“Wandeuk cậu học trò nổi loạn” và giá trị của sự cảm thông, thấu hiểu

GD&TĐ - “Wandeuk cậu học trò nổi loạn” là cuốn sách của Kim Ryeo- Ryeong từng đạt giải nhất cuộc thi Sáng tác văn học dành cho thanh thiếu niên tại Hàn Quốc năm 2007. Cuốn sách được Nhà xuất bản Văn học giới thiệu với độc giả Việt Nam vào năm 2015. 

“Wandeuk cậu học trò nổi loạn” và giá trị của sự cảm thông, thấu hiểu

Câu chuyện về Wandeuk như Ban giám khảo cuộc thi đã nhận xét là “lột tả chân thực cái bóng của xã hội Hàn Quốc với sức nặng có thể cảm nhận được từ cuộc sống của những người dân nghèo thành thị, người khuyết tật và những người lao động nhập cư nước ngoài”. Bên cạnh giá trị hiện thực mà câu chuyện đưa lại thì điều mà tôi cảm thấy xúc động là khi cảm thấu được những tình cảm mà những người nhân vật dành cho nhau, nhất là tình thầy - trò, phụ huynh – thầy giáo.

Toàn bộ câu chuyện dài 221 trang, chủ yếu là ngôn ngữ đối thoại, không phải là dễ đọc, nhất là với những ai ưa thích kiểu ngôn ngữ có tính mực thước, nhất là khi nói về các mối quan hệ trong nhà trường. Nhưng đằng sau những lớp đối thoại có lúc nhịp nhàng, có lúc ngắt quãng, có lúc gai góc đôi khi pha chút triết lý là câu chuyện đầy chất nhân văn.

Nhân vật chính là Wandeuk, một học sinh trung học, có hoàn cảnh gia đình khá đặc biệt: nhà nghèo, cha cậu bị gù, đi bán hàng rong; từ lúc biết nhận thức thì cậu chưa hề thấy sự hiện diện của mẹ mình. Lớn lên với một người cha bị gù tại một đất nước còn định kiến về người tàn tật, cộng với việc thiếu sự chăm sóc của mẹ khiến cho cuộc sống của cậu khá khốn đốn.

Có lẽ đó là một trong những nguyên nhân khiến cậu ta có lối sống bất cần, ngỗ ngược, luôn giải quyết mọi chuyện bằng nắm đấm, vì thế cậu được xem là đại ca nơi trường cậu đang học. Mọi chuyện bắt đầu có sự thay đổi khi thầy giáo Ddong Joo tiếp quản. Cách thầy dạy dỗ, nói năng với học trò cũng không giống với các giáo viên trước đó. Với bản tính thích gây gổ như trước đây, Wandeuk coi thầy như kẻ thù không đội trời chung.

Ở lớp thầy quản Wandeuk khá chặt, và đặc biệt thầy giáo ấy còn là hàng xóm của cậu ta nên mọi chuyện về cậu đều được thầy giám sát. Cậu ta căm ghét thầy đến mức đến nhà thờ cầu nguyện cho thầy giáo chết đi vì “cả tuần hành hạ người khác”. Nhưng dần dần, cậu học trò nổi loạn ấy đã phải chịu khuất phục trước người thầy khá “lập dị” ấy.

Vậy, vì sao một cậu học sinh có điểm số gần kém nhất lớp, được coi là cá biệt ấy lại có thể mềm lòng trước thầy giáo của mình? Bằng lối kể chuyện có lúc dí dỏm, có lúc thâm trầm, tác giả đã để cho Wandeuk tự khám phá ra một “con người khác” của người thấy giáo mà cậu rất căm hận.

Đầu tiên là chuyện thầy Ddong Joo tìm mẹ cho Wandeuk. Bằng cách nào đó mà thầy giáo biết được mẹ của Wandeuk còn sống, là người nước ngoài, có cuộc sống vô cùng cơ cực, vì nhiều lí do mà phải xa con khi vừa cai sữa cho con. Và bây giờ thầy giáo muốn làm cầu nối để người mẹ ấy về bên con. Điều này khiến Wandeuk vô cùng xúc động.

Tiếp đến là việc thầy Ddong Joo đã bị tố cáo chính cha đẻ của mình- một người rất giàu có về việc sử dụng người lao động nước ngoài và ngược đãi họ. Từ chuyện đó, Wandeuk và cha biết được thầy giáo đã rất nhiều lần bảo vệ và giúp đỡ những người có ý thức lao động chăm chỉ nhưng bị xâm phạm nhân quyền. Câu chuyện này khiến cha con Wandeuk được an ủi vì họ là những người yếu thế trong xã hội.

Ngoài ra còn là chuyện thầy Ddong Joo giúp đỡ bố Wandeuk mở trung tâm dạy nhảy để cuộc sống của những người nghèo đỡ nhàm chán, đặc biệt giúp bố Wandeuk tự tin hơn trước mọi người... Như vậy, cứ lặng lẽ khám phá, Wandeuk đã phát hiện ra người thầy giáo của mình đầy sự yêu thương, trái tim luôn ấm nóng. Chính vì thế mà Wandeuk đã hốt hoảng, sợ hãi khi vô tình làm thầy giáo bị đau. Chúng tôi tin rằng, Sau những chuyện này, Wandeuk đã thay đổi! Nụ cười đã tiếp tục nở trên môi cậu học trò vốn rất nổi loạn ấy.

Trong cuốn sách này còn là câu chuyện đầy sự ấm lòng về tình cha con, tình bạn bè và rất nhiều những mối quan hệ khác. Họ trải qua những hiểu nhầm, những đớn đau, những nhọc nhằn nhưng rồi chính sự thấu hiểu, cảm thông đã giúp họ xóa tan đi mọi nghi ngại và trở về bên nhau. Chính điều đó đã xoa dịu trái tim vốn có nhiều mảnh vá của họ.

Có thể nói, cuốn sách đã thức tỉnh chúng ta về cách hành xử, cách nhìn về những người xung quanh, nhất là những người làm công tác giáo dục. Điều gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim! Đó là thông điệp ý nghĩa nhất mà cuốn sách đưa lại. Đó cũng là lời giải thích vì sao bộ phim chuyển thể từ cuốn sách đã có hơn 5 triệu lượt khán giả đến rạp chỉ trong vòng 2 tháng sau khi công chiếu tại Hàn Quốc. Và bộ phim cũng được chiếu trong Liên hoan phim Quốc tế Berlin lần thứ 62 tại Đức (2012).

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ