liệu, kích thước, niên đại, nơi phát hiện, thời gian công nhận cùng những phân tích chi tiết của chuyên gia khảo cổ về hiện vật.

Kết hợp với tư liệu hình ảnh, chữ viết còn ứng dụng âm thanh thuyết minh. Công chúng tham quan trực tuyến nhưng vẫn có cảm giác như đang đứng trong bảo tàng, nghe hướng dẫn viên thuyết trình về hiện vật.

Ngoài trống Ngọc Lũ, còn các bảo vật như trống Hoàng Hạ, thạp Đào Thịnh, mộ thuyền Việt Khê, tượng hai người cõng nhau thổi kèn, đèn hình người quỳ, bia Võ Cạnh, ấn Môn Hạ Sảnh.

Ấn quý Môn Hạ Sảnh được công nhận là bảo vật quốc gia từ năm 2012, chất liệu bằng đồng có niên đại năm Long Khánh 5, Trần Duệ Tông (1377), được phát hiện tại Hương Khê (Hà Tĩnh) vào năm 1962.

Thông tin từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, Môn Hạ Sảnh ấn là một trong những ấn biểu hiện quyền lực của Nhà nước phong kiến, dùng để đóng những văn bản hành chính quan trọng của triều đình nhà Trần, từ thời vua Trần Duệ Tông về sau.

Sảnh Môn Hạ là một trong 3 sảnh, cơ quan cao nhất của hệ thống chính quyền trung ương nhà Trần, và là cơ quan thân cận của nhà vua có nhiệm vụ giữ bảo ấn, truyền lệnh của vua tới các quan và các công việc lễ nghi trong cung.

Cho tới nay, những phát hiện về ấn đồng của các triều đại phong kiến Việt Nam trên đất nước ta rất ít. Môn Hạ Sảnh ấn là chiếc ấn đồng hiện biết có niên đại sớm nhất và nội dung rõ ràng nhất liên quan đến lịch sử hành chính trung ương triều Trần. Vì thế, đây cũng là hiện vật đặc biệt quý hiếm trong di sản văn hóa dân tộc.

Ngoài ấn đồng, ấn vàng “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo”, đúc năm 1709 thời Lê trung hưng cũng “góp mặt” trong triển lãm 3D lần này. Được chế tạo vào đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725) với kỹ thuật đúc và chạm khắc công phu. Đây là chiếc ấn có niên đại sớm nhất trong lịch sử tồn tại của nhà Nguyễn.

Mặt ấn đúc chữ Hán: Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo - 大 越 國 阮 主 永 鎮 之 寶 (vật báu của chúa Nguyễn nước Đại Việt trấn giữ lâu dài). Hai bên lưng ấn khắc 2 dòng lạc khoản, ghi tuổi vàng, cân nặng và năm chế tạo…

Đời Vua Gia Long (1802 - 1819), bảo ấn này được chọn làm báu vật truyền ngôi của vương triều Nguyễn và được lưu giữ rất cẩn trọng. Tại chùa Thiên Mụ (Huế) còn lưu dấu kim bảo này trên tấm bia do chúa Nguyễn Phúc Chu cho dựng năm 1715.

20 bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia được trưng bày khá khác nhau. Có hiện vật được đặt trưng bày thường xuyên, có hiện vật thỉnh thoảng mới được mở kho. Vì vậy, việc đưa các bảo vật thành nhóm và trưng bày mở ra cơ hội giúp công chúng có thể hệ thống và hiểu tường tận các di sản quý báu.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ